Vấn đề thứ ba là, tha hoá quyền lực là căn nguyên của tình hình bất ổn, thì kiểm soát quyền lực là mấu chốt, nhưng cải cách dân chủ là mới thực sự là giải pháp chính sách đúng đắn về nguyên lý cũng như thực tế. Vượt qua sự níu kéo giáo điều của ý thức hệ, sư phát triển nhân loại theo phương thức sản xuất TBCN là quá trình phức tạp của thời kỳ đầu với bất công, phân hoá giàu nghèo, nhưng nó vẫn đang thống trị thế giới. Và trong bối cảnh hiện tại mặc dù mô hình chế độ dân chủ còn bị nhiều chỉ trích là bị chia rẽ, phân hoá và chậm chạp quyết định chính sách nhưng CNTB không ngừng cải thiện hướng tới thịnh vượng và dân chủ.
Sự cải thiện liên tục là một đặc tính và ưu thế của thị trường, trong đó môi trường tự do tư tưởng là điều kiện tiên quyết cho sự cống hiến của các nhà nghiên cứu khoa học, đặc biệt là kinh tế. Cụ thể là các trường phái kinh tế luôn có chỗ đứng trong chính sách vận hành của chính phủ. Người ta hay nhắc đến nhà kinh tế Adam Smith (1723-1790). Ông được được tôn vinh là cha đẻ của trường phái tư tưởng về thị trường tự do. Đề xuất một “mô hình thị trường” để giải thích sự hình thành và phát triển các trật tự xã hội loài người trên quy mô lớn, bao gồm đạo đức và kinh tế, tư tưởng kinh tế tự do với sức mạnh của động lực khuyến khích đồng thời với cảnh báo về rủi ro đạo đức và trục lợi của Adam Smith đã đặt nền móng làm “thay đổi” thế giới, khi các nhà tư tưởng kế thừa đã dựa vào, cảnh báo rủi ro tha hoá quyền lực, như câu nói kinh điển của Lord Acton (1834-1902): “quyền lực tuyệt đối có xu hướng tha hoá tuyệt đối”, hoàn thiện các công cụ thị trường, thể chế và chính sách hướng đến sự thịnh vượng và chế độ dân chủ với cơ chế bầu cử tự do và tam quyền phân lập để kiểm soát quyền lực ngăn chặn rủi ro đạo đức, hành vi trục lợi…
Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, vì ý thức hệ dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác, để duy trì chế độ Đảng đã phủ nhận tính quy luật phát triển, nhưng vẫn phải dựa vào thị trường để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tình hình kinh tế xã hội ảm đạm, bất ổn thể chế hiện nay có nguyên nhân sâu xa là mâu thuẫn giữa đặc tính toàn trị và thị trường, mà biểu hiện là sự tha hoá quyền lực ngày càng nghiêm trọng. Như vậy, trong kinh tế thị trường việc chuyển đổi dân chủ để kiểm soát tha hoá quyền lực là xu hướng mang tính quy luật, nhưng thiết lập chế độ mới cần có thời gian. Và, hy vọng cải cách thể chế như một đột phá chiến lược trong đường lối của Đảng được thúc đẩy và hướng tới dân chủ để tăng trưởng. Chẳng hạn, giữ ổn định xã hội nhưng đồng thời cần xây dựng và đẩy mạnh nguyên tắc công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình (MB) dựa vào dân, báo chí và xã hội dân sự là một đề xuất quá độ có thể khả thi để chống tham nhũng (TN), chống tha hoá quyền lực (QL) bởi mối quan hệ ràng buộc của nó khá đơn giản về trình bày: TN = QL – MB.
Bốn là, cải cách thị trường để chuyển mô hình tăng trưởng cũ sang mô hình mới, trong đó tập trung nhấn mạnh vai trò của thể chế đối với tăng trưởng, cải cách thể chế theo hướng dân chủ để chống tham nhũng đồng thời với tăng trưởng. Lý do đặt vấn đề thứ tư này xuất phát từ tình thế Đảng CS đang ở thế lưỡng nan trong bổi cảnh thoát khỏi cái nghịch lý vừa phải thúc đẩy tăng trưởng để đảm bảo tính chính danh lại vừa phải chống tham nhũng trước nguy cơ tồn vong chế độ. Tăng GDP được đánh giá tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá 15 đang diễn ra tại Hà Nội là không thể đạt mục tiêu 6-6,5% đã đề ra cho năm 2023, nhưng QH vẫn quyết định mức này cho năm 2024.
Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, thường được áp dụng trong điều kiện xuất phát điểm thấp của nền kinh tế và các yếu tố vật chất hữu hình như tài nguyên, đất đai, lao động giá rẻ và thậm chí cả lòng nhiệt tình cách mạng, đã dần hoàn thành “sứ mệnh” của nó. Hãy đoạn tuyệt với ảo tưởng tăng trưởng GDP với tỷ lệ cao mãi mãi. Việc tìm kiếm “mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững” mà giới lãnh đạo hay phát biểu đã trở nên vô vọng trong bối cảnh bất ổn thể chế, nhưng đề xuất một mô hình tăng trưởng mới thì ngay cả giới lý luận “cung đình” cũng chưa tự tin để sẵn sàng. Một trong những lý do có thể là sự nhạy cảm với chế độ dựa trên ý thức hệ CNXH đối lập với kinh tế thị trường.
Về nguyên lý, tăng trưởng GDP được xác định trên cơ sở kết hợp các yếu tố cơ bản là vốn, lao động, công nghệ và tổ chức. Chúng được kết hợp thông qua… sự khuyến khích kinh tế, lợi ích. Sự khuyến khích là yếu tố chủ yếu sản sinh động lực tăng trưởng trong môi trường quyền sở hữu, hệ thống luật pháp minh bạch, các nguyên tắc thị trường cởi mở cạnh tranh, một nhà nước trong sạch, hiệu năng và sự ổn định chính trị. Và đến lượt mình, các thể chế này bị ràng buộc bởi văn hoá, địa lý, lịch sử, ý tưởng và các yếu tố khác của một quốc gia cụ thể. Ngoài ra, sự kết hợp các yếu tố nêu trên là điều bí ấn để tạo ra động lực tăng trưởng.
Trong việc xây dựng mô hình mới vai trò của các yếu tố thể chế ngày càng đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng. Trong cuốn sách được dịch sang tiếng Việt cách đây đúng một thập kỷ, năm 2013 có tên: “Tại sao các quốc gia thất bại”, hai nhà nghiên cứu Daron Acemoglu và James A. Robinson đã mang đến ý tưởng chính là khi nghĩ về sự phát triển, thịnh vượng hay nghèo đói, của đất nước, chúng ta phải suy nghĩ về thể chế của nó. Nhưng đáng buồn thay, nhiều người “hài lòng” với “các thể chế khai thác”, trong đó các tài nguyên, ví dụ ở Việt Nam như đất đai và lao động, bị “bóc lột” cho tăng trưởng trong khi “quay lưng” với “các thể chế bao trùm” tạo ra môi trường tự do về tư tưởng và kinh doanh để khuyến khích đầu tư hoặc đổi mới, dân chủ và tôn trọng quyền con người.
Xin nêu một yếu tố để minh hoạ. Lĩnh vực bất động sản (BĐS) là một trụ cột quan trọng, chiếm khoảng 20% GDP, cho tăng trưởng trong mô hình hiện nay, nhưng thường xuyên trong trạng thái bất ổn. Nó chứa đựng sự bí ẩn của mối quan hệ các yếu tố vốn (đất) và sở hữu toàn dân, tính đại diện của chính quyền, doanh nghiệp BĐS và người dân. Luôn tồn tại có chênh lệch giá đất được quy định bởi nhà nước và giá thị trường. Thực tế đang chỉ ra rằng phần tiền chênh lệch này được chia làm ba với tỷ lệ nhiều ít tuỳ từng dự án BĐS: tiền hối lộ quan chức (đại diện), lợi nhuận chủ doanh nghiệp và cho hoạt động kinh doanh (việc làm, thu nhân người lao động và nộp thuế). Hơn thế, dân oan mất đất, khiếu kiện, kêu than, lấn chiếm đất công, trục lợi, gia đình bất hoà… là những hiện tượng nhức nhối, đau lòng. Luật Đất đai ở Việt Nam đã qua 5 lần sửa đổi nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế thị trường. Mới đây, Luật Đất đai sửa đổi năm 2023 đã bị đề nghị hoãn thông qua tại Kỳ họp 6 Quốc Hội 15 cũng vì lý trên.
Nhấn mạnh vai trò quyết định của thể chế đối với sự thịnh vượng hay sự sụp đổ của một quốc gia, xin nêu một số trường hợp gần gũi với nhận thức của giới lãnh đạo và trong ký ức của nhiều người dân.
Một là, sự so sánh hai thể chế tương phản CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc;
Hai là, kiểu mô hình Trung Quốc và Việt Nam, dù đạt tăng trưởng cao trong một thời kỳ, nhưng về tính chất và đặc điểm cũng bị liệt vào loại “thể chế khai thác” với đặc thù Đảng CS lãnh đạo kinh tế thị trường;
Ba là, nước Mỹ là một kiểu của loại “thể chế bao trùm” vượt trội khi kéo dài tăng trưởng cao từ cuối thế kỷ 19 đến nay đưa quốc gia này trở thành cường quốc số 1 thế giới. Tuy nhiên, đánh giá về sự thành công này, các nhà nghiên cứu có nhận xét thú vị, rằng nước Mỹ đã có được “một chút may mắn”. Đó là “Hiến pháp Hoa Kỳ may mắn được viết ra năm 1776 đúng vào thời điểm mà các ý tưởng của John Locke và Adam Smith được phổ biến. Và nó thừa hưởng xu hướng phát triển kinh tế thị trường và các thể chế dân chủ. Một biên giới rộng mở, và nhiều tự do để thử những ý tưởng mới, sự sáng tạo và cách sống mới, bỏ lại những cách cũ phía sau để tiến lên…Và nước Mỹ cũng rất may mắn khi George Washington có đức chỉ dừng lại ở hai nhiệm kỳ tổng thống chứ không phải cố gắng trở thành vị vua kế tiếp.”
Phạm Quý Thọ
*Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á châu Tự do