Ông Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, tại Hội thảo góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương hôm 7/8/2024 đã đề xuất quy định lương đủ sống, giảm giờ làm để tìm bạn đời, tăng mức sinh.
Ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 12/8/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng:
“Những đề xuất này là đúng chứ không sai. Nhưng nó chỉ là lời nói suông chứ không thể thực hiện trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Vì bản chất nền kinh tế quá yếu, nền tảng thì không có, mà các lãnh đạo quản lý xã hội thì dở. Nếu kinh tế không phát triển mà tăng lương thì chắc chắn sẽ dẫn theo lạm phát, tiền lương tăng 1 đồng nhưng tiền nhà tiền ăn tiền xăng tăng 6-7 đồng thì còn lâu mới có thể đủ sống được. Mà đủ sống cũng không đủ nuôi con.”
Những đề xuất này là đúng chứ không sai. Nhưng nó chỉ là lời nói suông chứ không thể thực hiện trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.
-Ông Trần Anh Quân
Liên quan đề xuất giảm giờ làm cho người lao động, ông Quân nhận xét:
“Còn nói về giờ làm thì doanh nghiệp chèn ép người lao động đủ đường. Nếu làm đủ 8 tiếng thì lương không đủ sống, thậm chí bị mất việc, vì các doanh nghiệp ưu tiên tăng ca, người lao động cũng muốn tăng ca để có thêm lương. Nên câu chuyện làm đủ 8 tiếng rồi về chỉ là cái bánh vẽ với công nhân thôi. Cái quan trọng là nhà nước phải có chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện, kêu gọi đầu tư một cách bài bản để tạo nền tảng bền vững cho kinh tế, xã hội…”
Giải thích về đề xuất này, ông Nguyễn Thiện Nhân đã viện dẫn công tác dân số hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước và mức sinh thay thế hiện chưa thực sự bền vững. Tuy nhiên nếu chỉ đề xuất tăng lương, giảm giờ làm mà không tính đến thực tế khó khăn kinh tế hiện nay, cũng sẽ gây lo ngại.
Một công nhân ở thành phố Biên Hòa không muốn nêu tên vì lý do an ninh, cho biết RFA ý kiến về vấn đề tăng lương:
“Khi đồng lương tăng lên cũng đồng nghĩa vật giá cũng sẽ tăng. Vật giá mà tăng thì đồng lương tăng sẽ không thấm vào đâu cả. Vật giá mà tăng đồng loạt thì công nhân chỉ có buồn thôi, cho nên nghe tăng lương vừa là nỗi vui và là nỗi lo! Và một số doanh nghiệp họ cũng sẽ tăng những khoản để lấy lại tiền mà khi họ tăng lương cho công nhân: tăng phí bảo hiểm, cắt trợ cấp, ép công nhân tăng ca… Họ làm mọi cách để cắt giảm lại.”
Trong khi đó, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam – VARS trong bản tin thị trường mới đây cho biết, giá nhà tăng cao đã góp phần thúc đẩy xu hướng nhiều người trẻ lựa chọn cuộc sống không kết hôn, sinh con hay chọn lối sống ‘hai nguồn thu nhập, không con cái’. Do đó Hội này hôm 12/8/2024 đã đưa ra đề xuất cụ thể hơn, đó là ưu tiên hỗ trợ một lần khi mua nhà ở xã hội với cặp vợ chồng có hai con nhằm cải thiện tình trạng mức sinh thấp.
Trở lại với đề xuất của ông Nguyễn Thiện Nhân, một người từng công tác trong nhiều cơ quan nhà nước, không muốn nên tên vì lý do an toàn, hôm 12/8/2024 khi trả lời RFA cho rằng đề xuất này không thực tế và khả thi vì:
“Giờ làm việc trong mỗi ngày và bao nhiêu ngày trong 1 tuần, kể cả làm thêm giờ thì Luật lao động đã quy định rồi nên không thể muốn giảm giờ làm tùy tiện được. Mặt khác, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp cũng đã có nội quy riêng về giờ giấc làm việc và Thỏa ước lao động được ký kết giữa chủ doanh nghiệp với đại diện người lao động, đó là chưa nói đến về tâm lý của chủ doanh nghiệp là chỉ muốn người lao động làm tăng giờ chứ không bao giờ muốn giảm giờ làm.”
Giờ làm việc trong mỗi ngày và bao nhiêu ngày trong 1 tuần, kể cả làm thêm giờ thì Luật lao động đã quy định rồi nên không thể muốn giảm giờ làm tùy tiện được.
-Một người ở VN
Về tiền lương theo vị này, cũng đã được xác định trong Thỏa ước lao động, chứ không phải muốn tăng lên bao nhiêu cũng được. Nếu lương thấp quá không đủ sống thì có thể điều chỉnh Thỏa ước lao động. Ông nói tiếp:
“Trong trường hợp giữa chủ doanh nghiệp và đại diện người lao động không điều chỉnh được Thỏa ước lao động, thì người lao động có quyền đình công. Nhưng trường hợp này hiếm khi xảy ra vì hầu hết các doanh nghiệp ở VN, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, chưa có công đoàn độc lập hoạt động không phụ thuộc vào các Liên đoàn lao động của nhà nước! Qua khảo sát của tổ chức công đoàn thì hiện nay có khoảng 73% thu nhập của người lao động không đủ sống, họ phải làm thêm ngoài giờ mới đủ trang trải cuộc sống!”
Vì vậy người này cho rằng, trong thực tế là người lao động hiện nay đang tồn tại chứ không phải đang sống, vì sống theo đúng nghĩa là phải bảo đảm đầy đủ 4 vấn đề về dân sinh, đó là: ăn, mặc, ở, đi lại. Ngoài ra còn có các vấn đề khác là: học hành cho con em họ, chữa bệnh, vui chơi, giải trí, giao tế xã hội…! Tất cả những thứ trên hiện nay đều không bảo đảm. Ông nhận định thêm:
“Một đứa bé chào đời thì tốn rất nhiều chi phí chứ ko phải sinh ra rồi bỏ mặc đó. Rất nhiều khoản chi phí mà nhà nước không miễn phí, đó là: chăm sóc sức khỏe, nhà trẻ,…mà nhà nước thì hiện nay vẫn chưa có chính sách gì để hỗ trợ người lao động về mặt này! Đây chính là vấn đề cơ bản nhằm tạo điều kiện cho người lao động an tâm khi họ cho ra đời một đứa con.”
Chính vì những vấn đề vừa nêu, nên theo ông này, việc đề xuất giảm giờ làm, tăng lương là rất mâu thuẫn, vì giảm giờ làm thì làm sao tăng lương… Do đó nói tạo điều kiện cho người lao động có thời gian tìm bạn đời, tăng mức sinh là phi thực tế, duy ý chí!