Hiện mỗi năm Việt Nam mất khoảng 600 ha đất chủ yếu do lượng phù sa từ sông Mê Kông đổ về giảm quá mạnh nên chỉ có sạt lở mà không có bồi.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Hoàng Hiệp, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) được tờ Tiền Phong loan trong ngày 24/8.
Ông Hiệp cho biết sạt lở đang ngày càng mạnh hơn. Nguyên nhân là do lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã giảm khoảng 50% so với 20 năm trước, và dự báo đến năm 2050 giảm khoảng 70%. Ngoài ra, khi các thủy điện ở thượng nguồn được xây đầy đủ, lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn 5% và xem như mất gần hết. “Lượng phù sa về càng ít, dòng chảy càng mạnh dẫn đến sạt lở cũng mạnh hơn”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Ngoài ra, vẫn theo ông Hiệp, sạt lở không chỉ xảy ra vào mùa lũ mà còn xuất hiện vào mùa khô hạn, do một số vùng tuy không có nước ngọt nhưng vẫn sản xuất lúa; dẫn tới mực nước ngầm tụt đáy gây ra sạt lở như ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang…thời gian qua.
Để giải quyết tình trạng sạt lở ở ĐBSCL, ông Hiệp cho biết đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng đề án chống chịu biến đổi khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL, giải quyết những vấn đề căn cơ của ĐBSCL, trong đó gồm: Sạt lở, sụt lún, xâm ngập mặn, lũ lụt và thiếu nước sinh hoạt.
Hiện Bộ đã lấy ý kiến các địa phương và bắt đầu viết dự thảo lần thứ 1. Sau đó dự thảo sẽ tiếp tục được chỉnh sửa và lấy ý kiến địa phương, chuyên gia song song với các bộ, ngành. Dự kiến bộ sẽ trình Chính phủ vào cuối năm nay.