Một cử tri ở thị trấn Vĩnh Bình, Châu Thành, An Giang khi gặp gỡ Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hôm 25/4/2023 đã đề nghị ngành giáo dục nên có chương trình, kế hoạch tăng cường dạy lễ nghĩa, dạy nhân cách con người, để các em học sinh trở thành người vừa có tài vừa có đạo đức.
Hiện nay giáo dục Việt Nam quan tâm việc này như thế nào? Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên tại trường trung học phổ thông Thường Tín – Hà Nội, hôm 26/4 cho biết:
“Ở các cấp học đều có bộ môn giáo dục công dân và một số bài học ở nhiều môn khác có đề cập đến đạo đức, tư cách sống, hành vi vi phạm pháp luật… Nên không thể đổ cho ngành giáo dục không dạy, mà thậm chí còn dạy nhiều. Nhưng cũng sẽ khó để học sinh tiếp thu toàn diện nếu như chúng ta nói một đằng, làm một nẻo. Tôi thấy cái tai hại nhất của thầy cô hiện nay là nạn lạm thu và bạo lực học đường. Các thầy cô không chỉ đánh học sinh mà còn bạo lực về tinh thần.”
Thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng, chỉ cần một trong những tệ nạn đó xuất hiện đã làm tiêu tan toàn bộ niềm tin của học sinh vào công tác giáo dục học đường. Theo Thầy Khoa, để không uổng phí công sức thì các thầy cô ngoài việc dạy dỗ, phải làm gương hết mức để không gây ra tổn thương cho trẻ.
Ở các cấp học đều có bộ môn giáo dục công dân và một số bài học ở nhiều môn khác có đề cập đến đạo đức, tư cách sống, hành vi vi phạm pháp luật… Nhưng cũng sẽ khó để học sinh tiếp thu toàn diện nếu như chúng ta nói một đằng, làm một nẻo.
-Thầy Đỗ Việt Khoa
Nhiều năm gần đây, bạo lực học đường liên tục xảy ra ở Việt Nam, đơn cử vào tháng 2 năm 2017 tại lớp 10A3 – Trường THPT Tầm Vu, đã xảy ra vụ đánh nhau giữa một thầy giáo dạy toán và một em nữ sinh trong lớp học. Hình ảnh được học sinh dùng điện thoại quay video clip và tung lên mạng sau đó khiến dư luận bàng hoàng.
Hay vào ngày 17/2/2021, mạng báo soha.vn cho phát đi video clip với nội dung một nam sinh trung học đã lớn tiếng yêu cầu cô giáo trả lại điện thoại, chửi bậy trong lớp học. Đồng thời, cậu đi thẳng lên bàn của cô giáo để lấy lại điện thoại và tát vào mặt cô giáo trong sự sửng sốt của các bạn học cùng lớp.
Không chỉ học sinh, các thầy giáo giữ vị trí lãnh đạo cũng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Đơn cử như vào ngày 6/4/2023, trên mạng xã hội lan truyền thông tin Thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã đánh Thầy Hiệu phó ngay sân trường đến nỗi phải nhập viện.
Đến ngày 8/4, theo truyền thông nhà nước, cơ quan chức năng đã xác nhận, Hiệu trưởng Phan Anh Tuấn đã đánh Hiệu phó là ông Lê Đức Huấn. Cụ thể do mâu thuẫn về việc đóng, mở cổng trường… sau trận cãi vã, ông Tuấn đã lao vào đánh đấm khiến ông Huấn bị thương tích ở vùng mặt, phải vào Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy điều trị.
Dù Hiệu trưởng Phan Anh Tuấn sau đó đã xin lỗi trước học sinh toàn trường, nhưng có lẽ không thể xóa được hình ảnh xấu của giáo viên trong mắt học sinh.
Hay vụ việc hiệu trưởng đánh giáo viên xảy ra tại trường Tiểu học Đại Nghĩa – huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Trong lúc mâu thuẫn, Hiệu trưởng Lê Thành Đô đã đấm vào mắt nữ giáo viên cùng trường.
Thầy Đỗ Việt Khoa, nhận định thêm:
“Nhờ sự phát triển của internet và mạng xã hội, nên mặt trái được phơi bầy nhiều hơn. Chính sự bê tha tệ nạn đó, đi cùng với rất nhiều tệ nạn khác làm mất niềm tin của học sinh và giới trẻ. Làm giới trẻ phát sinh những hành vi rất xấu như là đánh nhau, xâm phạm thân thể nhau. Hay các thầy cô lạm thu thì các cháu sau này cũng sẽ tham nhũng. Hay đối xử tàn tệ với trẻ, thì sau này nó cũng sẽ bất nhân như thế.”
Tóm lại theo Thầy Khoa, tệ nạn của ngành giáo dục cần được mọi người đấu tranh lên tiếng, làm sao ngăn cản được những tệ nạn đó, ai làm ô uế ngành giáo dục cần cương quyết loại ra khỏi ngành.
So với nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 thì sao? Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, giảng viên Khoa xây dựng thủy điện thủy lợi Đại học Bách khoa Đà Nẵng, hôm 26/4 nhận định:
“Trước năm 1975, từ tiểu học đến trung học đệ nhất cấp, trung học đệ nhị cấp người ta rất là tôn kính thầy cô. Mặc dù chính quyền không nói giáo dục là quốc sách, nhưng trong học đường người ta tôn trọng thật sự. Tôn trọng thực sự thể hiện kể cả vào yếu tố tinh thần và vật chất. Về tinh thần tức mọi người trong xã hội đều kính trọng. Còn vật chất là người thầy dạy từ tiểu học đến đại học đủ nuôi cả vợ con, không phải 2 con như bây giờ mà nhiều khi ba, bốn đứa con, thậm chí 5, 6 đứa con vẫn nuôi được. Còn bây giờ mình nuôi có hai đứa con mà không nổi, bà vợ còn phải tự làm ăn.”
Theo Giáo sư Hùng, thu nhập của giáo viên phản ánh thực trạng, còn những khẩu hiệu như ‘hiền tài là nguyên khí quốc gia’; rồi ‘giáo dục là quốc sách’… thì ai nói mà không được. Ông Hùng cho rằng, vấn đề là cần phải đi vào thực chất hệ thống xã hội đối đãi với nghề thầy giáo như thế nào? Ông Hùng nói tiếp:
“Tất nhiên có nhiều nguyên nhân, như chuyện đào tạo thầy giáo lôm côm. Chứ không phải tự nhiên mà người ta không được kính trọng, mà là do bản thân người ta có vấn đề. Nhưng tại sao lại ra nông nổi đào tạo những người thầy tầm bậy như vậy, những người thầy không xứng đáng là người thầy? Cũng là Việt Nam mà tại sao trước năm 1975 mà giáo chức được xã hội tôn trọng thực sự cả về vật chất lẫn tinh thần?”
Cũng là Việt Nam mà tại sao trước năm 1975 mà giáo chức được xã hội tôn trọng thực sự cả về vật chất lẫn tinh thần?
-Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng
Tại phiên thảo luận của Quốc hội vào ngày 21/5/2019, một số đại biểu nhắc đến yêu cầu Việt Nam cần có triết lý giáo dục.
Trước năm 1975, ở miền nam Việt Nam có triết lý giáo dục là ‘Nhân bản, dân tộc và khai phóng’.
Giáo sư Lê Xuân Khoa, Thứ trưởng Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, trong một lần trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do giải thích về triết lý giáo dục của miền nam Việt Nam trước 1975:
“Nhân bản tức là nói về con người, lấy con người làm cơ sở cứu cánh. Trong khi nói về tính cách với cơ sở nhân loại như vậy thì vẫn phải có cá tính của Việt Nam, là cá tính dân tộc. Nuôi dạy một đứa bé từ nhỏ đến lớn thành một trí thức thì trí thức đó có cơ sở của nhân loại và có cơ sở của Việt Nam để đóng góp vào cộng đồng nhân loại. Và thứ ba là vấn đề khai phóng, chuyên về khoa học nhiều hơn. Khai phóng là mở cửa ra đón nhận tất cả những tinh hoa, đặc biệt về khoa học công nghệ thế giới, nhất là của Tây phương. Đón nhận như vậy thì vừa có có sở nền tảng con người nhân bản, vừa có đặc tính của dân tộc Việt Nam và vừa đón nhận được khoa học tiến bộ của Tây phương thì con người như vậy là con người toàn diện.”
Tuy nhiên sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, triết lý giáo dục này đã không còn được sử dụng, và theo nhận xét của nhiều nhà giáo trước đây với RFA, thì hầu như Việt Nam đã không có triết lý giáo dục từ đó trở đi.