Sau cuộc Đối thoại nhân quyền tại Hà Nội, Mỹ ra thông cáo cho biết cả hai nước cam kết tăng cường hợp tác thông qua các cuộc đối thoại và trao đổi có hiệu quả, một nhà hoạt động môi trường cho rằng cần giám sát và hỗ trợ để Việt Nam hoàn thành các cam kết cụ thể.
Theo Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ, hai chính phủ đã tổ chức Đối thoại Nhân quyền thường niên lần thứ 28 trong hai ngày 06-07/1, với sự tham gia của Trợ lý Bộ trưởng về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Mỹ – Dafna Rand cùng Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Rashad Hussain và Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế Phạm Hải Anh của Bộ Ngoại giao Việt Nam đại diện phía chủ nhà.
Theo đó, hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề nhân quyền, bao gồm việc thực hiện các khuyến nghị được đưa ra trong Đánh giá Định kỳ Phổ quát (UPR) của Liên Hiệp quốc về Việt Nam.
Một trong các khuyến nghị đáng chú ý của đại diện phái đoàn Mỹ tại Liên Hiệp Quốc hồi tháng 5 năm ngoái là “ngay lập tức chấm dứt việc cưỡng ép từ bỏ đức tin đối với các thành viên của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký và sửa đổi Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo để phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam”.
Hoa Kỳ cho biết đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do cho những cá nhân bị giam giữ bất công, tuy nhiên, không nêu rõ cá nhân nào. Trong cuộc đối thoại năm ngoái tại Washington, Mỹ nêu đích danh nhà báo Phạm Đoan Trang và hối thúc Việt Nam trả tự do cho bà.
Báo chí Nhà nước cho đến nay chưa đăng tải bất kỳ thông tin liên quan đến cuộc đối thoại này.
Phản ứng của giới hoạt động
Một thành viên của nhóm Vì một Hà Nội Xanh (sau đổi tên là Green Trees) nói với RFA về kỳ vọng đối với cuộc đối thoại trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh.
“Tôi hy vọng rằng sau cuộc đối thoại nhân quyền này Chính phủ Việt Nam sẽ có những hành động tôn trọng nhân quyền, cởi mở để người dân có thể đóng góp những ý kiến đa chiều, và tạo môi trường an toàn cho người dân được yên tâm cống hiến theo quan điểm độc lập cho các vấn đề xã hội và chính trị.”
Nhắc lại việc hàng chục người hoạt động đang bị cấm xuất cảnh hoặc bị từ chối cấp mới hộ chiếu, người này cho rằng Việt Nam cần xoá bỏ các hình thức trả thù người hoạt động bằng cách ngăn cản việc du hành ra nước ngoài của họ.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng, người từng bị kết án ba năm tù giam về tội danh “trốn thuế” liên quan đến các dự án môi trường được tài trợ bởi nước ngoài thực hiện bởi tổ chức phi chính phủ CHANGE, mới sang Hoa Kỳ định cư theo diện tị nạn chính trị sau khi được phóng thích sớm 20 tháng vào cuối tháng 9/2024. Từ Virginia, bà viết trong tin nhắn gửi RFA:
“Tôi nghĩ, quan trọng nhất là hai bên phải thống nhất được các cam kết cụ thể, và việc thực hiện cam kết sẽ cần được phía Hoa Kỳ giám sát và hỗ trợ khi cần thiết.”
Bà bày tỏ sự quan tâm và hy vọng hai bên đã thoả thuận về việc trả tự do cho hai người hoạt động trong lĩnh vực khí hậu đang bị giam cầm là ông Đặng Đình Bách và bà Ngô Thị Tố Nhiên.
Bà cũng mong Việt Nam thông qua Luật về Hội để các tổ chức cộng đồng, phi lợi nhuận như CHANGE được hỗ trợ nhiều hơn và không bị vướng vào các rủi ro pháp lý trong khi nỗ lực giúp chính phủ giải quyết các vấn đề xã hội quan trọng.
Theo bà, để giới trẻ và giới trí thức đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước, chính phủ cần tôn trọng quyền tự do ngôn luận nhằm khuyến khích người dân có ý kiến.
Quan sát nhiều cuộc đối thoại nhân quyền giữa các nước tự do đối với Việt Nam trong nhiều năm qua, một nhà hoạt động nhân quyền ở Hà Nội không hy vọng gì từ buổi nói chuyện giữa đại diện hai chính phủ. Ông nói trong điều kiện ẩn danh:
“Không thể phủ nhận những nỗ lực không ngừng của nhiều quốc gia trong các cuộc đối thoại như thế này, cần thiết cho các tiếng nói đối lập, các tù nhân chính trị, tự do hơn cho người dân Việt Nam; tuy nhiên, những đối thoại nhân quyền cần đi vào thiết thực hơn, có những chế tài răn đe nhất định nếu Việt Nam không thực hiện.”
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam với đề nghị cung cấp thêm chi tiết về cuộc đối thoại, nhưng chưa nhận được ngay câu trả lời.