Đảng Cộng sản Việt Nam gia tăng bắt bớ và hệ quả!

Tờ Washington Post hôm 14 tháng 8 có bài viết “As Vietnam tightens leash on criticism, scores are jailed and exiled”, tạm dịch là “Khi Việt Nam thắt chặt kiểm soát tiếng nói chỉ trích, nhiều người bị bỏ tù và phải sống lưu vong” của tác giả Rebecca Tan.

Theo bài viết, chính phủ Việt Nam đã tiến hành cuộc đàn áp dữ dội nhất so với mấy chục năm qua đối với những người chỉ trích chính quyền; bỏ tù hàng loạt nhà hoạt động, luật sư và nhà báo khiến nhiều người phải sống lưu vong. Dư luận lo ngại cuộc đàn áp sẽ tăng mạnh hơn nữa khi ông Tô Lâm, người đứng đầu cơ quan an ninh, người chủ trì phần lớn cuộc đàn áp, lên làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bài báo trích lời ông Ben Swanton, giám đốc Dự án 88, rằng các tổ chức phát triển trong ba thập kỷ qua để hỗ trợ tự do ngôn luận và yêu cầu chính phủ phải chịu trách nhiệm đã “bị tiêu diệt hoàn toàn”. Các nhà xuất bản độc lập, hiệp hội nhà báo, tổ chức tư vấn và tổ chức phi lợi nhuận phải ngừng hoạt động vì sợ bị bắt. Ông Swanton nói: “Không còn ai bên trong có thể đưa ra bất kỳ sự phản kháng có tổ chức nào”. 

Một yếu tố nữa là nhà cầm quyền lo sợ sự trả thù của dân chúng khiến họ không chỉ bằng mọi giá giữ chế độ. Vì không chỉ đơn giản là quyền lực, tài sản mà là cả mạng sống của họ nữa, vì suốt bao năm cầm quyền, tội ác mà họ gây cho dân chúng quá khủng khiếp. – Bà Phạm Thanh Nghiên

Theo nhận định của bà Phạm Thanh Nghiên, cựu tù nhân chính trị, hiện đang tị nạn tại Hoa Kỳ, với RFA, việc gia tăng bắt bớ những người lên tiếng đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền nhằm duy trì quyền lực độc tôn của Đảng Cộng sản, bởi các phong trào đối lập, các tổ chức xã hội dân sự, và tiếng nói của các nhà hoạt động có thể đe dọa đến sự kiểm soát toàn diện của Đảng Cộng sản. Bà Nghiên trình bày hệ quả của tình trạng đó:

“Việc bắt bớ, kết án nặng nề hoặc buộc những người hoạt động phải lưu vong không chỉ nhằm trừng phạt cá nhân, mà còn là cách răn đe, làm gương cho những ai có ý định thách thức chính quyền. Sự đàn áp nặng nề khiến nhiều nhà hoạt động hoặc phải im lặng, hoặc chọn lựa ra đi để tiếp tục hoạt động hoặc đơn giản là để giữ an toàn cho mình và người thân. Có những trường hợp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ra đi, ví dụ trường hợp của gia đình tôi.

Bà Phạm Thanh Nghiên phân tích thêm:

Một yếu tố nữa là nhà cầm quyền lo sợ sự trả thù của dân chúng khiến họ không chỉ bằng mọi giá giữ chế độ. Vì không chỉ đơn giản là quyền lực, tài sản mà là cả mạng sống của họ nữa, vì suốt bao năm cầm quyền, tội ác mà họ gây cho dân chúng quá khủng khiếp. Nhìn gương của một số chế độ độc tài trên thế giới sau khi bị lật đổ là có thể thấy được tâm lý sợ hãi của họ. Và Hà Nội cho rằng đối phó với áp lực bên ngoài dễ dàng hơn là áp lực từ trong nước. Đẩy những nhà bất đồng chính kiến đi lưu vong là một trong những lý do đó”.

Cũng theo bà Nghiên, mặc dù nhà cầm quyền Việt Nam có nhu cầu hợp tác quốc tế, họ vẫn duy trì chính sách đàn áp để tránh bị ảnh hưởng bởi các giá trị dân chủ phương Tây nhằm chứng tỏ sự cứng rắn với các đối tác quốc tế, rằng họ sẽ không thay đổi hệ thống chính trị hay nhượng bộ trước áp lực ngoại giao.

Cũng cùng quan điểm, nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung từng bị án tù với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, hiện đang tị nạn tại Đức sau khi tạm lánh ở Thái Lan vào cuối năm ngoái, nêu nhận định của ông với RFA: 

“Trước hết tôi phải khẳng định, những người thoát được như gia đình tôi là một điều may mắn, vì nếu không thoát được là đã bị bắt. Việc bắt bớ này đã xảy ra từ thời ông Trọng chứ không phải Tô Lâm lên mới bắt. Lý do thứ nhất, theo tôi là uy tín của ĐCSVN trong lòng người dân đã quá thấp mà bản thân ông Trọng đã biết và từng nói những câu như “chán đảng, khô đoàn, nhạt chính trị”, tức là ông Trọng biết người dân đã chán ĐCS lắm rồi. Còn với đảng viên của ông ấy thì ông ấy hô hào chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, tức ông ấy biết nhiều đảng viên ĐCSVN cũng chán đảng của họ lắm rồi.

Vì thế ông Trọng và ông Lâm phải đàn áp, bắt bớ những người đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam bởi họ không muốn những người đấu tranh này có thể lãnh đạo người dân đứng lên, nổi dậy khi có vấn đề gì xảy ra. Họ phải triệt tiêu”.

Cũng theo ông Tiến Trung, do ông Tô Lâm xuất thân từ ngành công an; học trường an ninh; suốt cuộc đời chỉ quen với việc đàn áp nên ông Trung nhận định tình hình nhân quyền trong thời gian tới rất u ám.

Ông Trung nói thêm: “Có chi tiết nhỏ tôi muốn kể, là tôi mới gặp một người trong chính quyền Mỹ, người này từng gặp ông Tô Lâm khoảng 20 năm trước. Khi nhân vật này nói với Tô Lâm rằng, nếu ĐCSVN cởi mở hơn và tôn trọng pháp quyền hơn thì sẽ có nhiều Việt kiều Mỹ về Việt Nam đầu tư làm ăn và giúp được cho Việt Nam, thì ông Tô Lâm trả lời rằng: ‘Chúng tôi không cần tiền của Việt kiều”. Đây là chỉ dấu cho thấy Tô Lâm rất kiêu ngạo và không chấp nhận tiếng nói bất đồng!”

Bài viết dẫn thống kê của Dự án 88 cho thấy, tính đến tháng 8 năm 2024, Việt Nam đã giam giữ gần 200 tù nhân chính trị, số người bị giam giữ trong nửa đầu năm 2024 bằng với cả năm 2023. Tác giả Rebecca Tan cho rằng, sự đàn áp gia tăng này diễn ra khi Hoa Kỳ nâng quan hệ với Việt Nam lên mức cao nhất kể từ khi hai nước kết thúc chiến tranh, và chính quyền của Tổng thống Biden cung cấp hàng trăm triệu đô la hỗ trợ an ninh cho Việt Nam.

Vì thế ông Trọng và ông Lâm phải đàn áp, bắt bớ những người đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam bởi họ không muốn những người đấu tranh này có thể lãnh đạo người dân đứng lên, nổi dậy khi có vấn đề gì xảy ra. Họ phải triệt tiêu – Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung

Một nhà đấu tranh ở Hà Nội, yêu cầu ẩn danh, nói với RFA quan điểm của ông:

Thế giới từ sau sự sụp đổ của Liên Xô, lằn ranh song cực được tạm gọi là thiện-ác, đã trở thành thế giới đa cực hỗn loạn trong việc chấp nhận sự khác biệt của nhau để cùng trục lợi. Đối với chế độ Cộng sản Việt Nam cũng vậy, từ tư thế phải nhũn nhặn và lùi bước trước nền văn minh phương tây để có thể được gia nhập vào WTO, được đưa ra khỏi danh sách CPC, thì bây giờ Hà Nội giống như một con buôn đã giỏi cách đút lót cho các quốc gia đến Việt Nam làm ăn và thu lợi, và cả hai cùng phớt lờ chuyện chủ nghĩa cộng sản đàn áp con người.

Hà Nội hoàn toàn an tâm rằng một khi món lợi còn được chia, thì cái ác trong sự cầm quyền của Cộng sản Việt Nam, vẫn được nhẹ nhàng cho qua. Cụ thể, nước Đức là một quốc gia vô cùng nguyên tắc đã trở thành một con gấu bông bèo nhèo trước sự kiện Tô Lâm dẫn mật vụ qua bắt cóc người ngay tại Berlin, mà giờ đây sớm muộn gì, mọi thứ cũng được xí xóa hay giảm nhẹ hình thức để hai bên tiếp tục nối kết làm ăn.

Điều mỉa mai rằng, trước đây Cộng sản Việt Nam dùng những người tranh đấu cho dân chủ và tự do làm con tin, đổi chác với thế giới phương Tây, còn ngày hôm nay cả hai thế giới đều bắt tay và cùng đu đưa trên những số phận con tin đó”.

000_A466A.jpg

Vào đầu năm nay, Việt Nam đã yêu cầu Bộ Thương mại công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, chứ không phải nền kinh tế phi thị trường. Sự công nhận đó sẽ dẫn đến giảm thuế đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ. Việt Nam cho rằng đã thực hiện cải cách để đáp ứng các tiêu chí của Hoa Kỳ về nền kinh tế định hướng thị trường, bao gồm cả việc mở cửa đất nước cho đầu tư nước ngoài và giảm bớt sự kiểm soát của chính phủ đối với các nguồn tài nguyên.

Tuy vậy, hai nhóm nghị sĩ Mỹ với hơn 30 người kêu gọi chính quyền Biden không công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Theo các nghị sĩ này, Việt Nam vẫn hoạt động như một nền kinh tế kế hoạch được định hình phần lớn bởi Đảng Cộng sản và nó không đáp ứng các tiêu chuẩn lao động của nền kinh tế thị trường do sự đàn áp của các công đoàn.

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, đại diện bang Massachusetts, người đứng đầu một lá thư có chữ ký của 8 thượng nghị sĩ, nêu quan điểm trong một thông cáo hôm 29 tháng 1 năm 2024: “Việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam mà các tiêu chuẩn lao động chưa được cải thiện, bao gồm cả việc bật đèn xanh cho hàng hóa có sử dụng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng”.

Điều mỉa mai rằng, trước đây Cộng sản Việt Nam dùng những người tranh đấu cho dân chủ và tự do làm con tin, đổi chác với thế giới phương Tây, còn ngày hôm nay cả hai thế giới đều bắt tay và cùng đu đưa trên những số phận con tin đó. – Một nhà đấu tranh ở Hà Nội

Theo nhận định của Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, trong suốt 10 năm vừa qua, chính quyền cộng sản Việt Nam đã thực hiện một chính sách đàn áp triệt để nhân quyền. Hậu quả của nó sẽ có tác dụng rất lâu dài đến với sự phát triển của Việt Nam. Ông phân tích:

Thứ nhất, trước sự đàn áp những tiếng nói trái chiều như vậy, sự phản biện của xã hội trước những chính sách của nhà nước không còn nữa. Chính quyền không biết chính sách nào là tốt và đâu là hướng đi sắp tới của đất nước. Những chính sách đưa ra đã luôn vấp phải những sai lầm, từ việc thay căn cước công dân cho đến chính sách nhà đất.

Thứ hai, khi không có phản biện để tìm ra hướng đi mới, những cải cách gần như đã ngừng lại. Hầu như không có một cải cách gì đáng kể trong suốt hơn 10 năm gần đây, cùng thời điểm ông Nguyễn Phú Trọng cầm quyền.

Thứ ba, khi không có những tiếng nói phản biện để bảo vệ những quyền lợi của con người, điều đó đồng nghĩa với việc quyền tư hữu tài sản luôn đối diện với một sự xâm phạm nghiêm trọng. Thực tế là tài sản của người dân đã không được bảo vệ một cách đầy đủ trong chế độ cộng sản ở Việt Nam. Người gửi tiền ngân hàng có nguy cơ mất tiền mà không ai bảo vệ. Người nắm giữ đất đai có nguy cơ mất đất mà không ai bảo vệ. Người có hiểu biết không ai muốn bỏ hết vốn liếng và sức lực ra đầu tư, dẫn đến nền kinh tế không thể phát huy hết tiềm năng”.

Một điều nữa, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, khi không thấy một sự cải cách trong một tương lai trước mắt, điều đó đồng nghĩa với việc không thấy một tương lai tươi sáng, nhiều người đã chọn bỏ nước ra đi. Hậu quả là Việt Nam mất nhân tài, tiền bạc, và cả cơ hội tăng trưởng.

Related posts