Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn số 05 thực hiện một số điều trong Quy định số 69 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Theo đó, đảng viên quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương; cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân cũng sẽ bị kỷ luật.
Tháng 10 năm ngoái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng ký ban hành Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, trong đó có nhấn mạnh “Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”.
Ngay từ gốc thì tổ chức Đảng – tổ chức được coi là cao nhất cai trị cả một đất nước – lại không có luật về Đảng thì tất cả những quy định liên quan cũng chẳng có tiêu chuẩn nào để đánh giá. Muốn nó tròn thì nó tròn, muốn nó méo thì nó méo. – Một cựu đảng viên
Nhiều người cho rằng, những điều nêu trên thật khó mà kỷ luật vì không thể cân, đo, đong, đếm. Một cựu đảng viên ở Hà Nội không muốn nêu tên nói với RFA sáng 7 tháng 12:
“Tiêu chuẩn thế nào là vô cảm, thờ ơ? Nghe như thế có thể thấy đây là một quy định rất cảm tính, không lượng hóa được. Nó chung chung như thế thì nói thế nào cũng được.
Ngay từ gốc thì tổ chức Đảng – tổ chức được coi là cao nhất cai trị cả một đất nước – lại không có luật về Đảng thì tất cả những quy định liên quan cũng chẳng có tiêu chuẩn nào để đánh giá. Muốn nó tròn thì nó tròn, muốn nó méo thì nó méo.
Còn muốn đảng viên không quan liêu, xa rời quần chúng thì cho người dân một kênh để phát biểu những ý kiến, những góp ý với chính phủ đi. Có thể qua truyền thông hoặc qua báo chí độc lập không bị kiểm soát bởi Ban tuyên giáo. Như thế thì ngay cả những người dân lao động bình thường cũng có thể phản ánh nguyện vọng của người ta tới Ban bí thư, tới Đảng và tới Chính phủ.
Theo tôi, người ra quy định này một là dốt, hai là cố tình ra quy định cảm tính như thế để làm vũ khí triệt hạ lẫn nhau”.
Cũng cùng ý kiến với vị cựu đảng viên trên, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn nêu quan điểm của ông về vấn đề này:
“Muốn Đảng gắn bó máu thịt với Nhân dân, dựa vào Nhân dân thì chỉ có một cách là phải lắng nghe những ý kiến, những khát vọng của Nhân dân và đổi mới về mặt thể chế chính trị.”
Quan liêu, xa rời quần chúng của một bộ phận cán bộ, đảng viên được Hội nghị Trung ương 4, khóa XII của Đảng chỉ ra là căn bệnh tồn tại khá phổ biến và gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm giảm sút lòng tin trong Nhân dân. Theo ông Trọng, phải phát huy thật tốt dân chủ trong đảng và trong xã hội; phải tăng cường mối quan hệ máu thịt với Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; phải dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng và rèn luyện đảng viên.
Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân được ĐCSVN nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các văn kiện Đại hội đảng, trong các bài viết trên báo Đảng, thậm chí trong các buổi họp chi bộ. Nhưng dường như giữa Đảng với dân không thể có sự mật thiết.
Với quy định đảng viên vô cảm trước những đòi hỏi chính đáng của Nhân dân sẽ bị kỷ luật, sư cô Diệu Hạnh nói với RFA:
“Mình thấy yêu cầu của mình là chính đáng mà mấy ổng không thấy thì sao? Tôi không tin mấy ổng sẽ thay đổi đâu. Quá trễ rồi. Bản chất của mấy ổng là như vậy rồi. Theo tôi, không có ông đảng viên nào có lòng vối dân hết. mấy ông có lòng với dân thì bỏ đảng hết rồi. Mà mấy ổng bị kỷ luật hay được khen thưởng có ảnh hưởng gì đến mình đâu!”
Ông Hồ Chí Minh từng dặn dò rằng “quan liêu, xa rời Nhân dân tất yếu dẫn đến căn bệnh vô cảm; có thái độ thờ ơ, tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi quyền lợi chính đáng của Nhân dân, thấy việc có lợi cho dân không dám làm, việc có hại cho dân vẫn làm ngơ, không giải quyết hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Nguy hại nhất của tệ quan liêu, bệnh vô cảm đã dung túng cho nạn tham ô, lãng phí; là nguồn gốc của nạn tham ô, lãng phí.”
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã khẳng định, một bộ phận không nhỏ đảng viên đã suy thoái, biến chất. Trong nhiệm kỳ từ năm 2016 đến 2020, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải xử lý kỷ luật hơn 25.000 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền và là đảng duy nhất được phép hoạt động tại Việt Nam theo Hiến pháp. Theo Cương lĩnh và Điều lệ chính thức hiện nay, Đảng là đại diện của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.
Theo nhận định của một số người dân quan tâm, bệnh quan liêu của cán bộ, đảng viên tồn tại trên nhiều lĩnh vực, từ nhiều năm qua, từng được báo chí Nhà nước lên tiếng. Tuy vậy, hầu hết những cán bộ này vẫn ‘bình chân như vại’, không hề bị cảnh cáo hay kỷ luật gì.
Tôi từng hỏi một số đảng viên, tại sao thấy những chuyện tiêu cực trong xã hội mà khi họp chi bộ không lên tiếng thì họ trả lời rằng, lên tiếng thì bị để ý, bị cho là tự diễn biến. – Nhà báo Trần Ngọc Tuấn
Nếu cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do quan liêu, vô cảm với dân thì liệu người dân và Đảng cộng sản có tạo được mối quan hệ khăng khít hơn hay không? Nhà báo Trần Ngọc Tuấn từ Cộng hòa Séc nêu nhận định của ông với RFA sáng 7 tháng 12:
“Theo tôi, đây là là hình thức mị dân thôi. Những câu như ‘đảng viên đi trước, làng nước theo sau’ tôi đã nghe cách đây cả nửa thế kỷ rồi. Nội dung nó hoàn toàn giống nhau, chỉ khác nhau hình thức thôi. Theo nhận định của tôi, những đảng viên cộng sản thời ấy tử tế hơn những đảng viên cộng sản bây giờ. Đảng viên bây giờ họ vì thân chứ có vì dân đâu cho nên quy định thì nó cũng chỉ là khẩu hiệu thôi. Yếu tố quyết định là con người. Thấy những sai trái trong xã hội thì phải lên tiếng.
Tôi từng hỏi một số đảng viên, tại sao thấy những chuyện tiêu cực trong xã hội mà khi họp chi bộ không lên tiếng thì họ trả lời rằng, lên tiếng thì bị để ý, bị cho là tự diễn biến.”
Nhà báo này nhắc lại sự kiện Đồng Tâm. Khi ông Lê Đình Kình, một đảng viên lão thành bị chính các đồng chí của mình bắn chết tại nhà riêng, rất ít tiếng nói đảng viên lên tiếng cho sự kiện này.