Phân vùng để kiểm soát dịch
Chính sách phong tỏa tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam đã chính thức được dỡ bỏ kể từ 8h ngày 5/9/2021, thay vào đó, thành phố Đà Nẵng đã áp dụng biện pháp chống dịch theo Quyết định số 2905 được UBND TP Đà Nẵng ban hành vào ngày 3/9 cho đến khi có thông báo mới.
Cụ thể, Đà Nẵng sẽ phân vùng dựa theo cấp độ nguy cơ của dịch COVID-19, tương ứng với “cấp độ nguy cơ rất cao là vùng Đỏ, có nguy cơ và nguy cơ cao là vùng Vàng, nguy cơ thấp là vùng Xanh”, áp dụng theo cấp phường, xã.
Nhiều người dân cho rằng Quyết định 2905 dài khoảng 6 trang, dàn trải quá nhiều nội dung liên quan đến người dân, doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước khiến nhiều người đọc bị rối rắm, khó tìm ra điểm khác biệt trong quy định riêng giữa ba vùng “Xanh, Đỏ và Vàng”.
Ông T., một cư dân sinh sống ở Đà Nẵng chia sẻ:
“Khi phân vùng như thế người ta đưa ra một chính sách để áp dụng cho vùng như thế thấy có hợp lý hay không? Cái đó mới là quan trọng, đừng có nặng nề xanh, đỏ, vàng như thế.”
Một cư dân khác cũng sinh sống ở Đà Nẵng là chị H. cho hay chị thấy rối rắm với việc phân màu tại các vùng:
“Rối nhằn, chị chẳng hiểu gì hết luôn. Mình là vùng vàng, có nghĩa là được đi quanh trong tổ thôi. Vùng đỏ là không được ra khỏi xóm, không được đi tới đi lui luôn. Hôm trước mình đâu có được đi ra. Chỉ thị hôm trước mình đi ra khỏi cửa là nó thổi còi, rồi cho camera theo dõi trên trời. Giờ cho đi nhưng mà đi quanh xóm, không giúp hồi phục kinh tế hay một cái gì khác được cả. Chỉ đi ra đi vào cho thong thả đầu óc tí thôi.”
Văn bản mới không khác “phong toả”
Theo ý kiến một số người dân Đà Nẵng, Quyết định vừa ban hành có nới lỏng một ít về một số hoạt động nhưng nhìn chung thì thành phố vẫn còn áp dụng phong tỏa “cứng”.
Nguyên nhân được cho hay vì tính đến ngày 8/9, toàn thành phố Đà Nẵng chỉ có 18 xã, phường trên 5 quận, huyện không có ca mắc trong cộng đồng 14 ngày liên tiếp, còn lại hầu hết là vùng Vàng và Đỏ, trong đó có đến 104 vùng Đỏ.
Trong khi đó, do giãn cách và phong tỏa kéo dài khiến người dân chưa thể đi làm trở lại. Nhiều người cho biết cảm thấy quá bức bách vì không có thu nhập, đã vậy việc mua và chuyển thực phẩm cũng quá gian nan. Anh Đ., cư dân sinh sống ở Đà Nẵng chia sẻ về điều này.
“Tất nhiên rồi. Sao không bức được? Đã nhốt lại thì ai không bức. Chỉ thị 16+ (tức Chỉ thị số 05/CT-UBND) vừa rồi đi trong phường được nhưng giờ vùng Vàng có cho đi ra đường đâu. Ai có việc mới đi ra được, mua đồ mới đi ra được.”
Anh Đ giải thích thêm:
“Đa số gửi (nhờ tổ COVID-19) thì cũng chờ hai, ba ngày như nhau, ba ngày có, bốn ngày có tùy theo. Như vừa rồi nhà anh gửi mua gần hai triệu mà ba ngày mới đủ và giá thì cao hơn trước nhiều. Nói chung cũng tạm tạm, nhà anh thì có dự trữ sẵn được 14 ngày, mấy ngày sau thì anh em ở Quảng Nam họ gửi ra.”
Hoặc như lời chị H.:
“Tổ trưởng người ta đâu thể đáp ứng hết được bao nhiêu đó hộ dân. Chưa kể người dân không có tiền người ta mua lắc nhắc nữa. Tổ trưởng nào phục vụ cho nổi, ba đầu sáu tay không thể nào phục vụ nổi. Không thể nào đáp ứng hết cho dân được. Làm sao mà giao việc mỗi nhà, mỗi hộ, mỗi người đi chợ, 50-60 hộ mà hai, ba người đi chợ thì làm sao đáp ứng nổi.”
Phải sống chung với dịch
Không chỉ riêng chị H., anh Đ. mà nhiều cư dân Đà Nẵng khi trao đổi với RFA cũng bày tỏ lo lắng nếu thành phố cứ giãn cách, phong tỏa kéo dài và cứ tiếp tục để tổ COVID-19 đảm nhận công việc cung ứng lương thực, thực phẩm như hiện tại, sẽ không ổn, ảnh hưởng chung đến công tác phòng, chống COVID-19 của cả thành phố.
“Nhốt miết lỡ bệnh nó nhập cái mà nhà không có lương thực thực phẩm ăn, không có sức đề kháng chống lại là chết. Chết tới nơi. Không thể nào đáp ứng hết lương thực thực phẩm cho hết toàn dân, không thể nào. Phải để cho họ hoạt động trở lại bình thường.”
Lãnh đạo Đà Nẵng mới đây cho biết sau 20 ngày thực hiện phong toả cứng, Đà Nẵng tự tin cắt được chuỗi lây nhiễm, kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng vẫn đang còn diễn biến khó lường, hiện cuộc sống của người dân đang khá bấp bênh và đối mặt nhiều rủi ro.
Ông T. một cư dân Đà Nẵng nói:
“Cái chính là cho đến bây giờ, ca lây nhiễm cộng đồng ở Đà Nẵng mình cơ bản đã kiểm soát được rồi, vấn đề sau này có phát sinh thêm nữa hay không thì còn hên xui. Khả năng thành phố thêm vài ba ngày nữa chứ lâu hơn nữa thì cũng không được đâu.”
Cùng suy nghĩ với ông T., anh Đ. cho biết tiếp:
“Vấn đề phong tỏa vừa rồi, lương thực thực phẩm bất cập xíu, nói chung mấy ổng không có đáp ứng như theo mấy ổng nói hết được.”
Chị H. trải lòng:
“Nói chung bây giờ phải sống chung với lũ thôi, không thể nào ngăn sông cấm chợ kiểu này, kinh tế kiệt quệ. Kinh doanh, dịch vụ chết trước, người bán vé số, thợ hồ, những người họ làm họ ăn từng ngày thì chết trước. Còn gia đình chị nói cho đúng mình cũng còn giúp chổ này chổ kia, còn tính toán như họ không có tài sản gì hết họ chết trước rồi sau đó Nhà nước mình là chết sau cùng, doanh nghiệp chết hết thì không có tiền đóng thuế, Nhà nước chết chừ chứ không phải giỡn đâu.”
Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến ngày 8/9, Đà Nẵng ghi nhận 5.247 ca nhiễm CCOVID-19, trong đó có 78 ca tử vong và số ca bệnh thực đang điều trị ở Thành phố này là hơn 50%.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố cho biết, trong ngày 8/9, Đà Nẵng ghi nhận 30 ca mắc COVID-19. Trong đó có 23 ca cách ly tập trung, 5 ca cách ly tạm thời, 2 ca phong tỏa và không ghi nhận ca cộng đồng.