Đại tá Bùi Văn Tùng, người soạn tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh ngày 30-4-1975 và cũng là người đại diện Quân Giải Phóng Miền Nam tiếp nhận sự đầu hàng vừa từ trần ở tuổi 94. Có thể nói ông là nhân vật lịch sử then chốt của bên thắng cuộc trong thời khắc kết thúc cuộc chiến Quốc – Cộng. Trớ trêu thay, ông bị đảng thắng cuộc biến thành nạn nhân của tấn tuồng dối trá nhơ nhớp bẻ cong lịch sử. Đạo diễn chính vở tuồng là Quân Ủy Trung ương do Tổng Trọng đứng đầu.
Chế độ Cộng sản rất khôn ngoan kích động lòng tham ràng buộc cán bộ, đảng viên bằng các đặc quyền đặc lợi từ lúc sống đến lúc chết. Sống có phân biệt tiêu chuẩn nhà, xe, người phục vụ, bổng lộc, ngầm định những quyền hạn chọn người kế vị …. Chết có từng cấp độ lễ tang, nơi an táng, nghi thức theo cấp chức. Nào là Quốc tang cho hàng tứ trụ, cấp Nhà nước, cấp cao, …. Theo tiêu chuẩn của đại tá về hưu, đảng viên 75 năm tuổi đảng, ít nhất tang lễ của ông sẽ được tổ chức ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng bệnh viện 175 hoặc nhà tang lễ TP Lê Quý Đôn, chôn ở Nghĩa trang Liệt sĩ TP, Bang tang lễ phải do cấp Lữ Đoàn trưởng làm Trưởng ban, có hai sĩ quan cấp tá và 10 tiêu binh phò quanh quan tài…
Trong khi các quan chức Nhà nước đua nhau xây lăng mộ thật to, tang lễ thật long trọng nhiều nghi thức, cố đại tá Bùi Văn Tùng đã lựa chọn từ nghi thức tang lễ đến nơi án táng như một người dân, một phật tử. Tổ chức tại gia đình, gia đình tự tổ chức và an táng ở nghĩa trang tư nhân. (1)
Đó là sự ra đi thanh thản của một bậc minh triết, không vướng bận tham sân mặc dù ông là đại công thần bị bạc đãi nghiệt ngã.
Ngược dòng lịch sử, sau ngày 30-4-1975, thông tin báo chí và phim ảnh tài liệu của bên thắng cuộc đều ghi nhận là trưa ngày 30-4, Trung tá Bùi Tùng, Chính ủy lữ đoàn tăng 203 Quân đoàn 2, là sĩ quan cao cấp nhất có mặt tại dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. Chính ông đã thảo bản tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh, và chính ông cũng đã đại diện cho quân giải phóng miền Nam chấp nhận sự đầu hàng đó tại đài phát thanh. Sau 1975 ông tiếp tục là Chính ủy Lữ đoàn này và làm cán bộ giảng dạy ở Học Viện Quân sự và nghỉ hưu năm 1983 với cấp hàm đại tá. Trong suốt gần 10 năm, không có ý kiến nào khác về sự kiện này.
Từ năm 1985, ông Phạm Xuân Thệ (thời điểm 30-4-1975 là đại úy Trung đoàn phó Trung đoàn 66 sư 304 cũng có mặt tại Dinh Độc Lập) bắt đầu xuất hiện trên báo chí và các cuộc hội thảo, cùng với tư cách một nhân chứng lịch sử và khẳng định chắc nịch rằng chính ông đã trực tiếp thảo văn bản nói trên. Dư luận này ngày càng lớn dần lên đồng thời với tốc độ thăng tiến thẳng tắp của Phạm Xuân Thệ về cấp bậc từ thượng tá năm 1985 lên trung tướng năm 2002. Năm 1991, ông được bổ nhiệm giữ chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Năm 1995, bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân đoàn 2. Năm 2000, bổ nhiệm giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 1. Năm 2002, bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân khu 1. Năm 2011 được tuyên dương danh hiệu anh hùng.
Đại tá Bùi văn Tùng, tập thể Cựu Chiến binh và dư luận báo chí nhiều lần báo cáo với cấp trên về sự sai lệch này. Trước dư luận như vậy, ngày 17-1-2006, sau ba tháng nghiên cứu, lãnh đạo Viện Lịch sử quân sự đã thông báo “kết quả nghiên cứu, khảo sát những vấn đề chưa thống nhất xung quanh sự kiện đánh vào dinh Độc Lập”. “Thông báo” đó tóm tắt như sau: “Việc bắt Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các ở phòng họp dinh Độc Lập và áp giải Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu sang đài phát thanh” là của một số cán bộ chiến sĩ trung đoàn 66 do đại úy Phạm Xuân Thệ chỉ huy. Đại úy Phạm Xuân Thệ cùng cán bộ trung đoàn 66 đã tổ chức soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì trung tá chính ủy Bùi Văn Tùng mới xuất hiện, và sau đó cùng tiếp tục thảo và hoàn chỉnh lời tuyên bố đó.” (2)
Sau khi báo chí đưa tin nội dung cuộc họp báo nói trên, từ TP.HCM, đại tá Bùi Văn Tùng và các cựu chiến binh thiết giáp lại báo cáo cho rằng “kết luận” đó không khách quan, nghiêng về phía trung tướng tư lệnh Quân khu I Phạm Xuân Thệ và yêu cầu phải tiếp tục làm sáng tỏ sự thật lịch sử.
Tạp chí Xưa & Nay (thuộc Hội Khoa học lịch sử VN) thực hiện một chuyên đề dài 12 trang về diễn biến ngày 30-4-1975 tại Sài Gòn. Trong đó, ông Dương Trung Quốc và các tác giả khác đã đưa ra nhiều tư liệu và luận cứ khác, nhằm gián tiếp chứng minh rằng “thông báo” của Viện Lịch sử quân sự là không đầy đủ, không khách quan và chính xác. Tạp chí Lịch Sử Quân Sự (cơ quan của Viện Lịch sử quân sự) “đáp trả” cũng bằng một chuyên đề nhiều trang về sự kiện này.
Tại Liên hoan truyền hình toàn quốc 2007, Đài truyền hình TPHCM (HTV) đã tung ra bộ phim tài liệu lịch sử “Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4” của đạo diễn Lâm Thành Quí. Với những tư liệu và nhân chứng mới, gián tiếp phủ nhận “thông báo kết quả nghiên cứu” của Viện Lịch sử quân sự. Bộ phim được các thành viên giám khảo đánh giá rất cao. (3)
Báo Tuổi Trẻ TP.HCM có thiên tư liệu đăng ba kỳ trên ba số báo từ ngày 28-30-4 năm 2007. (4)
Loạt bài này, dẫn chứng nhiều ý kiến trong đó có tư liệu của nhà báo CHLB Đức Borries Gallasch, một nhân chứng cùng đi với Trung Tá Bùi Văn Tùng tư dinh Độc Lập đến Đài Phát Thanh và chứng kiến Trung Tá Tùng soạn tuyên bố đầu hàng. Chính nhà báo Borries Gallasch đã dùng máy ghi âm của mình nghi lời đọc của TT Dương Văn Minh và đưa phát trên đài. Cũng trong loạt bài này PV đã phát hiện ra bản viết tay của Trung Tá Bùi Văn Tùng lời tuyên bố đầu hàng được lưu trữ ở Bảo Tàng Quân Đoàn 2. (xem ảnh)
Tuy nhiên, Viện Lịch Sử Quân Đội vẫn ấn hành quyển sách Tiến vào Dinh Độc Lập 30-4-1975 viết lại lịch sử theo ý kiến ông Thệ. Với những tình tiết quan trọng là ông Thệ vào dinh Độc Lập, bắt sống chính phủ Dương Văn Minh, giải Dương Văn Minh ra đài Phát Thanh. Ba mươi phút sau Trung Tá Bùi Tùng mới đến. Chính ông Thệ viết văn bản đầu hàng cho ông Minh đọc nhưng chữ viết xấu, ông Minh không đọc được nên phải viết lại. Sau khi ông Minh đọc xong, đại úy Thệ mới giao cho Trung Tá Bùi Văn Tùng thay mặt Quân Giải Phóng đọc lời chấp nhận đầu hàng.
Đạo diễn-NSƯT Phạm Việt Tùng, Nhà thơ Trần Đăng Khoa (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), Nhà báo Trần Thu Hằng (nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô), …. đã bỏ ra nhiều công sức, thời gian điều tra, phỏng vấn nhân chứng đối chiếu tư liệu và năm 2021 đã công bố Phim Tài liệu điều tra “Chuyện thật trưa 30/4/1975”. (5)
Bằng đầy đủ hình ảnh, vật chứng, nhân chứng rất thuyết phục bộ phim đã khẳng định câu chuyện của ông Thệ hoàn toàn dối trá. Trung Tá Bùi Tùng đã có mặt tại Dinh Độc Lập từ đầu đã yêu cầu TT Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng. Do không tìm được máy ghi âm tại Dinh Độc Lập, Trung Tá Bùi Tùng đã yêu cầu TT Dương Văn Minh đến Đài Phát Thanh Sài Gòn để tuyên bố. Những thước phim và hình ảnh ghi lại lúc rời Dinh Độc Lập cho thấy ông Minh đi giữa, Đại úy Thệ đi bên trái, Tung Tá Bùi Văn Tùng đi bên phải. Trung Tá Tùng đã đồng ý cho nhà báo Borries Gallasch đi cùng xe. Tại Đài Phát Thanh, Trung Tá Bùi Văn Tùng đã viết lời tuyên bố và đưa TT Dương Văn Minh đọc nhà báo Borries Gallasch ghi âm bằng máy cá nhân. Đối chiếu bản viết tay của trung tá Bùi Tùng còn lưu giữ và băng ghi âm lời đọc của TT Dương Văn Minh thì hoàn toàn trùng khớp.
Mong muốn chính đáng của những người làm phim là bảo đảm lịch sử phải chân thực, công bằng, chính xác. Nhóm làm phim cũng gửi phim và kèm theo toàn bộ dữ liệu đến các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề nghị tuyên dương danh hiệu anh hùng cho Trung Tá Bùi Tùng.
Sự việc tưởng đã rõ mười mươi với đầy đủ nhân chứng, vật chứng. Nhân chứng bao gồm rất nhiều người, trong lẫn ngoài nước, trong nước gồm nhiều phe, có bắc có nam, có quân đội nhân dân Việt Nam, Quân Giải Phóng Miền Nam, có cả thành phần thứ ba, cả nhà báo, sinh viên học sinh, cán bộ tình báo … Vật chứng là những phim ảnh tư liệu không thể nhầm lẫn được.
Bản chất sự việc ở đây là Trung Tướng Phạm Xuân Thệ đã làm một việc cực kỳ nhơ nhớp là dùng quyền lực của mình bẻ cong lịch sử. Lôi cuốn cả bộ máy lãnh đạo quân đội từ Bộ Tư Lệnh Quân Khu, Viện Lịch Sử Quân Đội cùng tham gia tung hứng, che chắn bảo vệ sự dối trá hết sức trân tráo phi lý. Với cá nhân đây là sai phạm đạo đức nhơ nhớp không thể tha thứ. Với tổ chức quân đội đây là sự suy đồi đáng sợ. Đây là hành vi cướp công đồng đội để hãnh tiến cho bản thân. Với thành tích ảo đó, Phạm Xuân Thệ được phong tướng, được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang
Với tội trạng đó, nếu trong một quân đội kỷ luật, tôn trọng danh dự, tôn trọng thể diện quốc gia Phạm Xuân Thệ không xứng đáng là quân nhân. Với một tổ chức chính trị mà quan trọng là với đảng cầm quyền thì việc loại trừ sự dối trá, lừa lọc là hết sức cần thiết.
Ấy vậy mà không biết dựa vào đâu, Thường Vụ Quân Ủy Trung ương do chính Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư lại nhảy xổm vào can thiệp bằng một bản kết luận che chắn cho Phạm Xuân thệ thật trơ tráo. Không trưng dẫn ra được bằng chứng, lý lẽ nào, ngày 14/3/2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương có Kết luận số 974-KL/QUTW tự cho rằng khẳng định tính khách quan và sự thật lịch sử: “Vào thời điểm trưa ngày 30/4/1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn, tại đây, đồng chí Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì đồng chi Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 có mặt. Từ đó đồng chí Bùi Văn Tùng cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài phát thanh. Riêng lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên Đài phát thanh”. (6)
Bản kết luận nói trên như lá chắn bảo vệ sự dối trá của Phạm Xuân Thệ mà còn là lá bùa trấn yểm ám vào sự nghiệp, tiểu sử chính trị của Trung Tá Bùi Văn Tùng.
Ngày 28-6 -2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu, xem xét việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đại tá Bùi Văn Tùng (7) Nhưng đến nay, sau khi Trung Tá Bùi Văn tùng qua đời thì việc phong danh hiệu này cũng không hề được thực hiện.
Ngược lại, khi thông tin báo chí về cái chết của ông, nhiều tờ báo đặc biệt có cả báo Tuổi Trẻ TP.HCM đã trích dẫn nhắc lại kết luận sai trái 174 của Thường Vụ Quân Ủy Trung Ương.(8)
Điều này cho thấy, sự cố ý dối trá không phải chỉ riêng Trung Tướng Phạm Xuân Thệ, Không chỉ Quân Ủy Trung ương mà cả Tổng Trọng đều muốn chôn vùi sự thật lịch sử cùng với thân xác cố đại tá Bùi Văn Tùng.
Nhưng có người đã nói ai bắn vào lịch sử bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn họ bằng đại bác. Tổng Trọng đã từng thảm sát đảng viên lão thành Lê Đình Kình trong vụ Đồng Tâm nay lại thêm việc bao che kẻ xấu trù úm đại công thần ngay khi đã mất thì đủ biết kết quả công việc chỉnh đốn Đảng, đốt lò sẽ cháy đến cái gì!
_______________
Tham khảo:
1-https://thanhnien.vn/dai-ta-bui-van-tung-qua-doi-tang-le-to-chuc-tai-nha…
2-https://tuoitre.vn/ong-tung-da-thao-van-kien-dau-hang-199063.htm
3-https://www.dailymotion.com/video/x7tf8y0
4-https://tuoitre.vn/ong-tung-da-thao-van-kien-dau-hang-199063.htm
5-https://www.youtube.com/watch?v=6CTucp7rHMU
6-https://conganquangbinh.gov.vn/ai-soan-thao-loi-tuyen-bo-dau-hang-cho-duong-van-minh-trua-ngay-30-4-1975/
7-https://tuoitre.vn/chu-tich-nuoc-chi-dao-xem-xet-phong-tang-danh-hieu-anh-hung-llvt-cho-dai-ta-bui-van-tung-20220628220657893.htm
8-https://tuoitre.vn/dai-ta-nguyen-chinh-uy-lu-doan-xe-tang-203-bui-van-tung-qua-doi-20230209103227864.htm
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự To.