Chính phủ Việt Nam đưa ra Kế hoạch 141 để thực thi Nghị quyết 18-NQ/TW của Bộ Chính trị yêu cầu sắp xếp “bộ máy tinh gọn, hiệu quả.”
Đối với các cơ quan truyền thông, tuyên truyền, Kế hoạch 141 yêu cầu “kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam và xây dựng Đề án cơ cấu lại Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.”
Chính quyền Việt Nam không cho phép sự tồn tại của báo chí tư nhân. Việc đóng cửa hàng loạt các cơ quan truyền thông hoạt động kém hiệu quả có thể tiết kiệm được ngân sách nhưng khiến tình trạng độc quyền thông tin trở nên trầm trọng hơn.
Những tiếng nói tiếc nuối cho VTC
Tổng Bí thư Tô Lâm nói “chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng tất yếu, mà còn là yêu cầu cấp thiết để Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới.” Trên thực tế, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC là đài truyền hình kỹ thuật số đầu tiên của Việt Nam. Thế nhưng đây lại là một trong những cơ quan truyền thông bị khai tử. Có gì mâu thuẫn ở đây không?
Nhà báo Nguyễn Hồng Lam, Phó trưởng Cơ quan đại diện Cục Truyền thông Công an nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh, đặt vấn đề về việc đơn vị đầu tiên bị xóa sổ trong kỷ nguyên số mới bắt đầu.
Theo nhà báo Nguyễn Hồng Lam, “VTC đang khá mạnh. Biến mất vì không được tồn tại chứ không phải vì nó không thể tồn tại hay không đủ sức tồn tại.” Một người dân ở Sài Gòn chia sẻ với RFA trong điều kiện ẩn danh cho rằng “Mục đích của việc tinh giảm và sáp nhập là giảm chi phí cho ngân sách nhà nước, vì vậy, không nên xóa sổ những cơ quan có thể tự chủ về kinh tế. Bởi vì để những cơ quan có thể tự chủ về kinh tế hoạt động thì nhà nước không những không tốn kinh phí mà còn thu được thuế. Tại sao không sáp nhập hay giải thể những doanh nghiệp lỗ nghìn tỷ?”
Nhưng cũng có ý kiến không đồng tình với điều đó, xuất phát từ thực tế của các cơ quan truyền thông này. Một nhà báo ở Sài Gòn đã về hưu cho RFA biết là hầu hết các cơ quan truyền hình trong nước bây giờ thu hút được rất ít người xem, nguồn thu từ dịch vụ quảng cáo không đủ để duy trì hoạt động.
Cái chết tất yếu của VTC
VTC đã nhiều năm làm ăn thua lỗ, không còn nhiều khán giả, không bán được quảng cáo, và bị đẩy sang VOV từ năm 2015.
Từ khi thành lập năm 2008 đến năm 2015, Truyền hình kỹ thuật số VTC trực thuộc Công ty VTC, một công ty kinh doanh đa lĩnh vực như viễn thông (bán thẻ cào điện thoại), game điện tử, đào tạo… Năm 2015, Truyền hình VTC bị sáp nhập vào VOV (Đài tiếng nói Việt Nam) và cuối cùng đã bị khai tử. Khi sáp nhập, ông Bộ trưởng Truyền thông Thông tin Nguyễn Bắc Son cho biết việc sáp nhập “đưa Đài VTC từ một đơn vị gặp rất nhiều khó khăn đến chỗ bắt đầu có chênh lệch thu chi dương”. Như vậy, “gặp rất nhiều khó khăn” chính là nguyên nhân khiến cho VTC bị sáp nhập vào VOV.
Vấn đề chưa dừng lại ở đó. Năm 2019, đài truyền hình này nợ bảo hiểm xã hội của nhân viên 15 tỷ đồng. Các khó khăn tài chính của VTC được cho là bị nhà nước nợ cung ứng kinh phí thực hiện các chương trình truyền thông “công ích”. Ngoài ra, Đài truyền hình VTC được chuyển giao cho VOV (Đài tiếng nói Việt Nam) từ năm 2015 nhưng sau 4 năm, tính đến 2019, “việc bàn giao tài sản – tài chính vẫn chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến khó khăn cho cả hai đơn vị là Tổng công ty VTC và Đài VTC.” Câu hỏi đặt ra là liệu trong làn sóng sáp nhập các cơ quan nhà nước hiện nay, việc trì hoãn bàn giao tài sản giữa các cơ quan liệu sẽ kéo dài nhiều năm như đã xảy ra với Đài truyền hình VTC hay không.
Tiến sỹ Nguyễn Huy Vũ cho rằng bên cạnh hiện tượng “cha chung không ai khóc” của các doanh nghiệp nhà nước, cách các cơ quan nhà nước đối xử với doanh nghiệp do mình quản lý, những cơ quan truyền thông như VTC còn vướng vào một vấn nạn phổ biến của hầu hết các doanh nghiệp quốc doanh. Ông nói:
“Doanh nghiệp nhà nước luôn đối diện với một nguy cơ là bị rút ruột. Những người quản lý doanh nghiệp nhà nước luôn có xu hướng mượn doanh nghiệp nhà nước để đem lại lợi ích cho riêng họ. Cuối cùng, điều đó dẫn đến doanh nghiệp nhà nước thường xuyên thua lỗ.
Đây là hiện tượng khá phổ biến, không chỉ ở các công ty truyền thông mà là do bản chất của doanh nghiệp nhà nước. Họ luôn luôn kém hiệu quả. Bản chất của sự kém hiệu quả này là những người quản lý doanh nghiệp nhà nước luôn tìm cách mượn doanh nghiệp nhà nước để đem lại lợi ích cho mình, chứ không phải tối ưu hóa lợi ích cho nhà nước.
Đài VTC cũng tương tự như vậy. Nếu nó quản trị tốt nó sẽ có lời. Nhưng trong tình trạng sở hữu nhà nước thì rất khó có lời. Vấn đề là động lực của người quản lý sẽ không cao. Cho dù có lợi nhuận, họ sẽ chuyển lợi nhuận đó qua các ngả khác để đưa vào túi riêng của họ. Các doanh nghiệp nhà nước luôn luôn phải đối diện với chuyện đó. Bởi vì ông thủ tướng hay ông bộ trưởng không thể có thời gian kiểm tra từng doanh nghiệp ở dưới. Cách duy nhất các ông ấy có thể làm là cuối năm đi thanh tra nhưng chuyện thanh tra như vậy không có tác dụng gì.”
Điều đáng chú ý là Công ty VTC, công ty chủ quản của Đài VTC từ khi thành lập đến năm 2015, hiện nay vẫn còn làm ăn được. Không ai biết lý do công ty mẹ của nhà nước này lại đẩy công ty con thua lỗ của mình sang một đơn vị khác thay vì nuôi dưỡng nó.
Một nhà báo ở Việt Nam chia sẻ với RFA trong điều kiện ẩn danh cho rằng công nghệ và xã hội thay đổi quá nhanh. Theo nhà báo này, ngày nay phần đông công chúng trẻ tiêu thụ tin tức qua điện thoại thông minh, xem các chương trình giải trí cũng qua điện thoại. Hình ảnh thanh niên ngồi uống bia xem chiếc ti vi lớn đang ngày càng mất dần. Các sản phẩm truyền thông cũng phải thay đổi để thích ứng với chiếc điện thoại và phù hợp với cách tiêu thụ thông tin qua điện thoại. Các cơ quan truyền thông nhà nước được bao nuôi bằng bầu sữa ngân sách thì không có “áp lực sống còn” để cải cách, bắt nhịp với xã hội. Việc giải thể những cơ quan truyền thông không còn thu hút công chúng là điều tất yếu.
Vì sao không tư nhân hóa VTC?
Tự do báo chí là một trong những vấn đề cốt lõi trong quá trình cải cách để dân chủ hóa ở Đài Loan, Hàn Quốc những năm 1980, 1990.
Ông Tô Lâm ở Việt Nam hiện nay cũng đang tiến hành cải cách. Tiến sỹ Nguyễn Huy Vũ cho rằng mặc dù các nhà quan sát chưa thể biết cuộc cải cách đi theo hướng nào, đi tới đâu, nhưng có thể thấy trước là về mặt nguyên tắc chính trị, nếu ông muốn cải cách thì sẽ không để cho xuất hiện tự do báo chí. Bởi vì nếu tự do báo chí quá sớm thì sẽ mất kiểm soát.
Đối với Việt Nam, ông Hồ Như Ý, nhà nghiên cứu độc lập về Trung Quốc ở Ba Lan, cho rằng việc đóng cửa một số cơ quan truyền thông có thể là chỉ dấu cho thấy xu hướng kiểm soát xã hội ngày càng chặt chẽ hơn, “cố gắng tiến tới thống nhất tư tưởng trong xã hội.” Có thể Việt Nam đang đi theo bước chân của Tập Cận Bình trong lĩnh vực truyền thông, theo nhà nghiên cứu từng dịch 5 cuốn sách về Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là tại sao không để cho các cơ quan báo chí tự thu, tự chi, tự hoạt động, vì điều đó không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước?
Nhà nước sẽ vướng vào một vấn đề nan giải nếu để cho các cơ quan truyền thông này tự thu, tự chi, tự hoạt động. Đó là nếu các doanh nghiệp này tự chủ, sống được bằng cách phục vụ người dân, họ dần dần sẽ đi theo các xu hướng đáp ứng nhu cầu tinh thần của dân trong xã hội. Lúc này nhà nước có thể mất kiểm soát. Đó là kiến giải của TS Nguyễn Huy Vũ.