Đề xuất tỉnh giàu phải hỗ trợ tỉnh nghèo có hợp lý?

Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Trần Đức Thuận tại cuộc họp hôm 31/5/2024 về dự thảo Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An… đã đề xuất ‘tỉnh giàu phải hỗ trợ tỉnh nghèo’. Ông Thuận cho rằng Nghệ An tỷ lệ nghèo còn cao nên cần nghiên cứu cơ chế để huy động nguồn lực từ các địa phương giàu hơn.

Đề xuất không có cơ sở

Ông Thuận khẳng định trước đây ông cũng đã từng đề nghị tỉnh giàu giúp tỉnh nghèo, huyện giàu giúp huyện nghèo, xã giàu giúp xã nghèo. Tuy nhiên, đề xuất của ông Thuận dưới góc nhìn của ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại từ năm 1991 đến năm 1997, khi trao đổi với RFA hôm 3/6/2024, nhận định, “chưa có căn cứ”. Ông Triết nói:

“Cái đó chưa có quy định nào bắt buộc tỉnh giàu phải lo cho tỉnh nghèo. Thứ hai, thực ra bây giờ tỉnh giàu chẳng phải giàu bao nhiêu, tỉnh nghèo thì chưa chắc đã nghèo, vì nó không rõ ràng gì trong cái thống kê của Việt Nam. Cho nên từ đó lấy căn cứ nào để đưa ra quy định đó, cái đó chưa rõ.”

Một người dân ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn hôm 3/6/2024 tỏ ra không đồng tình với đề xuất trên, ông nói qua điển hình của thành phố nơi ông đang sinh sống:

“Dưới góc nhìn người dân thì việc tỉnh giàu hỗ trợ tỉnh nghèo, có từ trước đến giờ vẫn có, chứ không phải bây giờ mới có. Sài Gòn nổi danh là con bò sữa, không phải giờ này mới có mà có từ lâu rồi. Nhưng mà bây giờ họ muốn thêm nữa thì ở đâu ra… Sài Gòn đã đóng góp 85% nguồn thu, Sài Gòn mỗi ngày thu cả ngàn tỷ tiền thuế, năm vừa rồi thu mấy trăm ngàn tỷ tiền thuế. Sài Gòn được mệnh danh là con bò sữa mà bị vắt kiệt không còn gì, bây giờ còn xin thêm thì ở đâu ra. Trong khi các tỉnh nghèo xây tượng đài, xây cổng chào mấy trăm tỷ… xài tiền phung phí như vậy, làm mấy cái đó làm chi, mà dân mình còn nghèo.”

Cái đó chưa có quy định nào bắt buộc tỉnh giàu phải lo cho tỉnh nghèo. Thứ hai, thực ra bây giờ tỉnh giàu chẳng phải giàu bao nhiêu, tỉnh nghèo thì chưa chắc đã nghèo, vì nó không rõ ràng gì trong cái thống kê của Việt Nam.
-Ông Lê Văn Triết

Theo người dân này, nếu cứ xin tỉnh giàu hoài… thì như thành phố Hồ Chí Minh lấy tiền đâu ra, vì thành phố này “còn không đủ tiền chống ngập nước”.

Theo Nghị quyết 70/2022/QH15, các tỉnh thành như TPHCM phải nộp 79% thu ngân sách về Trung ương, chỉ được giữ lại 21% để phát triển thành phố và lo cho dân, trước đó TPHCM chỉ được giữ lại 18% trong giai đoạn 2016-2021.

Trong khi Hà Nội phải nộp 68%, Bình Dương: 67%, Đồng Nai: 50%, Quảng Ninh: 49%, Bà Rịa – Vũng Tàu: 48%, Vĩnh Phúc: 34%, Bắc Ninh: 29%, Hải Phòng: 24%, Quảng Nam: 18%, Đà Nẵng: 17%, Ninh Bình: 11%, Khánh Hòa: 10%, Quảng Ngãi: 7%, Long An: 5%, Thái Nguyên: 4%, Hải Dương: 2% và Hưng Yên: 2%.

Như vậy, trong năm 2023, có 18 tỉnh, thành phố phải điều tiết ngân sách về trung ương. Riêng tỉnh Nghệ An được giữ lại 100% nguồn thu, thế nhưng với đề xuất của ông Thuận thì tỉnh này vẫn cần sự giúp đỡ từ các tỉnh khác… (?!).

08f9816f-fd74-4dfc-bd77-cd1eb4f75c1b.jpeg
Ảnh minh họa chụp tại TPHCM trước đây. AFP PHOTO.

Đánh giá tỉnh nghèo theo tiêu chí nào?

Liên quan tỷ lệ giữ lại nguồn thu của các tỉnh thành, ông Lê Văn Triết nói:

“Tỷ lệ giữ lại của các tỉnh thì tôi không biết, nhưng tỷ lệ của TPHCM thì tôi biết trước đây và sau này… Nếu giữ theo cái cũ thì thành phố không thể sửa chữa được đường xá, không thể lo tu sửa bệnh viện, không thể làm cái gì mà phục vụ cho quốc kế dân sinh. Cho nên chính vì chỗ đó mà có chuyện nâng tỷ lệ giữ lại cho TPHCM. So với các tỉnh khác mà làm ra tiền, thì có làm được như TPHCM hay không, cái này còn nhiều vấn đề lắm. Cho nên bây giờ dù đã tăng tỷ lệ giữ lại cho TPHCM, nhưng có đáp ứng được yêu cầu phát triển thành phố trong vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ quốc tế dân sinh như là như trường học, bệnh viện? Phải căn cứ vào thực tế nó mới nói được.”

Nếu giữ theo cái cũ thì thành phố không thể sửa chữa được đường xá, không thể lo tu sửa bệnh viện, không thể làm cái gì mà phục vụ cho quốc kế dân sinh.
-Ông Lê Văn Triết 

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trao đổi với RFA hôm 3/6 về vấn đề này, cho rằng:

“Vấn đề hiện nay là tổng số thu ngân sách ở TPHCM thì tỷ lệ để lại cho thành phố này là thấp, cần phải nâng lên. Tức là dành lại cho TPHCM một tỷ lệ thu ngân sách cao hơn, để TPHCM có thể thực hiện được các mục tiêu của mình. Ví dụ như là mục tiêu về kết cấu hạ tầng, xây dựng các khu đô thị hiện đại, vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân và người lao động… Tôi nghĩ rằng sắp tới đây, TPHCM sẽ tìm mọi cách tăng cường đầu tư để thu hút được lực lượng ưu tú khoa học công nghệ của người Việt ở nước ngoài và các lực lượng khoa học công nghệ của các nước khác… để về giúp TPHCM đạt được sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cách mạng công nghiệp 4.0 sang kinh tế số.”

Ông Thuận cho rằng, Nghệ An tỷ lệ nghèo còn cao. Tỉnh này cũng từng phải “xin gạo cứu đói” cho dân vào mỗi dịp Tết, thế nhưng trong thực tế, chính quyền tỉnh này đã đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng vào việc xây tượng đài bị dư luận lên tiếng. Có thể kể như Dự án Thác chín tầng tại Nam Đàn, Nghệ An. Dự án này được cho biết thuộc Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, được xây dựng trên diện tích gần 436 ngàn m2, tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan, với tổng dự kiến đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng.

Hay như mới đây, tỉnh Nghệ An đã cho xây dựng công trình tượng đài Lênin tại khu vực vườn hoa đầu đường Lênin với diện tích hơn 3.000m2 và kinh phí hơn tám tỷ đồng, bao gồm cả đài phun nước ngay ngã năm gần khu vực tượng đài.

Đối với trường hợp các tỉnh nghèo xây tượng đài hàng trăm tỷ, ông Triết cho biết ý kiến:

“Bây giờ làm tượng gì mà ở nơi nào cũng hai ba cái tượng, mà tượng đâu phải ít tiền đâu. Cho nên không ai tán thành hết, nhưng họ làm theo một cái kiểu của họ, bây giờ họ làm việc của họ mà mình nói thì nghịch tai với người ta.”

Related posts