Ngoại ngữ là cách đầu tư cho thanh niên, sinh viên trong môi trường hội nhập, nhưng Đề Án Ngoại Ngữ Quốc Gia của Bộ Giáo Dục Đào Tạo từ năm 2009 xem ra không tới đích khi điểm thi Anh văn năm nay vẫn thấp nhất so với các môn học khác.
Năm 2009 Bộ Giáo Dục Đào Tạo Việt Nam đề xuất một chương trình 10.000 tỷ Đồng là Đề Án Ngoại Ngữ Quốc Gia 2020, mục tiêu được nêu rõ “ Đến năm 2020 đa số thanh niên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin, giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa , biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của Việt Nam”.
Chương trình dạy tiếng Anh phổ cập đang áp dụng cho lớp Sáu được đưa xuống áp dụng cho học sinh từ lớp Ba cũng được Bộ Giáo Dục Đào Tạo cho thực hiện từ 2009.
Đề án Ngoại Ngữ Quốc Gia 2020 là một trong những dự án tiền tỷ của Bộ Giáo Dục Đào Tạo, nghe thì thật là hay song bị nhiều người cho là hoang tưởng, là nhận định của Giáo sư Phạm Minh Hoàng, từng giảng dạy tại Đại Học Bách Khoa Sài Gòn khi đề án ra đời:
“Người đưa ra đề án này là ông Nguyễn Thiện Nhân, hồi đó ông là bộ trưởng Bộ Giáo Dục Đào Tạo. Cái đề án đào tạo 10.000 tỷ VND, tương đương 500 triệu USD là số tiền không nhỏ. Đến năm 2020 chủ yếu là sinh viên phải nói thành thạp tiếng Anh. Thành thạo nghĩa là có thể giao tiếp, có thể trình bày một bài bình luận bằng tiếng Anh, nói rành rọt một vấn đề bằng tiếng Anh, lúc đó mới được gọi là thành thạo tiếng Anh”
“Không còn đầy 3 tháng nữa thì hết năm 2000, khả năng học sinh và thậm chí giáo viên tiếng Anh, đã không đạt mức thành thạo được. Chỉ biết nói chắc chắn đề án này đã thất bại rồi”.
Không phải đợi tới lúc này mà từ tháng 10/2016, 7 năm sau khi Đề Án Ngoại Ngữ Quốc Gia 2020 được triển khai, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đã thừa nhận đây là đề án thiếu thực tế, đến 2020 cũng chưa thể thực hiện được các mục tiêu dù đã sử dụng hết một nửa kinh phí.
Theo một bài viết đọc được trên trang Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn hôm 23/9, lẽ ra 2020 phải là “đích đến” như mục tiêu ban đầu của Đề Án Ngoại Ngữ Quốc Gia, thế nhưng thực tế điểm thi tiếng Anh năm nay vẫn thấp kỷ lục trong các môn thi tốt nghiệp phổ thông.
Vẫn theo người viết, một cử nhân Anh văn tốt nghiệp ở Australia, điểm Anh ngữ trung bình của học sinh Việt Nam được coi là “thấp bền vững”, chưa lên được vị trí 4,6 trên thang điểm 10.
Đối với nhà giáo Đỗ Việt Khoa thì điều này chứng tỏ Đề Án Ngoại Ngữ Quốc Gia 2020 không có hiệu quả:
“Suốt mấy năm vẫn cách dạy cũ, phương tiện hầu như không thay đổi, chưa thực sự phục vụ cho việc học và việc sử dụng, giáo viên thì không đủ nhiều để lên lớp một cách tích cực”
Nguyên nhân chính là người dạy, nguyên nhân phụ là cách dạy, không đầu tư được vào 2 yếu tố này thì đừng trách tại sao học sinh Việt Nam dốt Anh ngữ, là khẳng định của nhà giáo Đỗ Việt Khoa:
“Căn bản là phương pháp dạy, phương pháp học, phương pháp tiếp cận rất lạc hậu, chậm thay đổi. Phải nói nghiêm túc điểm trung bình thi tốt nghiệp môn Anh vừa rồi chỉ 2,7 là quá kém”.
Theo kết quả khảo sát toàn quốc 2014-2015, được bài viết trên Thời Báo Sài Gòn Kinh Tế dẫn lại, trong số 4.598 giáo viên tiếng Anh được hỏi đến chỉ 729 thầy cô có bằng cử nhân đại học chính quy, còn lại là những người có bằng cao đẳng hoặc đại học tại chức. Nhu cầu lớn nhất của các giáo viên này, theo cuộc khảo sát, là được bồi dưỡng, tập huấn phương pháp giảng dạy tiếng Anh theo qui chuẩn.
Muốn có học sinh giỏi thì trước hết phải đào tạo giáo viên chuẩn với trình độ Anh văn chuyên nghiệp. Giáo sư Phạm Minh Hoàng.
“Những gì tôi thấy được trong thời gian dạy ở Đại Học Bách Khoa, chuyện cười ra nước mắt là có những lần giáo viên tiếng Anh đang dạy nửa chừng, một phái đoàn Anh tới thì giáo viên bỏ chạy hết vì không nói thạo tiếng Anh. Giáo viên phải giỏi thì mới có thể đào tạo được trong vòng 10 năm một tầng lớp sinh viên, học sinh nói được tiếng Anh một cách thông thạo. Điều đó đã không làm được và sẽ không làm được nếu cứ tiếp tục cách quản lý như vậy. Đề án 500 triệu USD chắc chắn đổ sông đổ biển thôi”.
Một đội ngũ giáo viên Anh văn có bài bản là cái thiếu lớn nhất mà Bộ Giáo Dục Đào Tạo phải cân nhắc trước khi cho thực hiện thí điểm Đề Án Ngoại Ngữ Quốc Gia 2020, là quan điểm của cô Trang Tracey, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Anh ở TPHCM, sau này lập ra các trung tâm Ivy Language Schools và cùng đồng hành với dự án của Bộ Giáo Dục Đào Tạo:
“Đề án ngoại ngữ được triển khai tại một số thành phố lớn trong đó có Sài Gòn, thì một số trường chính qui, phổ thông trên địa bàn Sài Gòn có mời chúng tôi cùng liên kết để mà đào tạo thao chuẩn mới đề án này đưa ra”.
“Vì đề án đưa ra là thí điểm, bấy giờ các trường cũng thiếu giáo viên nên phải gấp rút cần một đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp hơn, qui chuẩn hơn, thành ra là chúng tôi cung cấp nhân lực có sẵn tại các trung tâm ngoại ngữ của mình”.
“Theo cá nhân tôi là người có cơ hội đi cùng đề án này thì tôi thấy đề án rất cần thiết để thay da đổi thịt, thay áo cho việc dạy ngoại ngữ ở Việt Nam. Nhưng khi triển khai thì nhiều cái bất cập lắm, bây giờ sau hơn 10 năm rồi mà nhiều mục tiêu cũng chưa được cải thiện”
Không đủ giáo viên để thực hiện Đề Án Ngoại Ngữ Quốc Gia 2020 là cái bất cập rõ nhất mà nguyên nhân theo cô Trang Tracey:
“Giáo viên tiếng Anh phải được đào tạo bài bản, nhưng mà đặc thù xưa giờ là mấy ai chọn ngành sư phạm, hơn nữa sư phạm Anh phải là người thật sự có năng khiếu về tiếng Anh thì mới đăng ký hoặc thi vào ngành đó. Do vậy đầu vào giáo viên tiếng Anh rất hạn chế. Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có duy nhất một trường đào tạo tiếng Anh bài bản được Nhà Nước công nhận là Đại Học Sư Phạm, mà chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh thì không phải trường nào cũng được cấp phép cũng được dạy, thế thì làm sao mà có đầy đủ lượng giáo viên trải đều để phục vụ cho đề án”.
“Riêng về bồi dưỡng tiếng Anh, chỉ có một thời gian ngắn, có thể là đào tạo tập trung, thì như vậy rất cập rập, không sâu và không có chất lượng bài bản để mà đúng chuẩn. Đó là lỗ hổng rất lớn”.
Một bất cập khác nữa, cô Trang Tracey nói tiếp, là sự thiếu thốn trang thiết bị để dạy ngoại ngữ theo phương pháp mới, chưa kể thời lượng và lịch trình học Anh văn ở các cấp không đáp ứng được nhu cầu học và luyện Anh ngữ:
“Trường chính qui lúc đó chưa có đủ trang thiết bị, chưa có đủ sách, nói chung chưa có đủ tất cả mọi thứ để hội nhập theo qui chuẩn quốc tế. . Hiện tại học sinh Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn, khối lượng học rất nặng, không còn thời gian nhiều cho môn ngoại ngữ”.
“Một tiết tiếng Anh 45 phút mà bị xé lẻ ra chứ không liên tục 90 phút, một tuần có 2 hay 3 hoặc 4 tiết là không đủ. Nên giảm tiết học các môn phụ, tăng thêm giờ học tiếng Anh cho phù hợp với yêu cầu thì lúc đó mới có kết quả theo như đề án đã đề ra”.
Tóm lại, vẫn lời cô Trang Tracey, thời hạn 10 năm để biến Việt Nam có thế mạnh về ngoại ngữ như đề án của Bộ Giáo Dục Đào Tạo chẳng những không khả thi mà còn bị coi là quá gấp gáp.
Giáo viên tiếng Anh phải được đào tạo bài bản, nhưng mà đặc thù xưa giờ là mấy ai chọn ngành sư phạm, hơn nữa sư phạm Anh phải là người thật sự có năng khiếu về tiếng Anh thì mới đăng ký hoặc thi vào ngành đó. Do vậy đầu vào giáo viên tiếng Anh rất hạn chế. – Trang Tracy
Đề án Ngoại Ngữ Quốc Gia 2020, cô nói, đã thổi một làn gió mới vào lãnh vực ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, thế nhưng vì hệ thống và lộ trình còn nhiều bất cập khiến dự án đến thời hạn 2020 vẫn không tiến xa được bao nhiêu.
Trong lúc nhà giáo Đỗ Việt Khoa đánh giá Đề Án Ngoại Ngữ Quốc Gia 2020 là một thất bại, blogger Lưu Trọng Văn, một tiếng nói phản biện có tính xây dụng trên mạng, lại nghĩ rằng vì quá nặng về lý thuyết thành ra không có gì đáng ngạc nhiên trước khả năng và trình độ sinh ngữ thấp kém của đa phần học sinh sinh viên cho tới lúc này.
Dưới mắt nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, đầu tư mà không có công cụ đo lường, đánh giá kết quả từng giai đoạn để có thể điều chỉnh hợp lý và kịp thời, thì hiệu quả thấp là điều khó tránh khỏi:
“Giáo viên tiếng Anh bao nhiêu phần trăm có thể đọc được sách báo tiếng Anh, bao nhiêu phần trăm có thể giao tiếp một cách thoải mái với người Anh người Mỹ. thế thì làm sao mà đào tạo học sinh đạt yêu cầu”.
“Vấn đề chính vẫn là giáo viên và phương pháp giảng dạy. Cho nên yếu tố quyết đinh là đào tạo lại hoặc bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên tiếng Anh, phải cập nhật phương pháp giảng dạy mới nhất của thế giới”.
Dù muốn dù không thì ngoại ngữ rất quan trọng trong xu thế hội nhập của Việt Nam, là khẳng định của những người bày tỏ quan điểm ở đây.
Với cô Trang Tracey cũng như dịch giả Hoàng Hưng, kinh phí đầu tư phải được rót một cách hợp lý từ trên xuống các ban ngành liên quan, còn phương án giảng dạy phải được thay đổi từ cấp đào tạo thấp nhất trở lên thì mới đạt kết quả như ý trong tương lai.