Đợt dịch COVID-19 thứ tư đang bùng phát tại Việt Nam lây lan đến các khu công nghiệp đông người. Tại những nơi có dịch cũng như những địa phương dịch chưa lan đến, Chính phủ Hà Nội kêu gọi mọi người thực hiện mọi biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Tại những nhà tù, thân nhân không được thăm nuôi định kỳ cũng với lý do để phòng, chống dịch.Thực tế nơi giam giữ, đặc biệt đối với tù chính trị, tù nhân lương tâm lâu nay đã không được bảo đảm vệ sinh, nay trong mùa dịch, thân nhân của họ không khỏi lo âu.
Sáng ngày 8 tháng 6, bà Nguyễn Thị Chương, vợ của Tù nhân Lương tâm Trần Đức Thạch lái xe máy gần một tiếng lên trại giam Nghi Kim để tiếp tế, thăm nuôi chồng bị giam tại đây. Đến nơi, bà được thông báo bất ngờ:
“Bữa nay tôi làm mùa màng xong xuôi rồi, tôi đi chợ về, vào đến nơi là 9 giờ. Tôi hớn ha hớn hở bảo vào gửi tiền và gọi điện cho bác sĩ hỏi. Nhưng vừa vào đến trại giam thì vì dịch họ không cho ai thăm gặp, phải đứng ngoài cổng. Tôi nghi ngờ mới hỏi là ông Trần Đức Thạch còn ở đây không? Thì cô kia mới bảo là ông Trần Đức Thạch chuyển đi rồi cô ơi. Thế tôi bảo chuyển mà sao tôi không biết, lâu chưa? Cô ấy bảo một tuần rồi. Tôi hỏi, tại sao không báo cho nhà tôi. Có bảo rồi nhưng mà chắc địa phương chưa đưa giấy cho cô. Tôi không tin, tôi lại phóng xe xuống bên Thi hành Án thì bên Thi hành Án vẫn nói như thế. Thế là tôi về”.
Nhà thơ Trần Đức Thạch bị giam tại trại tạm giam Nghi Kim, tỉnh Nghệ An từ lúc ông bị bắt vào ngày 23/5/2020 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.
Bà Chương cho biết ông Thạch đã được chuyển đến Trại giam số 5, tỉnh Thanh Hóa.
“Họ không đưa giấy, và đáng lý ra đã đến đó được một tuần rồi phải được gọi về nhà, mà họ cũng không gọi. Đấy là điều rất bức xúc cho những người tù nhân và gia đình”.
Việt Nam đang trải qua đợt dịch COVID-19 tái bùng phát từ cuối tháng Tư, bà Chương nói bà có thể hiểu được trại giam không cho người nhà vào thăm nuôi, nhưng không thể hiểu được vì sao các tù nhân không được phép gọi về nhà hoặc báo cho gia đình khi chuyển trại.
“Không biết gì hết luôn, biệt tin ba tháng rồi. Không biết gì, không hỏi thăm. Họ không cho gọi điện thoại”.
Ông Trần Đức Thạch không phải là Tù nhân Lương tâm duy nhất không được gặp người thân. Cơ quan chức năng tại các trại giam có lúc thì viện lý do là do COVID-19, cũng có lúc chẳng cần lý do gì.
Cô Trịnh Thị Thảo, người thân của ba nhà hoạt động vì đất đai hiện đang bị giam là bà Cấn Thị Thêu, anh Trịnh Bá Tư và anh Trịnh Bá Phương, nói cô không có một thông tin gì từ mẹ cô, bà Thêu, và anh Tư từ khi hai người này bị xét xử vào ngày 5/5/2020 và tuyên án mỗi người tám năm tù giam.
Cô chia sẻ với phóng viên Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn về mối âu lo của những người thân các tù nhân chính trị:
“Với tình hình dịch bệnh đang bùng phát như hiện nay em và gia đình rất lo ngại là dịch sẽ lây lan trong trại giam. Nếu như trong trại giam có dịch bệnh em nghĩ họ sẽ không bao giờ thông báo cho gia đình em về tình hình dịch bệnh trong ấy. Nhà nước cộng sản Việt Nam độc tài khi giam giữ em Trịnh Bá Tư thì em Tư có tuyệt thực 20 ngày đến mức gần chết, mẹ em những lần đi tù trước cũng tuyệt thực đến gần chết, hay anh Trịnh Bá Phương bị chuyển đến bệnh viện tâm thần thì họ đều không cho gia đình hay biết”.
Bà Phạm Thị Lân, vợ của nhà báo, blogger Nguyễn Tường Thụy, người đang bị giam tại trại An Phước, tỉnh Bình Dương, cho biết:
“Từ hồi bắt anh là 23/5/2020 thì mới được gặp anh mỗi một lần là hôm 17/4/2021. Hôm mùng 6 tháng 5 thì họ bảo là Hà Nội là vùng dịch, trên đấy họ không cho gặp còn các tỉnh khác thì vẫn được gặp. Xong sau đó thì tất cả các trại đều không được gặp… Không trại nào cho gặp hết”.
Một số tổ chức nhân quyền trên thế giới từ đầu mùa dịch đã quan ngại nguy cơ lây lan trong nhà tù và kêu gọi chính quyền các nước thả tù nhân nhằm giảm bớt tình trạng quá tải nhà tù. Ủy ban Bảo vệ Nhà Báo (CPJ), Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) và Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo đặc biệt kêu gọi chính quyền Hà Nội thả các tù nhân lương tâm.
“Chị rất lo nhưng cái lo của chị không với tay đến được vì chúng nó toàn quyền. Chị Huệ đã nói rồi một cái phòng 70 mét vuông mà 80 người thì phòng trống đâu ra, thậm chí nằm phải còn úp thìa vào nhau. Mỗi người chỉ được một manh chiếu đủ 40 mét ngang rộng khoảng 40 cm thì lấy đâu để phòng chống dịch bệnh”? -Bà Trần Thị Thu Thủy
Nhà nghiên cứu Simon Trần Hudes của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) trong một cuộc trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về diễn tiến lây lan đợt mới nhất tại Việt Nam nhận định:
“Chúng ta thấy sự lây lan trong các khu công nghiệp tấp nập và những người thuộc tầng lớp lao động này thường lại là những người cuối cùng được chủng ngừa. Vì vậy, tôi nghĩ bất cứ nơi nào có điều kiện làm việc đông đúc như thế, như khu công nghiệp, nhà máy, cũng như các nhà tù, tất cả những nơi này đều có nguy cơ rất cao xảy ra lây lan.”
Thái Lan vào giữa tháng 5 phát hiện hơn 10.000 tù nhân mắc COVID-19 tại tám nhà tù trên cả nước. Tuổi Trẻ Online hôm 18 tháng 5 dẫn nguồn tờ Bangkok Post rằng “tù nhân có nguy cơ mắc bệnh nặng, trong đó những tù nhân trên 60 tuổi và có bệnh nền, sẽ được điều trị riêng. Tất cả tù nhân trên toàn quốc cũng sẽ được xét nghiệm COVID-19 mỗi 7 ngày một lần.”
Bà Nguyễn Thị Chương, vợ nhà thơ Trần Đức Thạch tâm sự rằng bà rất lo lắng:
“Ông Thạch bị bệnh nền, mà bây giờ không biết như thế nào đây. Ở ngoài thì biệt tin tức, ông thì không gọi điện về, thật sự tôi rất lo lắng.”
Bà Trần Thị Thu Thủy, một người đã từng đồng hành cùng tù nhân Đặng Thi Huệ phản đối BOT bẩn, cho biết, qua những gì chính bà Huệ tiết lộ từ trong trại giam, bà không tin rằng cơ quan chức năng đảm bảo thông điệp 5K trong lao tù khi quyền công dân và quyền tối thiểu của tù nhân còn chưa được tôn trọng. Bà Thuỷ cho biết về người chị Đặng Thị Huệ trong tù:
“Chị rất lo nhưng cái lo của chị không với tay đến được vì chúng nó toàn quyền. Chị Huệ đã nói rồi một cái phòng 70 mét vuông mà 80 người thì phòng trống đâu ra, thậm chí nằm phải còn úp thìa vào nhau. Mỗi người chỉ được một manh chiếu đủ 40 mét ngang rộng khoảng 40 cm thì lấy đâu để phòng chống dịch bệnh”?
Biện pháp 5K mà Việt Nam đang áp dụng gồm ‘khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế’. Đó là những yêu cầu áp dụng đối với người dân tự do ngoài xã hội. Trong khi đó, không gian nhà tù khép kín, đặc biệt nơi giam giữ các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, bấy lâu nay thiếu thốn mọi bề về mặt vệ sinh, y tế là căn cứ để thân nhân của họ phải lo lắng trong lúc dịch bệnh lây lan nhanh như hiện nay.