Đại án “chuyến bay giải cứu” đã bắt đầu xét xử sơ thẩm từ hôm 11/7, tại Hà Nội. Theo kế hoạch, vụ án dự kiến xử suốt một tháng. Đặc biệt, vào ngày đôi đẹp nhất năm 08/8, phiên tòa sẽ chất vấn bị cáo “khủng” nhất, kẻ đã một tay bài bố, sắp xếp toàn bộ vụ hối lộ kỷ lục này. Phiên xử này được truyền hình trực tiếp.
Bị cáo tên là Thể Chế.
…
…
…
Quý vị ơi, tôi đùa đấy.
Nếu thằng Thể Chế bị lôi cổ ra xét xử thì Việt Nam ta đã thành rồng thành hổ từ lâu rồi.
Không làm thế thì cạp đất mà ăn à?
Phiên tòa lịch sử hấp dẫn ngay từ những diễn biến đầu tiên. Hôm 11/7, báo chí Việt Nam tiếp tục ghi được những hình ảnh để đời, với 54 bị cáo, trong đó hết một nửa là cựu quan chức cao cấp của bảy bộ ngành và địa phương.
Không hổ danh là cán bộ cao cấp và dân kinh doanh tinh anh, đoàn bị cáo mặc sơ mi trắng đứng chen chúc sáng cả phòng xử án có màu tường và nền khá u ám của Tòa án TP Hà Nội.
Hầu hết mọi chi tiết trong đại án này đều là hiếm có, là lần đầu.
Về nguyên nhân, các nhận định trước đó của các cơ quan có trách nhiệm quy về sự chồng chéo, không rõ ràng về thẩm quyền trong quá trình thực hiện. Từ đó một số cá nhân có thẩm quyền ở các Bộ, ngành nhũng nhiễu doanh nghiệp để vòi tiền.
Trong các phiên họp Quốc hội, nhiều đại biểu yêu cầu phải siết chặt công tác cán bộ, phải bố trí cán bộ đủ sự liêm chính để không lặp lại đại nạn tham nhũng, ăn hối lộ tập thể như lần này.
Hoan hô Quốc hội. 500 cái đầu được sàng lọc chọn lựa từ hơn trăm triệu người Việt Nam quả thật rất thông minh, nói rất đúng.
Đúng một phần bé tí!
Cán bộ, hay sự chồng chéo không rõ ràng về thẩm quyền chỉ là vài biểu hiện vô cùng bề ngoài của nguyên nhân thật sự.
Có ba trăm lượng việc này mới xong
Đó chính là lỗi hệ thống mang tính sinh tử của thể chế hiện tại. Là sự độc quyền nhà nước trong kinh tế.
Vụ án chuyến bay giải cứu có tổng cộng bảy bên dính líu gồm : Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Quảng Nam.
Tại Văn phòng Chính phủ dính vào có Vụ quan hệ quốc tế, trợ lý Thủ tướng thường trực.
Tại Bộ Ngoại giao có Cục lãnh sự, Phòng Bảo hộ công dân, một số đại sứ Việt Nam ở nước ngoài, thậm chí có cả cựu đại sứ.
Tại Bộ Công an có cán bộ Cục Xuất nhập cảnh, tương tự có cả cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội.
Tại Bộ Y tế có thư ký của thứ trưởng.
Tóm lại không chừa một ai.
Diễn tiến vụ án có chi tiết rất đắt.
Ban đầu, năm bộ, ngành được giao phối hợp đề xuất chuyến bay. Kết quả tập hợp lại, gởi lên Văn phòng chính phủ để nơi này “tham mưu”, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt (cho công ty nào được tổ chức bay, bao bao nhiêu chuyến.v.v)
Sau đó, ngửi thấy hơi đồng nồng nàn, các anh được giao trọng trách trong Văn phòng Chính phủ phớt lờ tổ năm Bộ, tự ghi tên các doanh nghiệp và trình thẳng lên lãnh đạo Chính phủ.
Khi phát hiện ra việc qua mặt, đầu mối tham mưu-đề xuất lãnh đạo Chính phủ được chuyển về Bộ Ngoại giao.
Nhưng sự điều chỉnh đó không mang lại chút hiệu quả nào mà chỉ khiến thay đổi quy trình hối lộ. Trước kia các doanh nghiệp chỉ cần chạy thẳng một cửa Văn phòng Chính phủ thì nay quyền lực được chan ra cho nhiều bên, nên họ phải chạy đủ các cửa. Tổng số tiền phải chạy tăng lên rất nhiều.
Mới dẫn đến việc giám đốc một công ty khai trước tòa: Thời gian đầu nộp hồ sơ cấp phép tại Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao, nhiều lần Cục trưởng khi đó là bà Nguyễn Thị Hương Lan yêu cầu phải chi tiền. Do không đưa tiền nên doanh nghiệp thường xuyên bị làm khó.
“Bị cáo từng bị Cục Lãnh sự và Bộ Giao thông Vận tải gây khó khăn, không duyệt chuyến bay. Bà Lan bảo đưa tiền nhưng bị cáo không đưa nên sát một ngày mới cấp phép. Do đó, doanh nghiệp lâm vào tình thế khó khăn cùng cực.
Doanh nhân này cho biết khi thực hiện các chuyến bay, phải thế chấp trước 30% tiền thuê máy bay. Khi được cấp phép thì doanh nghiệp phải nộp đủ tiền, mỗi lần thuê máy bay từ sáu tỷ đến chín tỷ đồng. “Công dân ở nước ngoài muốn về phải trả tiền nhà, xin nghỉ việc, gửi đồ đạc mà cứ mai bay, nay mới biết mình được về là hành hạ họ”.
Ông này cũng kể đã bị Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Xuất Nhập cảnh – Bộ Công an, và Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, ép phải đưa tiền bôi trơn. “Khi gặp ở Bộ Y tế, Kiên quát, bảo “các anh làm ăn phải nộp mỗi người mấy triệu đồng”. Kiên nói “tôi biết các anh đưa tiền cho anh Tuấn thì cũng phải đưa cho tôi 150 triệu một chuyến”.
Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên (Bộ Y tế) nhận hối lộ đến mòn cả tay: 253 lần.
“Chuyến bay giải cứu” như thanh nam châm cực mạnh; nó hướng đến bất cứ cơ quan nào thì lập tức hút ra một đống kẻ tham nhũng ở những vị trí cao nhất.
Đáng nói, tất cả các quan chức có trách nhiệm trong chủ trương này đều chủ động làm khó, đòi tiền và nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp một cách công khai, bình thản. Doanh nghiệp thì hiểu ngay phải làm gì để được cấp phép các chuyến bay kinh doanh.
Nghĩa là trong nhận thức xã hội và chính quyền, quan chức ăn hối lộ đã không phải là hành vi sai trái, thậm chí còn không phải là hành vi bình thường. Nó là điều kiện đầu tiên, là cái giá không hạch toán vào khoản nào được nhưng bắt buộc phải chi nếu doanh nghiệp muốn hoạt động kinh doanh. Trong tất cả các lĩnh vực, tất cả các cơ quan, tất cả các cấp. Nó là tất-lẽ-dĩ nhiên, ai cũng biết và ai cũng biết là người khác biết việc mình làm.
Doanh nghiệp nào không thừa nhận nguyên lý này sẽ bị hất văng khỏi thương trường lập tức.
Cho nên khi ra tòa, hầu như tất cả các bị cáo đều nói một câu nghe có vẻ mỉa mai, chạy tội ngu), nhưng ngẫm kỹ lại có phong vị thật thà: “Không biết nhận tiền (của doanh nghiệp) như thế lại là phạm pháp!”.
Chiếc tử cung độc quyền
Thực ra không có cơ chế nào đủ hoàn hảo để ngăn cản con người phát sinh lòng tham và lợi dụng quyền lực nhằm thỏa mãn lòng tham. Cách phổ biến nhất để hạn chế tình trạng đó là công khai và kiểm soát. Do vậy, nhiều nước có hai hoặc nhiều hơn hai đảng phái để cạnh tranh quyền điều khiển quốc gia. Phe chiến thắng phải cẩn trọng trong từng hành vi vì luôn luôn có những con mắt quan sát của đối thủ. Nếu sơ sẩy, sai lầm của họ sẽ dẫn đến việc thất cử trong nhiệm kỳ sau. Những thành viên của một đảng thất cử sẽ không thể nắm giữ các vị trí quan trọng của quốc gia và cầm lái định hướng phát triển nó. Đó là thất bại lớn nhất về tinh thần cho những người ôm chí lớn muốn thể hiện tài năng của bản thân. Kèm với nó là sự thất bại cụ thể về tài chính.
Việt Nam có rất nhiều tổ chức được thành lập với mục đích kiểm soát và ngăn chặn tình trạng thao túng quyền lực, như các cơ quan thanh tra, Mặt trận tổ quốc, Hội đồng nhân dân các cấp và cao nhất là Quốc hội với các ban/ủy ban chuyên trách. Nhiệm vụ của những cơ quan này nói nôm na là nghe ngóng tình hình và phản ứng của người dân với các chủ trương chính sách, từ đó đi sâu kiểm tra giám sát việc thực thi, hoặc xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
Nhưng với thực tế chỉ có một đảng cầm quyền, tất cả các vị trí quan trọng trong chính quyền đều phải là đảng viên mới được bổ nhiệm thì, chính xác như hình ảnh mà dân gian hay dùng để ví von, đó chỉ là một chiếc ô lớn.
Dưới đó mặc dù các thanh nan được sắp xếp đối trọng nhưng sự thật là tất cả đều nằm dưới một mái dù. Không gì có thể vượt lên trên nó. Ngoài nó, cũng không có chiếc ô nào khác để người ta núp mưa.
Sự độc quyền trên thượng tầng khiến không thể có cơ chế kiểm soát, thanh tra, giám sát nội bộ nào tồn tại một cách thực chất.
Đó chính là chiếc tử cung sản sinh, dung chứa và bao bọc tham nhũng.
Các vụ đại án trước kia, hiện tại và sau này đều không dám động vào mấu chốt.
Thay vào đó, các “cụ” tuôn ra những lời kêu gọi lương tâm đảng viên, đạo Đức cá nhân, liêm chính để chống tham nhũng… lấp lánh, hùng hồn, đầy cảm động, đầy quyết tâm.
Nhưng ai cũng biết nó chỉ là những dây pháo hoa giấy, không thể che nổi mất sàn nhà bẩn thỉu ruỗng nát.
_________
Tham khảo:
https://thanhnien.vn/xet-xu-dai-an-chuyen-bay-giai-cuu-nhung-cuoc-nga-gia-hoi-lo-18523071223163932.htm
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/vu-chuyen-bay-giai-cuu-canh-sat-dan-giai-nhieu-cuu-quan-chuc-toi-toa-c46a1482895.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.