Công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) triệu tập một người đàn ông lên trụ sở làm việc nhưng ông này tử vong không lâu sau đó với nhiều vết bầm tím trên cơ thể, có dấu hiệu bị tra tấn.
Vào sáng ngày 22/3, ông Vũ Minh Đức, 31 tuổi, được vợ và anh ruột đưa đến trụ sở công an huyện Long Thành theo giấy triệu tập để làm việc về một vụ “gây rối trật tự công cộng” xảy ra ở xã An Phước vào đầu tháng 10/2023.
Một người thân không muốn nếu danh tính cho biết, công an đưa ông Đức vào phòng làm việc lúc 10 giờ 30 và yêu cầu hai người thân ra ngoài. Người này thuật lại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 23/3:
“Anh trai của Đức với vợ Đức có đưa Đức lên đó để trình diện, lúc đi thì Đức hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh tật, không có bệnh lý gì hết.
Tới 3 giờ chiều, điều tra viên gọi điện cho vợ Đức kêu vô ký một số giấy tờ. Vợ Đức tới thì điều tra viên thông báo là lúc lấy lời khai Đức bị ngất xỉu đưa vô bệnh viện đa khoa để cấp cứu rồi.”
Một người em trai của nạn nhân kể với báo Pháp luật online rằng công an yêu cầu vợ ông Đức ký giấy “liên quan đến bệnh lý” nhưng không nói rõ văn bản này như thế nào.
Khi đến bệnh viện Đa khoa huyện Long Thành, gia đình được thông báo là đã chuyển ông Đức lên Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh).
Bác sĩ Chợ Rẫy sau đó nói rằng ông Đức đã mất vào lúc 9 giờ 30 tối cùng ngày, với đa chấn thương. Người thân thuật lại khi nhìn thấy thi thể của ông Đức:
“Có nhìn thấy thi thể và chụp lại mấy tấm hình. Thấy cũng có mấy vết bầm, trên miệng giống như có ộc máu ra vậy đó. Kết luận của bệnh viện là bị đa chấn thương, có những vết bầm trên thân thể.”
Theo một số bức hình mà gia đình cung cấp, trên phần cẳng chân trái của nạn nhân có vết thương, khu vực cổ và miệng cũng có vết bầm cùng máu khô, phần phía sau của đùi trái thâm tím.
Báo chí nhà nước cho hay, gia đình đã đề nghị Viện Pháp Y Quốc gia phối hợp công an tỉnh Đồng Nai, công an huyện Long Thành khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân dẫn đến tử vong.
Ngày 25/3, gia đình đã nhận xác ông Đức về mai táng.
Phóng viên gọi điện trực tiếp cho điều tra viên Lưu Quang Trung, thuộc Đội Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự xã hội (công an huyện Long Thành) theo số điện thoại ghi trong giấy triệu tập nhưng người này không nghe máy.
Phóng viên cũng gọi điện cho công an huyện để chất vấn về vụ việc, tuy nhiên cán bộ trực máy đề nghị phóng viên đến gặp lãnh đạo tại trụ sở cơ quan để được cung cấp thông tin.
Ông Đức là lao động chính của gia đình có hai con, con thứ hai mới được gần một tuổi.
Vụ việc “gây rối trật tự xã hội” mà ông Đức bị triệu tập xảy ra vào ngày 07/10/2023. Khi đó, ông này cùng một số bạn ăn nhậu ở một quán ở ấp 5, xã An Phước và xảy ra cãi vã với chủ quán khi tính tiền.
Theo tường thuật của người thân ông Đức, chủ quán khi đó gọi bảo kê mang theo dao và súng tới đánh dằn mặt. Một người trong nhóm ông Đức cướp được hung khí và đánh trả khiến vài người trong nhóm bảo kê bị thương phải nhập viện.
Vụ việc được camera an ninh ghi lại và những đối tượng trong nhóm bảo kê bị công an bắt, những người trong nhóm của ông Đức chạy thoát.
Gần đây, công an Đồng Nai đưa giấy mời ông Đức lên làm việc nhưng ông từ chối cho đến khi có giấy triệu tập của công an huyện Long Thành.
Tình trạng nghi can chết trong đồn công an hoặc nhà tạm giam, tạm giữ xảy ra phổ biến ở Việt Nam cho dù quốc gia này đã chính thức trở thành thành viên của Công ước chống Tra tấn năm 2015.
Theo thống kê của RFA, có ít nhất 16 người chết trong đồn công an hoặc trại tạm giam trong giai đoạn 2018-2021.
Trong một số trường hợp, khi gia đình đòi công lý cho nạn nhân lại bị trả thù. Điển hình là trường hợp ông Đào Bá Cường ở Tuy Hoà bị kết án hai năm tù vì “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự vào cuối năm 2023 chỉ vì ông gửi đơn đến các cơ quan chức năng đòi làm sáng tỏ cái chết của con trai Đào Bá Phi, người bị chết trong đồn công an vào tháng 10/2022.