Ngày 16 tháng 11 năm ngoái, bảy tổ chức xã hội dân sự đã họp nhau thành lập Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA nhằm mục tiêu tư vấn việc thi hành Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam, tức EVFTA.
Trong số bảy tổ chức này có hai tổ chức Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC) đứng đầu là Nhà báo Mai Phan Lợi, và Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và chính sách Phát triển bền vững (LPSD) do Luật sư Đặng Đình Bách đứng đầu.
Ngày 2 tháng 7 vừa qua, công an Hà Nội công bố tin bắt giam và khởi tố hai ông Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách vì tội “trốn thuế”. Riêng ông Lợi đã bị bắt từ ngày 24 tháng 6.
Chiều ngày 12 tháng 7, Bà Maria Arena, Chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu, tuyên bố trước Quốc hội rằng :
“Tôi muốn truyền đi mối quan ngại của chúng tôi về việc bắt giam hai đại diện xã hội dân sự quan trọng tại Việt Nam, là Nhà báo Mai Phan Lợi, Chủ tịch Văn phòng Khoa học Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng, và Luật sư Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và chính sách Phát triển bền vững.
“Hai đại diện các tổ chức phi chính phủ này đồng thời cũng là những tổ chức tích cực tham gia vào Mạng lưới thành lập tháng 11 vừa qua để nâng cao nhật thức trong người dân về Hiệp ước EVFTA”.
Chúng tôi tìm gặp bà Jude Kirton-Darling, Chủ tịch Ban Tư vấn Liên Âu thiết lập theo quy chế EVFTA, hỏi thêm chi tiết. Mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn ấy sau đây.
Ỷ Lan : Thưa bà Jude Kirton-Darling, bà là Chủ tịch Ban Tư vấn Liên Âu được thiết lập theo quy chế EVFTA, Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu – Việt Nam. Xin bà giải thích cho thính giả Đài Á châu Tự do được biết về vai trò của Ban Tư vấn này.
Jude Kirton-Darling (J K-D) : Vâng. Trong tất cả mọi Hiệp ước Tự do Mậu dịch của Liên Âu đều có một Chương về Mậu dịch và Phát triển bền vững, qua đó quy định việc hình thành Ban Tư vấn của hai bên ký kết hiệp ước, nhằm thiết lập cơ chế thực thi hiệp ước, đặc biệt chú tâm tới các lĩnh vực quyền người lao động, quyền môi sinh và các vấn đề xã hội và kinh tế. Hiệp ước EVFTA quy định thiết lập một Ban Tư vấn (gọi là DAG) bên phía Liên Âu bao gồm các xã hội dân sự với số thành viên đồng đẳng các đại diện giới chủ nhân và doanh thương, đại diện thợ thuyền và Công đoàn, cũng như đại diện các tổ chức Phi Chính phủ. Trên nguyên tắc, phía Việt Nam cũng phải thiết lập một Ban Tư vấn (DAG) như thế. Tức là phải bao gồm đại diện các tổ chức dân sự độc lập. Theo Hiệp ước quy định, các Ban Tư vấn Liên Âu và Việt Nam có những cuộc họp chung để đưa ra các khuyến thỉnh trình Uỷ ban Mậu dịch và Phát triển bền vững giữa chính quyền Việt Nam và Hội đồng Liên Âu.
Ỷ Lan : Nhưng hồi tháng 6 vừa qua, bà đã ra lời tuyên bố hối tiếc cuộc họp chung giữa hai Ban Tư vấn Việt Nam và Liên Âu phải huỷ bỏ, vì nhà cầm quyền Hà Nội chưa thành lập Ban Tư vấn Việt Nam. Vì sao như thế, xin bà giải thích rõ hơn ?
J K-D : Bên phía Liên Âu, chúng tôi đã thành lập xong Ban Tư vấn (DAG) ngay từ hồi đầu năm, và đã họp nhau nhiều lần. Chúng tôi chờ DAG Việt Nam nhưng đợi hoài không thấy. Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự ghi danh vào Ban Tư vấn trong nước, nhưng ít thấy các tổ chức nào tham gia. Hiểu rõ hiện trạng Việt Nam, chúng ta sẽ nhận ra ngay chuyện nhiêu khê cho các tổ chức tự nguyện dám tham gia. Khi chúng tôi kêu gọi lần thứ hai sau đó, một số tổ chức tỏ vẻ quan tâm. Nhưng Việt Nam vẫn chưa chịu thiết lập Ban Tư vấn trong nước. Lúc đó chúng tôi hy vọng có thể họp hai Ban Tư vấn tại Diễn đàn Liên Âu vào thượng tuần tháng 6. Cuối cùng đành huỷ bỏ vì DAG Việt Nam chưa hiện hữu. Hội đồng Liên Âu quyết định sẽ không có cuộc họp giữa hai phía chính quyền, nếu cột trụ xã hội dân sự Việt Nam chưa thành hình. Vì lý do này mà cả hai cuộc họp phải huỷ bỏ. Trong tư thế DAG Liên Âu, chúng tôi lấy quyết định bất thường trong bối cảnh Hiệp ước EVFTA, ra tuyên bố công khai nhắc nhở nhà cầm quyền Việt Nam về sự cam kết họ từng hứa hẹn và kêu gọi họ nhanh chóng khắc phục.
Ỷ Lan : Mới đây, chuyện rắc rối khác lại xẩy ra tại Việt Nam. Hai nhà hoạt động xã hội dân sự, nhà báo Mai Phan Lợi và Luật sư Đặng Đình Bách từng nộp đơn xin làm thành viên DAG Việt Nam, bị bắt. Bà phản ứng ra sao trước sự kiện này, thưa bà ?
J K-D : Chẳng ai trong chúng tôi ngây thơ đâu. Chúng tôi dư biết không gian hoạt động dành cho các xã hội dân sự tại Việt Nam rất giới hạn. Lý do vì sao chúng tôi thường xuyên thúc giục Việt Nam mở rộng không gian nầy. Trong thời gian thương thảo ký kết hiệp ước EVFTA, nhà cầm quyền Việt Nam hứa hẹn rằng sẽ để cho các xã hội dân sự mọi dễ dàng tham gia cơ chế theo dõi mậu dịch và phát triển bền vững EVFTA. Cho nên sự bắt giam hai người hoạt động xã hội dân sự vừa qua khiến chúng tôi cực kỳ quan ngại. Chúng tôi không ngừng khuyến khích các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam ghi tên tham gia Ban Tư vấn trong nước, tức DAG Việt Nam. Chúng tôi dư biết động thái này không kém phần nguy hiểm. Tuy nhiên, trách nhiệm nằm trong tay nhà cầm quyền Việt Nam để thực thi điều chính họ tham gia ký kết, và điều này còn bảo đảm việc mở rộng không gian hoạt động cho xã hội dân sự.
Ỷ Lan : Đây có phải là nhược điểm của EVFTA không thưa bà ? Dù sao chúng ta cũng đã biết Việt Nam là quốc gia Độc Đảng. Bà không thể nào trông cậy chuyện các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò độc lập để điều hành cơ chế kiểm soát hay biểu đạt các quan điểm phê phán mà không sợ bị đàn áp hay bắt giam ?
J K-D : Đây chính là trọng tâm cuộc thảo luận tại Quốc hội Liên Âu trước khi phê chuẩn EVFTA : được hay không các tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam tham gia vào cơ chế kiểm soát việc mậu dịch và hát triển bền vững của EVFTA ? Khi tôi còn là Dân biểu Quốc hội Châu Âu, tôi đã hết sức chống đối việc phê chuẩn. Nhưng cuối cùng, tôi bị ở vào thành phần thiểu số, thế rồi EVFTA được phê chuẩn. Nay thì chúng ta phải cố gắng hết sức mình làm tốt mọi sự, sử dụng tối đa các công cụ hàm chứa trong EVFTA để bảo đảm các cam kết đôi bên, Việt Nam và Liên Âu, được thực thi từ cơ bản. Nhưng chúng tôi biết rằng hoàn cảnh các xã hội dân sự tại Việt Nam cực kỳ rắc rối, và chúng tôi, xã hội dân sự Châu Âu liên đới nhau áp lực Việt Nam và Hội đồng Âu châu nhằm bảo đảm hai bên cùng tôn trọng các cam kết mở rộng không gian hoạt động cho các xã hội dân sự tại Việt Nam.
Ỷ Lan : Theo bà, Liên Âu có tính trừng phạt hay ngưng áp dụng hiệp ước EVFTA nếu Việt Nam không chịu thực thi các nghĩa vụ ký kết ?
J K-D : Tôi không tin chúng ta ở vào giai đoạn này. Liên Âu vốn đã có tiến trình trừng phạt hay ngưng thi hành Các hiệp ước tự do mậu dịch, nhưng hiếm khi áp dụng. Tuy nhiên, đã có tiền lệ – đó là trường hợp Hiệp ước Tự do mậu dịch với Nam Hàn. Tranh cãi kéo dài vì Nam Hàn không chịu thi hành một bộ phận trong hiệp ước. Liên Âu đành phải triệu tập cuộc hội thảo các chuyên gia quốc tế để đúc kết báo cáo như bước đầu cuộc trừng phạt. Nhờ vậy, Nam Hàn đã chịu tuân theo các nghĩa vụ ký kết, và hiện nay hiệp ước giữa Liên Âu và Nam Hàn được bình thường hoá.
Ỷ Lan : Bà có tính yêu cầu Việt Nam trả tự do cho hai người vừa bị khởi tố hôm 2 tháng 7 vừa qua ?
J K-D : Chắc chắn tôi sẽ làm việc đó ! Mục tiêu tối ưu của chúng tôi là áp lực cho việc mở rộng không gian sinh hoạt cho các xã hội dân sự. Chắc chắn sẽ là một đáp ứng chờ mong nếu nhà cầm quyền Việt Nam chịu lấy những bước cụ thể giải quyết vấn nạn tù nhân chính trị và mở rộng không gian cho xã hội dân sự.
Ỷ Lan : Xin cám ơn bà Jude Kirton-Darling, Chủ tịch Ban Tư vấn Liên Âu, cho cuộc phỏng vấn này.