Di tích Chùa Cầu Hội An gây tranh cãi sau trùng tu

Sau hơn một năm tu bổ, di tích Chùa Cầu ở Hội An gây tranh cãi, dư luận cho rằng công trình quá mới, hiện đại, không phù hợp với không gian cổ kính ở Hội An.

Một người dân sống gần phố cổ Hội An, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 30/7 cho RFA biết ý kiến:

“20 tỷ trùng tu không phải là ít, cho nên các anh phải ngồi lại tìm ra phương án tốt nhất, tìm chuyên viên, tìm những người có kinh nghiệm về cổ… Chứ không phải làm càng, để khi thăm dò dư luận rồi sửa. Không riêng gì Chùa Cầu mà tui đi qua rất nhiều nơi, nhất là đình làng, ngôi miếu… cứ thấy sơn son trát vàng xanh xanh đỏ đỏ, chướng mắt dễ sợ. Đủ trình độ hãy nhận trùng tu các công trình cổ, cố gắng giữ được nét nguyên bản nhiều nhất có thể, sửa đi sửa lại tốn tiền lắm luôn. Bỏ tiền làm mới Chùa Cầu rồi lại tốn tiền làm cho cũ đi, chuyện lâu nay vẫn thế của Việt Nam. Chưa kể đến chất liệu của cây cầu đã sửa, vấn đề này cũng cần kiểm tra. Vì rõ ràng có một đội ngũ không hoàn hảo tái tạo lại Chùa Cầu.”

Khi trùng tu phải tuân thủ nguyên tắc di tích không được làm mới, có nghĩa là vẫn giữ nét rêu phong, cổ kính, nhưng Chùa Cầu sau khi trùng tu đã không tuân thủ nguyên tắc này, họ đã sơn phết bề mặt công trình như mới, hiện đại.
-Một kỹ sư xây dựng 

Vào năm 2022 theo truyền thông nhà nước, công trình Chùa Cầu Hội An xuống cấp nghiêm trọng, phần mố cầu, trụ cầu bị nứt, lún, nhiều cột và kèo bị hỏng nặng và đã được Uỷ ban Nhân dân thành phố Hội An phê duyệt tu bổ với kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Theo cơ quan này, công trình sau khi hoàn thành sẽ khánh thành vào ngày 3/8/2024, trong chuỗi sự kiện giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ 20.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà nghiên cứu văn hóa ngôn ngữ từ Sài Gòn hôm 30/7 nhận định:

“Hầu hết chuyên gia mà tôi biết đều đồng tình với phương án trùng tu Chùa Cầu. Họ cho thấy rõ các bước đi cẩn thận của việc trùng tu như thế nào và duy trì hết mức cái cũ. Tuy nhiên nhiều người cũng thừa nhận rằng, xúc cảm về Chùa Cầu gắn với những hình ảnh cũ kỹ, mà bây giờ nó mới quá, nó đánh vào mắt làm người dân có phản ứng. Phản ứng đó xuất phát từ lòng yêu mến di tích của dân tộc. Đi tìm cái tốt đẹp thì cũng tốt, nhưng phản ứng quá đà thì thường nghiên về cảm cao quang bề ngoài, chứ về chuyên môn thì không đúng.”

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, việc cho màu bớt mới đi rất rẻ, về mặt kỹ thuật khắc phục cái đó không tốn bao nhiêu tiền và cũng dễ làm. Nhưng ông Dũng cho rằng cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Tức là khi làm ngoài tính phương diện kỹ thuật, phải tính đến phản ứng của công chúng.

chau-cau-2-700.jpg
Bên trong Di tích Chùa Cầu Hội An sau trùng tu. Ảnh thính giả gởi RFA.

Một kỹ sư xây dựng từng tham gia thi công trùng tu nhiều công trình cổ ở miền Trung, không muốn nêu tên vì lý do an ninh, hôm 30/7 khi trao đổi với RFA giải thích, Chùa Cầu là một công trình nằm trong tổng thể phố cổ Hội An đã được hình thành khoảng 400 năm, đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào ngày 4/12/1999. Vì công trình đã được hình thành 400 năm về trước, đến nay công trình đã xuống cấp nên cần phải trùng tu nhằm bảo đảm công năng như ban đầu. Do đó, ngân sách nhà nước đã bỏ ra trên 20 tỷ đồng để thực hiện việc trùng tu và đến nay việc trùng tu đã xong.

Tuy nhiên theo chuyên gia này, khi trùng tu phải tuân thủ nguyên tắc di tích không được làm mới, có nghĩa là vẫn giữ nét rêu phong, cổ kính, nhưng Chùa Cầu sau khi trùng tu đã không tuân thủ nguyên tắc này, họ đã sơn phết bề mặt công trình như mới, hiện đại mặc dù cái cốt của công trình vẫn bảo đảm yêu cầu chống xuống cấp! Ông nói tiếp:

“Sau khi có nhiều phản ứng của cư dân và du khách thì ông Chủ tịch thành phố đã chỉ đạo cho sơn lại/làm cũ lại về hình thức như ban đầu. Tất nhiên, việc làm này sẽ tốn thêm chi phí, nhưng dù tốn thêm chi phí thì theo tôi vẫn chỉ là khắc phục việc ‘làm mới’ vì lớp sơn ‘làm lại cho cũ như ban đầu’ chỉ qua một thời gian ngắn, do tác động của khí hậu, môi trường thì lớp sơn ‘làm mới’ trước đó cũng sẽ hiện ra và sau đó lại vẫn ‘sơn lại làm cho như cũ’ cứ lập đi lập lại. Giá như khi trùng tu họ tuân thủ nguyên tắc không làm mới, giữ nét cổ kính, rêu phong của di tích thì sẽ không xảy ra tình trạng này! Tôi từng trùng tu các tháp/cụm tháp Chăm ở tỉnh Bình Định như tháp Cánh Tiên, Tháp Đôi, cụm tháp Bánh Ít-4 tháp, cụm tháp Dương Long -3 tháp… đều tuân thủ nguyên tắc không làm như mới nên sau khi trùng tu thì nhìn vẫn giữ nét cổ kính, rêu phong!”

Không riêng gì Chùa Cầu mà tui đi qua rất nhiều nơi, nhất là đình làng, ngôi miếu… cứ thấy sơn son trát vàng xanh xanh đỏ đỏ, chướng mắt dễ sợ.
-Người dân

Không chỉ công trình Chùa Cầu gây tranh cãi, trước đây vào năm 2015, việc trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội cũng bị phản ứng về màu chói lóa, làm mất đi vẻ rêu phong. Sau hai lần sơn, Nhà hát Lớn Hà Nội đã được trả lại vẻ ngoài như phiên bản trùng tu năm 1997.

Hay vào tháng 5/2022, Nhà thờ Lớn Hà Nội cũng từng gây xôn xao với vẻ ngoài khác lạ sau thời gian tu sửa với nhiều lớp sơn khiến nhiều người ngạc nhiên.

Liên quan vấn đề này, vị chuyên gia xây dựng nhận định thêm:

“Hiện nay trên khắp 3 miền (Bắc, Trung, Nam) của đất nước có rất nhiều di tích, có những di tích đã hình thành hàng ngàn năm đang xuống cấp, có nguy cơ đổ sập. Do đó cần phải trùng tu, phục chế. Đối với những di tích đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới thì tổ chức này tài trợ trùng tu, phục chế, nhưng những di tích còn lại thì ngân sách nhà nước phải bỏ ra để thực hiện việc này. Theo tôi thì ngay từ bây giờ Bộ Văn hóa phải khảo sát toàn bộ các di tích để xác định thứ tự ưu tiên là di tích nào cần trùng tu trước, di tích nào cần trùng tu sau theo kế hoạch về mặt thời gian, làm căn cứ cho việc phân bổ ngân sách. Tình trạng hiện nay là có tiền đến đâu làm đến đó, không có thứ tự ưu tiên trước-sau cần được khắc phục trong thời gian tới!”

Theo Luật Di sản văn hóa năm 2001, việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải được xây dựng thành dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải bảo đảm giữ gìn tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích.

Related posts