Đảo Cồn Chim: một mô hình phát triển cho ĐBSCL?

Trang thông tin Mongabay, một tổ chức khoa học môi trường phi lợi nhuận vào ngày 11 tháng 1 năm 2024 có đăng bài của tác giả Sonal Gupta cho rằng đảo Cồn Chim, thuộc xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh là kim chỉ nam hiếm hoi cho một tương lai nông nghiệp bền vững hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo tác giả, trong khi phần lớn vùng ĐBSCL được định hình lại để hỗ trợ thâm canh, hòn đảo ven biển Cồn Chim được cho là quá nhỏ để lắp đặt đê và cống ngăn mặn cần thiết, khiến nông dân ở đó tiếp tục các mô hình nông nghiệp, đánh bắt cá mùa khô và mùa mưa truyền thống.

Khi bị chi phối bởi những lo ngại về biến đổi khí hậu, Việt Nam có kế hoạch giảm quy mô trồng lúa và chuyển sang các hoạt động nông nghiệp dựa vào thiên nhiên hơn. Từng là vùng nước đọng bị lãng quên, Cồn Chim giờ đây là hình mẫu tương lai nông nghiệp bền vững hơn.

Theo tác giả Sonal Gupta, đây không phải là lần đầu tiên đảo Cồn Chim dẫn đầu về mô hình này. Gần 10 năm trước, vào năm 2014, tổ chức phi chính phủ Oxfam có trụ sở tại Anh đã đến và làm việc với người dân địa phương để thí điểm một dự án nhằm giảm nạn đánh bắt quá mức. Khi đó, hòn đảo nhỏ này chủ yếu được duy trì nhờ nguồn lợi từ dòng sông, vì đánh cá là nguồn thu nhập chính của cộng đồng. Việc tiếp cận dễ dàng cuối cùng đã dẫn đến việc đánh bắt quá mức và làm suy giảm trữ lượng cá địa phương.

Oxfam đã thành lập một nhóm quản lý hệ sinh thái để giải quyết vấn đề đánh bắt quá mức bằng cách hướng dẫn ngư dân cách đánh bắt bền vững hơn và khuyến khích người dân địa phương chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Cồn Chim nằm trên sông Cổ Chiên, từ Trà Vinh đi xuống về phía hạ luôn khoảng 10 cây số, điều may mắn cho nó là kích thước quá nhỏ không làm đê bao được.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, một nhà sinh thái học, một chuyên gia về ĐBSCL, người giới thiệu đảo Cồn Chim đến Tổ chức phi chính phủ Oxfam có trụ sở tại Anh, hôm 19/1/2024 cho RFA biết thêm về hòn đảo này:

“Cồn Chim nằm trên sông Cổ Chiên, từ Trà Vinh đi xuống về phía hạ luôn khoảng 10 cây số, điều may mắn cho nó là kích thước quá nhỏ không làm đê bao được. Ở đó lại có một người là ông Út Quời, là trường Ấp, cùng bà vợ là bà Vân… hai người ngay từ đầu đã thấy được tầm quan trọng của việc tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, đặc biệt là thuỷ sản. Tại vì chỗ đó có mùa nước ngọt, còn mùa khô thì nước lợ đưa lên hơn nửa cù lao. Hai ông bà đó đã tư vấn người dân đánh bắt vừa phải, rồi canh tác hữu cơ… Rồi may mắn là lúc đó có một dự án của tổ chức Oxfam đang tìm một nơi để đồng quản lý. Lúc đó họ nhờ tôi đi một số nơi thì tôi thấy chỗ đó hay quá.”

Và điều quan trọng theo ông Nguyễn Hữu Thiện là ở Cồn Chim có yếu tố con người, nó có tài nguyên, có bối cảnh và không có đê bao khép kín. Ông Thiện nói tiếp:

“Điều kiện thuận lợi nên mới họp cộng đồng, rồi làm quy định cộng đồng, mình đặt câu hỏi người dân tự đưa ra quy luật, rồi xúm nhau ký. Rồi quan trọng là cộng đồng họ tự nguyện thực hiện và có sự hướng dẫn của hai ông bà Út Quời. Dần dần họ phát hiện thêm du lịch cộng đồng dựa trên tài nguyên đó. Đại khái cuộc sống ở đó còn khá là thuận thiên, theo tự nhiên, theo mùa… Mùa nào có nước thì trồng lúa, mùa kia thì nuôi tôm, họ mở cho nguồn thuỷ sản tự nhiên vào. Vì vậy cho nên mùa lũ họ cũng không dám sử dụng phân bón thuốc trừ sâu, mà phải giữ cho sạch. Phong cảnh như vậy và con người sống tự nhiên như vậy, nó còn giữ được nét văn hóa, cho nên người du lịch đến trải nghiệm thích thú, giúp tăng thêm được nguồn thu nhập.”

dao-con-chim-tra-vinh-2-700.jpg
Người dân Cồn Chim làm du lịch. Courtesy hoilhpn.org.vn

Trả lời Mongabay, bà Nguyễn Thị Bích Vân, hiện là người đứng đầu hợp tác xã du lịch sinh thái trên đảo cho biết: “Cồn Chim mang đến cho du khách cơ hội trải nghiệm một Việt Nam đơn giản hơn: nơi những cánh đồng lúa ngập nước trong mưa, nơi những mẻ cá tươi được kéo lên khỏi mặt nước bằng lưới đan tay và nơi rau củ được chăm sóc bằng tay. Du khách có thể ăn những món ăn tươi ngon và sống cùng những gia đình nông dân như những vị khách trọ.”

Cũng theo bài viết trên Mongabay, trong khi các phương pháp canh tác công nghiệp hóa được áp dụng trên khắp vùng ĐBSCL, Cồn Chim được cho là quá nhỏ để có thể đầu tư cho cơ sở hạ tầng đê điều và thủy lợi, do đó vẫn được giữ nguyên. Cuộc sống trên hòn đảo này vẫn tiếp tục khi nông dân trồng trọt và chống chọi với tác động của biến đổi khí hậu.

Một người dân ở đảo Cồn Chim, thuộc xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh hôm 19/1 cho biết:

“Coi như ở đây nhiều năm rồi bà con mình nuôi hai vụ tôm, một vụ lúa… Coi như cái vụ không có lúa thì thả tôm sú, tôm thẻ, với cua biển… Rồi khi mình xạ lúa thì mình thả tôm càng xanh xen vô trong lúa…”

Sau chiến tranh, Việt Nam đã thực hiện chính sách “Lúa gạo trên hết” nhằm tăng sản lượng lúa gạo thông qua các phương pháp thâm canh và quản lý nước. Một hệ thống đê và kênh rạch phức tạp đã được xây dựng khắp vùng đồng bằng, cho phép nông dân trồng lúa quanh năm. Đến năm 1989, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – một bước đột phá lớn đối với một quốc gia thậm chí còn không thể tự nuôi sống mình sau chiến tranh.

Theo tác giả Sonal Gupta, lợi ích kinh tế là rõ ràng, nhưng chi phí môi trường phải mất nhiều năm mới tính toán được. Các phương pháp trồng trọt công nghiệp đòi hỏi lượng nước khổng lồ, giám sát liên tục và sử dụng nhiều phân bón. Việc xây dựng đê điều và cơ sở hạ tầng thủy lợi trên khắp ĐBSCL đã phá vỡ hệ thống sinh thái phức tạp của đồng bằng sông và việc trồng lúa công nghiệp dẫn đến suy giảm chất lượng đất.

Cồn Chim là một ví dụ tốt, điều đó chứng tỏ cho thấy nước ngọt, nước mặn, nước lợ đều là tài nguyên.
-Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện

Còn theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, Cồn Chim với nguyên tắc thuận thiên, thuận theo tự nhiên, dùng nước mặn để nuôi trồng thủy sản và nước ngọt để trồng lúa – đã mang lại những bài học quan trọng về thích ứng. Tuy nhiên cũng theo ông Thiện, dù đảo Cồn Chim đã miễn dịch với thâm canh lúa, nhưng nó còn phải đối mặt với tất cả các vấn đề của vùng đồng bằng, đặc biệt là tình trạng xói mòn và mất đất… Nhưng ông Thiện vẫn cho rằng Cồn Chim là một hình mẫu để phát triển ĐBSCL:

“Cồn Chim là một ví dụ tốt, điều đó chứng tỏ cho thấy nước ngọt, nước mặn, nước lợ đều là tài nguyên. Theo tinh thần của nghị quyết 120, nguyên tắc số một là thuận thiên, tôn trọng quy luật tự nhiên. Thứ hai là xem nước ngọt, nước mặn, nước lợ đều là tài nguyên… Chứ không phải mình coi nước lợ, nước mặn là kẻ thù như trước đây. Ví dụ của Cồn Chim cho thấy điều đó đúng, mình có thể sống hài hòa với nước lợ, nước mặn, thậm chí là có lợi về mặt kinh tế chứ không phải chỉ môi trường, thật ra là có giá trị xã hội lớn khi theo thuận thiên, cộng đồng sẽ gắn kết tốt hơn.”

Đảo Cồn Chim có tổng diện tích 62 hecta, theo Mongabay, là một ví dụ hiếm hoi về diện mạo của ĐBSCL trước khi việc trồng lúa công nghiệp được mở rộng ở Việt Nam hơn 50 năm trước. Có khoảng 220 người sống ở đây, thực hành trồng lúa truyền thống và phương pháp đánh bắt bền vững, đồng thời chào đón khách du lịch đến với hoạt động du lịch sinh thái mới ra mắt của người dân đảo này.

Related posts