Đảng – Nhà nước không thể “mạnh” nếu thiếu mô hình kinh tế tương thích

Mô hình kinh tế hiện thời được hình thành dựa trên tư tưởng thực dụng giữ nguyên chế độ đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo toàn bộ xã hội đồng thời với áp dụng kinh tế thị trường. Nó bắt đầu từ Đổi mới năm 1986, và mặc dù nó bị coi là “phi lô-gíc về lý luận”, có điểm yếu và bất ổn, nhưng đã thành công nhờ có tăng trưởng và giảm được đói nghèo. Tuy nhiên, gần đây sự tồn vong của chế độ đang bị đe doạ. Thực tế càng ngày càng cho thấy rằng nguyên nhân tự đánh giá là do suy thoái tư tưởng, đạo đức cán bộ công chức là chưa đầy đủ, chủ quan, và bởi vậy yêu cầu cải cách thể chế chính trị đã được đặt ra.

Củng cố  Đảng – Nhà nước “trong sạch vững mạnh” là chính sách trọng tâm tại Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS). Nghĩa là, mọi điều hiện giờ được thực hiện là để Đảng Cộng sản Việt Nam củng cố ảnh hưởng và tầm kiểm soát không chỉ đối với Nhà nước mà toàn bộ xã hội, không chỉ chính trị, xã hội mà cả kinh tế. Tuy nhiên, Đảng – Nhà nước không thể “mạnh” nếu thiếu mô hình kinh tế tương thích, và câu hỏi đặt ra là việc thay đổi mô hình kinh tế hiện tại thế nào?

“Mô hình kinh tế hiện thời”

Mô hình kinh tế hiện thời mang đặc điểm và dựa trên những trụ cột chủ yếu chứa đựng sự thiếu bền vững, thậm chí một số yếu tố mong manh trước bối cảnh khó lường. Trước hết, tăng trưởng kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu. Đây là thực tế đặt ra từ khi Đổi mới, là thành tích đồng thời cũng là điều kiện để chế độ tồn tại. Mục tiêu tăng trưởng nhanh là do chính quyền đặt ra, mang tính pháp lệnh tạo ra sức ép tập trung nguồn lực, nỗ lực hoàn thành của “cả hệ thống chính trị” bất chấp những thay đổi khó lường. Chẳng hạn, năm 2022 này tỷ lệ tăng tổng sản phẩm quốc nội GDP là 6,5%. Các nhà chuyên môn nói về các kịch bản cao thấp hay trung bình mang tính tham khảo, nhưng việc điều chỉnh là hãn hữu và 8% “dự kiến” vẫn sẽ có thể đạt được mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm và các nguy cơ, rủi ro đe doạ bao trùm các trụ cột tăng trưởng như các lĩnh vực đầu tư, tài chính, bất động sản. Ngoài ra, việc theo đuổi tăng trưởng nhanh khiến nguồn lực khó dành cho chất lượng và năng suất, thậm chí không tránh nhiều trường hợp đánh đổi môi trường hay dân chủ.

Hai lĩnh vực đầu tư và bất động sản là các trụ cột thiết yếu nhưng ngày càng bộc lộ bất cập, thách thức.  Chiến lược mở cửa và thu hút đầu tư nước ngoài, với sự hỗ trợ của nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ, đã cho phép duy trì tỉ lệ tăng trưởng tương đối cao. Mặc dù, ký kết tham gia nhiều hiệp định tự do thương mại, nhưng khả năng hấp thụ vốn, công nghệ hạn chế, một phần do thiếu đột phá, chẳng hạn như các đặc khu hành chính kinh tế, và chủ yếu dựa vào gia công và xuất khẩu nông, hải sản nên hiệu quả không cao.

Sau khi khống chế thành công đại dịch COVID-19 các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chuyến công du nước ngoài với tần suất cao vì mục tiêu kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư, nhưng liệu có khắc phục được những nhược điểm cố hữu của chính sách là các khoản đầu tư ngày càng ít sinh lời. Ngoài ra, đầu tư công trong nước vốn được coi là cứu cánh cho tăng trưởng cũng đang bị nghẽn do thể chế, khiến khó khăn ngày càng lớn.

Hơn thế, trụ cột bất động sản luôn giữ vai trò động lực trung tâm do quá trình đô thị hoá và nhu cầu xã hội về nhà ở, du lịch, nghỉ dưỡng tăng nhanh. Lĩnh vực này chiếm khoảng 10,49 % GDP năm 2019 nhưng nếu tính cả các lĩnh vực có liên quan, như vật liệu xây dựng: xi măng, sắt thép, trang trí, đồ nội thất, tỉ lệ này còn cao hơn nhiều. Trên thực tế, lĩnh vực bất động sản liên quan chặt chẽ với thị trường tài chính, ngân hàng, và sự lệ thuộc mạnh mẽ lẫn nhau ngày càng trở nên nhạy cảm, chỉ cần xảy ra khó khăn ở một mắt xích khiến tất cả đều suy yếu. Và đó chính là điều đang xảy ra hiện nay trong nền kinh tế, có khởi nguồn từ trái phiếu doanh nghiệp bị phát hành lạm dụng “dưới chuẩn”. Để “giải cứu”, biện pháp cấp bách được đưa ra là “nới room” tín dụng thêm 1,5 – 2% (khoảng 240 nghìn tỷ) cho năm 2022, và việc kiểm soát dòng tiền đi đúng địa chỉ và kịp thời trở nên thách thức khi thời gian chỉ còn chưa đầy một tháng!

2021-01-07T000000Z_1613085840_RC2U2L9X9NBA_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-VIETNAM-ECONOMY.JPG
Công nhân tại một nhà máy may xuất khẩu ở Hưng Yên, ngày 30/12/2020 (minh hoạ). Reuters

“Chưa sẵn sàng”

Về cơ cấu quyền lực, so với phái kỹ trị, phái đảng – đoàn, lực lượng vũ trang đang chiếm ưu thế, nhưng để tạo ra sự thay đổi trong cải cách, trong đó quan trọng là một mô hình điều hành nền kinh tế dường như “chưa sẵn sàng”.

Quan sát những động thái điều hành trước các sự kiện kinh tế – xã hội diễn ra từ đầu năm 2021, năm đầu của nhiệm kỳ 13 đến nay cho thấy hình ảnh ông Thủ tướng Chính phủ như vị tư lệnh chiến trường với “các tổ công tác đặc biệt” xông pha, đối diện với các điểm nóng, chẳng hạn như phong toả COVID-19 trong đợt dịch thứ tư tại Thành phố Hồ Chí Minh, thúc đẩy đầu tư công tại các dự án trọng điểm đường cao tốc Bắc – Nam, giải toả khan hiếm xăng dầu cục bộ hay kiểm soát nguy cơ rối loạn thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tài chính… Tất cả dường như phản ánh sự ứng phó nhanh với tình hình nhưng là bị động thay vì một phương thức điều hành mới.

Sau “cú sốc” bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế việc tìm kiếm mô hình kinh tế thích hợp với sự lãnh đạo toàn diện của ĐCS trở nên cấp bách. Trong nhiệm kỳ 12, giai đoạn 2016-2021 mô hình “Chính phủ kiến tạo” được vận hành, trong đó ưu tiên tạo lập môi trường kinh doanh, “vướng đâu sửa đó” với việc sử dụng guồng máy hành chính trong hệ thống chính trị hiện hành và hạn chế gây hiệu ứng bất ngờ. Tuy nhiên, mô hình này đã không còn thích hợp khi chiến dịch chống tham nhũng được tăng cường, mở rộng với hàng nghìn vụ án nghiêm trọng, các cán bộ lãnh đạo các cấp bị kỷ luật… Tuy nhiên, một mô hình thay thế dường như chưa sẵn sàng. Ông Thủ tướng CP nhiệm kỳ 13 nhiều lần nhấn mạnh về “nền kinh tế độc lập tự chủ” và “chủ động hội nhập quốc tế” nhưng chưa được “hưởng ứng” bởi giới chuyên gia cũng như đội ngũ cán bộ thực thi trong guồng máy hành chính như một mô hình điều hành.

“Bất chấp sự tiến triển”

Một mô hình kinh tế phải đáp ứng nhu cầu phát triển chứ không chỉ là yêu cầu chủ quan. Đảng – Nhà nước mạnh về quyền lực dễ làm nảy sinh khả năng bất chấp sự tiến triển của các quy luật kinh tế trong khi mô hình kinh tế có độ mở cao đang được thúc đẩy, như nêu ở trên, để hội nhập sâu với thế giới, khuyến khích đầu tư và thương mại đang đặt ra những nhiệm vụ và nhu cầu tuân thủ cho cải cách thể chế trong bối cảnh mới.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008) các phương tiện truyền thông nhà nước tôn vinh ông như một nhà lãnh đạo “có tâm, có tầm”, có bản lĩnh thể hiện vai trò tiên phong, cải cách “đột phá” trong thời kỳ đầu Đổi mới. Các cơ hội cho chính sách hay hành động “đột phá” đang được “thăm dò” trước bản chất chế độ khó có thể chấp nhận cho những bất ngờ. Liệu có thể hy vọng sự đột phá cho sự thay đổi mô hình kinh tế hiện hành?

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Related posts