Đoan Trang và con đường thực hành dân chủ nào cho Việt Nam
Đầu tiên phải nói ngay là tôi không biết con đường dân chủ nào tốt nhất cho Việt Nam cả, xin đừng ai cắc cớ hỏi tôi câu này. Vì nếu biết thì giờ này tôi đã là bí thư Đảng hay thủ tướng của Việt Nam, mà là loại bí thư hay thủ tướng lưu danh thiên cổ chớ đâu có ngồi ở đây hầu chuyện quý vị.
Nhưng chúng ta cũng nên sòng phẳng với nhau là không có bất cứ cá nhân hay tố chức có thể giải đáp được câu hỏi đó.
Thực tế thực hành dân chủ ở một đất nước có nền chính trị, lịch sử phức tạp như Việt Nam (khiến hình thành đủ thứ quan điểm dựa trên những nền tảng học thức và ý thức khác nhau) là khó. Nếu dễ thì chế độ Việt Nam Cộng hòa đã không thất bại, cũng như chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa trước kia đã không… nghèo đến thế!
Nên bình thường hóa hoạt động “chống chính quyền”
Đoan Trang, với phiên tòa xử tù 9 năm cho tội chống phá chính quyền Việt Nam vừa qua, đã tiếp tục bước lên con đường được lịch sử ghi danh, cũng như lịch sử đã ghi danh cho những người chống chính quyền trước cô và cả sau cô nữa. Đồng thời tôi cũng nhận ra một điều thú vị , đó là lịch sử rất thích ghi danh: cho dù người chống chính quyền thuộc phe nào, chính quyền bị chống là chính quyền loại nào thì nó cũng sẽ ghi danh tuốt. Như trước kia người cộng sản chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa, lịch sử ghi danh họ. Nay những người xưng là dân chủ để chống chính quyền Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lịch sử cũng sẽ ghi danh họ. Vỏn vẹn chỉ vài chục năm mà lịch sử phải đảo đầu đảo đuôi ghi danh miết, cũng đến là vất vả!
Nhìn vào nó, tôi nghĩ nên bình thường hóa việc chống chính quyền, vì có lẽ ở Việt Nam ấy mà, trước sau gì thì bất cứ chính quyền nào cũng có người chống thôi. Nó đã là quy luật, là thiên kinh địa nghĩa rồi. Thay vì bắt bớ, gây hình ảnh xấu về một chính quyền bạo lực, độc tài, Việt Nam nên thay đổi tư duy, xem chống chính quyền cũng là một nghề nghiệp. Từ đó sẽ kiểm soát được vô khối các hệ lụy xấu như:
-Chống chính quyền sáo mép.
-Chống chính quyền vì đam mê, nghĩa là cứ thấy chính quyền là lập tức chống, bất kể chính quyền nào, bất kể việc gì.
-Hay tệ hơn là lợi dụng chống chính quyền để trục lợi, chơi gái, ăn nhậu, thậm chí làm giàu.
-Hay chống chính quyền để kiếm quyền lực cho bản thân.
Tóm lại, cần liệt kê và nghiên cứu viết ra “Sách đen: Những kiểu chống chính quyền sai cách”. Từ đó chúng ta có thể phân loại được những người yêu nghề kính nghiệp để tôn vinh (hay ghi danh) họ, và định kỳ bỏ phiếu tín nhiệm để loại những thành phần chống chính quyền không đạt yêu cầu ra khỏi đội ngũ. Việc thanh lọc đội ngũ sẽ luôn duy trì được chất lượng chống chính quyền ổn định với chất lượng cao nhất, từ đó thu hút nhân tài và đưa sự nghiệp chống chính quyền lên một tầm cao mới.
Ngược lại, như danh ngôn có câu nói rằng báo chí, hay suy rộng ra, chính những người chống đối là tấm gương của chế độ (tôi nhớ mài mại, nếu quý vị độc giả không tìm được xuất xứ chính xác của nó xin điền tên tôi vào chỗ tác giả). Có nghĩa nếu chính quyền muốn được sự ủng hộ của dân và các thế lực khác thì phải thường xuyên soi vào chiếc gương của sự chống đối, nhờ nó chỉ ra những vết bẩn trên mặt mình.
Hay nói cách khác, một chính quyền muốn bền vững thì phải luôn dành cho sự phản biện sự quan tâm và tôn trọng cao nhất, nhất là phản biện từ phía những người có góc nhìn khác với mình.
Vắn tắt thì nó gọi là đa nguyên đó thôi.
Cần lập danh sách “Những biện pháp sai để chống chính quyền”
Tình cờ, tôi xem được trên youtube một clip ai đó quay ở trước Phước Lộc Thọ (California, Mỹ) cách đây mấy năm, khi một người đàn ông tên là Hùng Cửu Long từ Việt Nam qua. Theo chính ông cho biết trước đó, Hùng sẽ đến Bolsa trong áo dài màu đỏ cờ và ngôi sao vàng trên ngực áo, tượng trưng cho lá cờ Việt Nam hiện tại. Vì ai cũng biết Bolsa là thủ phủ của người Việt Nam tị nạn tại Mỹ nên hình ảnh ông Hùng mang đến thực sự là thách thức cho sự chịu đựng của họ.
Nhưng ở đời, có thách thức mới biết anh hùng chớ!
Cho nên những quan sát viên của vụ này, trong đó có tôi, đã thất vọng tột độ khi trông thấy ông Hùng vừa bước ra khỏi xe thì đã có một đám đông”nhảy vào tặng anh ta nguyên quả đấm, đá, giật điện thoại, đòi phá máy quay phim, có người hất luôn ly cà phê vào mặt” (trích https://fsaigon.blogspot.com/2016/11/hung-cuu-long-bi-canh-sat-bat-va-truc.html).
Ủa ủa gì kỳ vậy? Hùng ủng hộ quan điểm chính trị nào là quyền của anh ta, không ai được chỉ trích và phản đối anh ta sử dụng cái quyền ấy. Đã thế lại còn xâm phạm thân thể và tài sản của anh ta. Tôn trọng tuyệt đối tự do tư tưởng của mỗi người chính là nguyên tắc hòn đá tảng của thể chế dân chủ đó quý vị. Vậy mà tại sao có nhiều người Việt Nam sống ở đất nước dân chủ vài chục năm vẫn không hiểu nổi nguyên tắc ấy?
Tôi lại còn nhìn thấy một gương mặt đấu tranh dân chủ từng vô cùng lừng lẫy ở Việt Nam trước khi sang Mỹ, một phần vì bà vốn xuất thân sĩ quan an ninh, trong một gia đình có truyền thống cộng sản. Tôi trông thấy bà giấu một ít quả trứng trong tay, lom khom đi đằng sau, lén lút nhét vào tay người này người kia.
Họ dùng những quả trứng ấy ném vào người ông Hùng Cửu Long.
Hình ảnh rõ mồn một trên clip khiến tôi rơi rụng rất nhiều niềm tin vàonhững người tranh đấu, cụ thể là vào người phụ nữ ấy. Một gương mặt (từng) trí thức và dũng cảm mà còn hành xử -xin lỗi-đê tiện như vậy, thì lý do gì để tôi tin rằng (giả sử) một chế độ mới, do những người như bà dựng lên và quản lý nó, sẽ ưu việt hơn chế độ hiện tại? Bà hô hào dân chủ, nhưng hành xử thì không khác gì những kẻ mà bà thề không đội trời chung.
Còn những ví dụ khác. Như việc một nhóm đấu tranh dân chủ ở trong nước từng tranh cãi ầm ĩ đến nỗi lộ ra cả ngoài xã hội khi họ giành nhau quản lý nguồn tiền tài trợ hoạt động. Như việc một vị “anh hùng” thao thao bất tuyệt kêu gọi người khác đứng lên đi biểu tình, nhưng bản thân ông ta lại bị lột mặt nạ khi không hề bước chân ra tham gia với những người mà ông kêu gọi. Như việc có người phụ nữ từng ca ngợi ông vừa như đấng minh quân, vừa như người tình lý tưởng… một ngày nọ bỗng quay ngoắt tố ông lừa tình, lừa tiền v.v.
Tố lừa tình lừa tiền còn là việc diễn ra khá nhiều với một gương mặt trí thức đẹp trai sáng giá bậc nhất trong làng đấu tranh dân chủ công khai ở Việt Nam, từng được không ít người trong cuộc và có liên quan kể lại.
Tôi cũng không tin những nhà đấu tranh ăn ở không nhong nhỏng, không có công việc nuôi sống bản thân nào khác ngoài…” đấu tranh”. Đấu tranh để … lấy lương thì sẽ rất sợ một ngày không có gì để đấu tranh và… lương bị cúp. Vậy thì phải dựng chuyện, thêm thắt để tô vẽ cho “quá trình đấu tranh gian khổ dũng cảm” của mình.
Tôi đã từng ngồi ở trung tâm Sài Gòn trong một hôm cộng đồng đồn nhau sẽ có cuộc biểu tình lớn ở đây. Ngồi suốt từ hơn 7 giờ sáng đến tận xế chiều, chỉ thấy an ninh thắt chặt, người vắng hoe, ngoài ra không hề thấy đám đông biểu tình nào. 12 giờ trưa, chờ mãi hoang mang quá nên mở facebook, youtube của một số nhà đấu tranh lên thì thấy họ đang cuồng nhiệt hô hào “NGAY LÚC NÀY ĐÂY cuộc biểu tình đang diễn ra đồng loạt và sôi sục ngay tại quảng trường trước nhà thờ Đức Bà”, đi kèm những hình ảnh chụp cận cảnh vung tay phất biểu ngữ hết sức hùng hồn.
Hỏi những người buôn bán gần đó thì họ nói à có có, hồi sớm bửng 6 giờ sáng có một nhóm chừng trăm người tới giương biểu ngữ ngay trước nhà thờ á. Công an còn bảo vệ cho họ biểu tình nữa. Đâu chưa tới một tiếng thì họ giải tán đi hết.
Ông nội ơi Sài Gòn thứ bảy chủ nhật hổng ai dậy sớm 6 giờ sáng để mà ra đó biểu tình cùng, để tạo thành một đám đông hết trọi trơn! Biểu tình thì phải chọn giờ giấc phù hợp, ít nhất từ 8h 30 sáng để nhiều người kịp dậy và đi tới hưởng ứng, chớ gom đúng một nhóm”cốt lõi” loe ngoe trong một không gian vắng tanh vắng ngắt thì khác gì biểu diễn để quay phim chụp hình tung lên mạng, cốt lòe những người ở xa không biết sự thật!
Hài hước và trơ trẽn đến sặc cười!
Tuy nhiên, vẫn có những gương mặt đấu tranh thực sự đáng tôn trọng. Họ không ầm ỹ chống đối mọi động thái của chính quyền mà dùng kiến thức để phân tích và phản biện một cách thẳng thắn nhưng ôn hòa. Những phân tích đó giúp nâng cao hiểu biết của người dân, giúp họ thấy rõ phải trái đúng sai trong những việc làm của chính quyền, cũng như cách để thực hiện nó tốt hơn.
Nhân nói về đấu tranh ôn hòa
Dân Việt mình, tôi không giỏi sử nên không biết có đúng không, chứ có lẽ là sắc dân “ham vui” nhất thế giới! Hết người ta đánh mình thì mình đánh người ta, không ai đánh thì anh em trong nhà nghe mấy thằng hàng xóm dúi dao vào tay xông ra đánh lẫn nhau. Gần như không lúc nào yên ổn để làm ăn sinh sống. Vị trí địa lý có vai trò gì trong việc này không, có lẽ cũng có (tôi dốt luôn địa lý), nhưng vô số vị trí vàng trên thế giới người ta cũng căng lắm mà không đánh nhau, chỉ có mình hay đánh nhau quá, thì suy ra cá tính dân tộc cũng góp phần vào đây không ít thì nhiều.
Nhưng đánh mãi cũng mệt (bỏ mẹ). Nhất là dụi mắt nhìn lại thì hóa ra là anh em cật ruột mình tự đánh nhau đó chớ. Và nhất là khi vừa định ngả mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành thì thấy cha hàng xóm đã nằm nhún nhảy trên giường lò xo hạng nhất trong phòng máy lạnh, bên cạnh có ly sâm panh.
Thế là thôi thôi, xin cụ, chúng cháu nhất quyết giã từ vũ khí, về cầm cái xẻng đảo chảo thịt hay cầm con chuột rà máy tính, “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” (Nguyễn Đình Thi). Gia đình không phải ly tán, mạng sống còn nguyên, lại có thời gian gom góp tiền của sau này dưỡng già, hay gia truyền cho con cháu.
Xét ở tầm một đất nước thì cũng vậy thôi. Không gì bằng yên ổn để phát triển kinh tế, nước hùng cường, dân tiền của óc ách, đi đến đâu chìa cái hộ chiếu ra thì cả thế giới vừa nể, vừa thèm. Độc lập, tự do và hạnh phúc nó cụ thể ở đó, chứ không hề nằm trong những cái bánh vẽ.
Tóm lại là tuyệt đại đa số dân Việt Nam giờ kinh hãi đến tận cổ những gì là bạo lực, chiến tranh, lật đổ, làm lại từ đầu.
Nhưng thánh cũng biết nổi giận
Cho nên khi một số người tự xưng là đấu tranh dân chủ nhưng lại dùng chính biện pháp đối đầu trực diện và hô hào sự thay đổi bằng sức mạnh thì dễ hiểu là dân chúng trong lòng không ủng hộ họ. Có thể ngoài mặt phục, nể, nhưng thật tâm không ai muốn đi theo con đường lật đổ và bạo lực.
Có điều, từ phản biện đến đối đầu không phải một sớm một chiều. Tôi tin chắc rằng Đoan Trang, cũng như nhiều người đấu tranh dân chủ khác ở Việt Nam đều đã có xuất phát điểm là phản biện ôn hòa. Nhưng phản biện của họ không được lắng nghe, huống hồ gì là tiếp thu, ghi nhận. Chính quyền còn dùng nhiều biện pháp để (nói nhẹ nhất là) “làm khó” những người phản biện, từ cấm không cho viết trên mạng xã hội (với những người đang làm trong nhà nước), đến làm khó công ăn việc làm, gia đình, cuộc sống, dọa dẫm, và đỉnh điểm là bắt nhốt.
Tôi không rõ những biện pháp hành hạ mà Đoan Trang và những người khác mô tả có hoàn toàn đúng sự thật hay không (như không cho mang áo quần thay suốt nhiều ngày đầu tạm giam, đánh đập, rượt đuổi trong đêm khuya, từ chối chữa bệnh.v.v). Tôi cũng không tán thành cách Đoan Trang (và nhiều người khác) dần dần trở nên đối đầu sống chết với chính quyền. Nhưng tôi cho rằng trải qua nhiều năm bị phủ nhận quyết liệt, dù có là sắt đá thì cũng hận, cũng thù, và (mong là không phải vậy, nhưng) tâm lý con người khó có thể còn công bằng, khách quan như bản thân họ mong muốn. Hòn đất ném đi thì hòn chì ném lại, cứ thế mà mức độ thù ghét nhau tăng dần và nhiều khả năng sẽ tăng đến mức cực đoan. Không ai là thánh để có thể thấu hiểu và bao dung cho kẻ khác suốt nhiều chục năm, nhất là bao dung trên những tổn thương thể chất và tinh thần của chính mình.
Nhưng, như đã nói, cách đấu tranh đối kháng sinh tử và phủ nhận toàn bộ sẽ không lôi kéo được số đông người dân cùng thực hiện. Nếu có cảm xúc tuôn trào để phong tặng những người như Đoan Trang là anh hùng thì cũng phải công bằng nhìn nhận, đó là những anh hùng cô đơn.
Vậy thì con đường thực hành dân chủ nào cho Việt Nam?
Chúng ta thỉnh thoảng lại chép miệng “Dân nào thì chính quyền ấy”. Nhưng lý thuyết về chính quyền cũng cho thấy một khả năng song song: Chính quyền tốt sẽ tạo ra những người dân tốt.
Đối chiếu với thực tế Việt Nam, có thể hiểu nôm na chính quyền tốt là một chính quyền không lặp lại các sai lầm cốt tử của những chính quyền mà mình đã lật đổ.
Nếu phê phán chính quyền phong kiến là bảo thủ, “một người làm quan cả họ được nhờ”, diệt trừ các tài năng không có gốc rễ con ông cháu cha trong xã hội. Thì ta phải cởi mở với các quan điểm khác nhau, tiếp thu phản biện, diệt gia đình trị, chặt sạch vây cánh nhóm lợi ích.
Nếu phê phán Việt Nam Cộng hòa hưởng lạc, tham nhũng cực độ, dựa dẫm hoàn toàn vào viện trợ, không hề tự lực tự cường. Thì ta phải làm được như nói trong nghị quyết, tử hình các quan chức tham nhũng, học sản xuất từ cái đinh ốc học đi, không phải xuất khẩu lao động giá rẻ ra nước ngoài, bán được nông sản ra thế giới, đừng để mỗi năm mỗi ứ thừa kêu gọi giải cứu…
Dân chủ là để cho mỗi người đều được mở miệng (Hồ Chí Minh). Chỉ có nói thật, tranh cãi thật, phản biện thật thì mỗi người mới có thể phát triển bản thân và góp phần phát triển xã hội mà không sợ bị bắt giam.
Dạ tâm thư này xin gửi bác Trọng, xin bác lắng nghe lời em…
*Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
[1] Ghjkl;.;lkjhre2