Đại hội 13: Từ vụ Đồng Tâm cần lắm cơ chế giải trình trách nhiệm trước nhân dân!

Ngày 07 tháng 9 năm 2020, Tòa án nhân dân Hà Nội mở phiên tòa xét xử 29 người dân xã Đồng Tâm về các tội “Giết người, chống người thi hành công vụ”. Đây, theo nhà chức trách, là “vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, hôm 9 /1”, gọi tắt là “Vụ Đồng Tâm”.

Quá trình xảy ra vụ việc kéo dài và tính chất phức tạp khiến dư luận có nhiều vấn đề thắc mắc về vụ án này. Bài viết, từ góc độ cải cách thể chế, lý giải câu hỏi vì sao chính quyền trấn áp những người nông dân ở thôn Hoành một cách tàn nhẫn? Nên chăng Đảng có cơ chế giải trình trách nhiệm trước dân.

Đây là trường hợp không chỉ nghiêm trọng, mà còn khá điển hình phản ánh bản chất chuyên chế của chế độ áp dụng đối với nông dân để giải quyết tranh chấp đất đai trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường. Bởi vậy, vấn đề này cần thiết được đưa vào báo cáo chính trị và thảo luận ở Đại hội 13.

Chuyên chế thời bình

Việc ngày 9/9, Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội đề nghị mức án tử hình cho 2 bị cáo và nhiều mức tù nặng nhiều năm, cho thấy khả năng bản án nặng hoàn toàn có thể xảy ra và không gây bất ngờ cho các nhà quan sát.

Tính chất nghiêm trọng của vụ án “Đồng Tâm” bộc lộ bản chất chuyên chế của chế độ, nhưng là hậu quả của nó, chứ không phải là nguyên nhân. Áp dụng chuyên chế trong thời bình, thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường, ngày càng trở nên “phản cảm” trong mắt nhân dân và quốc tế, cản trở cải cách thể chế và hội nhập kinh tế với thế giới. Trong trường hợp này là trấn áp thay vì “thi hành công vụ”.

Trước hết, chuyên chế là một đặc trưng của chế độ đảng toàn trị, sử dụng bạo lực để duy trì, áp đặt quyền cai trị lên mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội và người dân…. Chức năng chuyên chế được thực hiện bởi sự phân công thành ba nhánh quyền lực, tất cả đều do Đảng cộng sản thống nhất lãnh đạo.

Khi toà án là nhánh quyền lực tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng, thì kết quả xử án mang nặng tính chính trị, theo ý đảng, các yếu tố tư pháp bị xem nhẹ. Bởi vậy, các bản án như nêu ở trên không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, kể cả dư luận khi truyền thông nhà nước đều mô tả người dân Đồng Tâm như những người quá khích, thiếu hiểu biết, và bị kích động bởi các nhóm quá khích. Ngoài ra, cái chết của ba cảnh sát cơ động cũng được các luật sư bên nguyên khai thác quá mức cần thiết tại Toà…

ccc
Hình minh hoạ. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về nói chuyện với người dân Đồng Tâm hôm 22/4/2017
AFP

Quyết định chuyên chế đối với vụ Đồng Tâm là sự cân nhắc chỉ đạo, và chắc chắn được cơ quan thẩm quyền cao nhất chuẩn y. Từ đầu năm 2017, khi dân Đồng Tâm lần đầu phản đối quyết định thu hồi đất cho Công ty Viễn thông quân đội Viettel, tuy có “đụng độ căng thẳng” với cảnh sát, nhưng họ đã nhận được những nhượng bộ từ chính quyền Hà Nội, trong đó ông Chủ tịch UBND Thành phố đã “cam kết bằng văn bản” đối thoại với dân và không truy cứu hình sự. Dư luận và các nhà quan sát chính trị đã lạc quan rằng chính quyền thể hiện vai trò tích cực hơn trong việc trao quyền và thúc đẩy quyền lợi của người dân.

Tuy nhiên, như đã biết, chính quyền đã “nuốt lời hứa” bằng việc dùng vũ lực tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm gây nên sự kiện “Rằm tháng Chạp” tính theo Âm lịch với bốn người chết và ba chục người bị bắt giam. Sự thay đổi trên không chỉ với mục đích trấn áp đối với một số nông dân ở thôn Hoành, mà phải nằm trong sự tính toán về sự kiểm soát của chính quyền trung ương đối với chính quyền địa phương và xã hội suy giảm trong lúc Đảng đang tăng cường tập trung quyền lực trước thềm Đại hội 13. Nhiều quan chức địa phương “giấu mình chờ thời” khi nhiều kẻ bị trừng phạt vì vi phạm, trục lợi về đất đai và khi làn sóng khiếu kiện của dân oan về đất đai thường vượt cấp tới trung ương.

Gắn bó “máu xương” với đồng ruộng

Những người nông dân sinh sống, gắn bó máu xương nhiều đời với đồng ruộng của mình, thử hỏi ai có thể yêu đất đai của mình bằng chính họ. Việc trấn áp tàn nhẫn họ thêm minh chứng rằng chính quyền không hiểu họ từ cội nguồn của vấn đề. Những hành động của những nông dân thôn Hoành thể hiện từ khi có “tranh chấp”  đất cánh đồng Xênh đến lúc chính quyền đàn áp họ là việc thể hiện việc giữ đất chứ không phải chống đối. Việc tự vệ đã diễn ra khi bị dồn vào “cửa tử”.

Thực tế cho thấy việc tranh chấp đất đai luôn chứa đựng nguy cơ xung đột xã hội, cá nhân với chính quyền như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, với tập thể như vụ Đồng Tâm, trên quy mô lớn rộng lớn như vùng nông thôn ở Thái Bình trước đây. Căn nguyên của tình hình là sự sai lầm về chính sách đất đai và sự thoái hoá, lợi dụng chức quyền của quan tham bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Người dân đã mô tả chúng là “cường hào địa chủ mới” hay “bọn quan tham”. Người nông dân nghèo khổ và bất bình đã tự phát hình thành “tổ đồng thuận chống tham nhũng” hay kéo nhau biểu tình thì đều là hình thức của hành vi tự vệ. Việc quy kết họ là “phản động” để đàn áp là sai lầm. Còn nhiều tư liệu chứng tỏ rằng người dân Đồng Tâm thể hiện sự tin tưởng vào Đảng, và phàn nàn về chính quyền địa phương tham nhũng!

Việc cải cách thể chế để phát triển không chỉ nhằm sửa sai về các luật lệ đất đai, đặc biệt về quyền sở hữu, và trừng trị quan tham “ăn đất” mà còn cần lắm một cơ chế chế công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trước nhân dân trong tranh chấp đất đai để tránh dẫn đến xung đột xã hội.

Chưa có một chế độ dân chủ, khi trách nhiệm giải trình là “khép kín”, nội bộ, thì cũng cần một “minh vương” để kiểm soát tính chuyên chế trong thời bình và thấu hiểu “lòng dân”, đặc biệt tâm tư, nguyện vọng của người nông dân, sự gắn bó của họ với ruộng đồng. Dù sự kiện đã là lịch sử, nhưng việc Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ đã phát biểu xin lỗi công khai trước “quốc dân đồng bào” về những sai lầm trong cải cách ruộng đất năm 1953 là hình ảnh chưa phai đối với nông dân.

Phạm Quý Thọ gửi từ Hà Nội

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Related posts