Mấy tháng mùa hè này ở biển chính là cao trào của du lịch chụp hình. Xu hướng này thế giới có từ lâu, nhưng Việt Nam mình nghèo, dĩ thực vi thiên (lấy ăn làm đầu), mãi mới có dư tí tiền để ngoài ăn còn đi chơi loanh quanh thì mấy năm nay mới rộ lên phong trào này. Nhưng cũng hoành tráng lắm!
Sáng nọ, trong sảnh khách sạn Quy Nhơn, có một nhóm năm chị khoảng 60-70 tuổi diện rất bài bản: năm chiếc maxi nhiều tầng, gần như cùng kiểu, chỉ khác màu. Năm người năm màu: tím ngát, hồng cánh sen, đỏ tươi, cam và xanh biếc. Dưới chân, đôi giày thể thao trắng mới tinh.
Hành trình của tôi trùng với họ: đi xe từ trung tâm Quy Nhơn đến vùng biển Kỳ Co-Eo Gió ở huyện Nhơn Lý cách mấy chục cây số. Ngồi xe điện (chạy bằng xăng) ra bãi biển. Lội khoảng nước đến đầu gối để trèo lên ca nô. Từ ca nô trèo lên cầu cảng. Qua cổng bán vé thì xuống một hòn đảo nhỏ có bãi tắm rất đẹp. Đi lên đi xuống nhiều chặng như thế nhưng các chị vẫn quyết tâm mang theo mấy chiếc valy.
Tôi đoán các chị sẽ lấy trong vali ra mấy chiếc khăn mỏng khổ rộng thật sặc sỡ nữa. Y như rằng! Kẹp thêm chiếc mũ cói rộng vành, các chị đã đủ combo chụp hình xinh lung linh trên biển.
Nhìn quanh, hầu như tất cả đàn bà con gái khắp bãi biển, bất kể độ tuổi, ngoại hình, đều đang phấp phới trong những chiếc khăn choàng sặc sỡ, hoặc thướt tha trong vô số kiểu maxi đủ màu sắc.
Như thế là chuẩn giáo trình phục trang đi biển luôn đấy: ít nhất ba bộ bikini, vài chiếc khăn choàng khổ lớn màu và họa tiết thật rực rỡ, lúc quàng quanh eo, lúc thắt lên đầu, lúc choàng qua vai, lúc cầm hai tay giơ cao cho gió thổi bay tung ra phía sau. Phải mặc maxi thật mỏng, thật rũ, may rộng hoặc nhiều tầng, càng bánh bèo và màu sắc càng đỏ tươi, vàng rực, tím cả trời chiều, hay bảy sắc cầu vồng càng ưng. Gu sexy thì hở nửa lưng, hở cổ, hở vai, hở ngực. Gu thanh thuần thì thiên về trắng tinh và các màu nhàn nhạt, kín cổng cao tường nhưng xếp nếp bèo nhún càng nhiều càng tốt. Mũ cói rộng vành, dép cói, túi cói, bông tai to bản. Tóc xoăn nhẹ thả dài. Đi lại vất vả tí nhưng úi giời ơi, chụp hình lên phây có mà hết nước chấm!
Tính ra một tour đi biển phổ biến khoảng bốn ngày ba đêm, các nàng phải xài ít nhất mười mấy bộ đồ, chủ yếu để chụp hình. Nếu sắm mới hết chỉ để mặc một lần check in sống ảo thì đau túi phết đấy! Nên lâu nay, ở bất cứ điểm du lịch nào cũng đầy các tiệm cho thuê trang phục chụp hình đầy đủ và chuyên nghiệp, cập nhật các xu hướng thời thượng nhất mà giá chỉ bằng 1/5, 1/6 giá mua mới.
Phụ nữ là số một. Phụ nữ (nắm ví tiền của gia đình) thì đỉnh của đỉnh. Nhiều người lên báo kể mỗi năm đi chơi ba bốn đợt, mỗi đợt đều kỹ lưỡng mua sắm quần áo phụ kiện mới để chụp hình. Để có quỹ ảnh ngàn tấm hình lộng lẫy úp cả năm lên phây thì vài ba triệu đáng là bao. Đầu tư phải chấp nhận tốn kém chứ. Thêm ít tiền thuê anh chụp ảnh đi cùng. Chọn góc, canh ánh sáng. Về chỉnh nét chỉnh màu các thứ. Lung linh là lên luôn!
Các tiệm còn có sơ mi, quần short, mũ cói cho đàn ông để chụp hình đôi, hình gia đình. Có trang phục boho (kiểu của dân bohemian): váy rộng dài quét đất nhiều họa tiết phóng khoáng, vòng cổ, vòng tay, vòng tai trĩu nặng nhiều màu, khăn quấn đầu đủ sắc, dép da đan dây hoặc dép cói… để chụp tại những nơi đền chùa cổ kính u tịch, về tha hồ mà thay ảnh cho hạp lý. Có cả những chuyên gia dạy tạo dáng chụp hình du lịch: ngồi một mình trước biển, gió tung bay tóc dài. Tay xách váy, tay xách đôi dép cói nhẹ bước trên bờ biển sóng gợn lăn tăn, mắt nhất quyết không nhìn thẳng vào máy ảnh hay điện thoại (quê lắm!) mà phải nhìn ra xa xa, cười rạng rỡ như đang thấy thần tài gõ cửa.
Biểu sao mà thấy cứ mùa hè là trên phây ngập tràn hình ảnh du lịch biển trời non nước đẹp hú hồn, coi xong là khiến người ta ngọ nguậy không yên, chỉ muốn xách valy lên (nhồi vô một đống maxi và khăn choàng) rồi đi (chụp hình, úp phâyyyyyyyyyy).
Khổ nhất chính là các chàng bạn trai thôi. Phe này chính là ngựa thồ đồ đoàn của nàng lên xe, xuống canô, lên cầu cảng, xuống bãi biển, lên vách đá, xuống khe cạn… hay bò nhoài ra đất để chụp hình để thấy chân nàng dài như đại lộ Đông Tây. Tôi thấy một nhóm các cô gái đứng ngay bên gốc cây chỗ người qua kẻ lại nườm nượp để thay đầm. Người như kiến, biết tìm được chỗ nào vắng. Bên trong họ mặc sẵn áo thun, quần short nên cởi bỏ cái đầm dài rộng ra cũng không ngại lắm. Vali phụ kiện mở rộng đặt ngay trên đất. Dặm lại má phấn, đánh lại môi son. Giữa thiên nhiên, trông ai cũng xinh đẹp. Chỉ mấy anh chàng đi theo là mướt mồ hôi như nô tì Isaura.
Các nhà đầu tư du lịch hiểu tâm lý đối tượng khách hàng này lắm nên chỗ nào họ cũng cài bẫy check in được. Đố nàng nào thoát! Nào những chiếc võng lưới trắng cheo leo trên đá, nào các khung cửa nhiều màu in rõ lên nền trời xanh ngắt, nào những trái tim xù lông bằng cành cây, lá buông, lá cọ, nào những ngôi lều trên cát trắng, nóc treo các dải vải đủ màu phất phơ theo gió, nào vài chiếc thuyền con con gác chèo ngủ say trên bãi cát… Chẳng tốn kém bao nhiêu, mà kéo khách tốt quá chừng. Biển Việt Nam mùa này lên ảnh chỉ có mà ngất ngây, và ai mà chả thích được khen?
Mạng xã hội kích phát nhu cầu được nhận biết và khen ngợi của con người, nên từ biển, đến sen, đến tam giác mạch Hà Giang, cứ mùa nào chụp ảnh đẹp là mạng xã hội tràn ngập những bức ảnh làm người xem nao nức. Được khen tới tấp nên nhiều người gần như chỉ đi du lịch để chụp hình check in. Đi chơi xong về hỏi ở chỗ ấy có gì hay ho thì cứ ngớ ra. Họ đi đến tất cả các điểm nhưng cũng gần như không đến điểm nào, vì mải thay váy chụp ảnh mất rồi nên không còn mắt để quan sát, ngắm nghía cảnh vật thật.
Nên ban đầu tôi cũng buồn cười và hơi chê. Nhất là năm ngoái, trào lưu chụp hình yếm đào với sen ở miền Bắc kéo theo cả những phụ nữ… đại liên (tức là hết cả trung niên rồi) chụp ảnh khoe thân. Các bà các chị mặc độc chiếc yếm (bố của sexy), khoe hết cả những nét không còn ưa nhìn như thời thanh xuân, vòng một chiếm chỗ vòng hai, vòng hai lao xuống vòng ba, vòng ba trĩu nặng dưới sức hút trái đất… quả thật rất khó để bấm một cái like chân thành.
Nhưng nghĩ lại, mình là ai mà chỉ trích sở thích của người khác? Niềm vui rất giàu tính cá nhân. Như nhóm các chị O60 nói ở đầu bài chẳng hạn, chắc họ vui lắm. Vui từ lúc bàn nhau chọn kiểu, chọn màu đầm để mặc đi chơi, đến lúc đi mua sắm, thử mặc, thử tạo dáng chụp hình với nhau. Úp phây xong bạn bè hay friends vào likes và khen lia lịa, đọc đến đâu miệng cười như hoa đến đấy. Quên ông chồng già, đám con gây phiền não, đám cháu gây nhức đầu, thấy đời thanh xuân trở lại. Ít nhất cũng đủ sức tiếp sinh lực cho thân chủ kiếm tiền (hay lên kế hoạch) đi chơi chuyến sau. Thế là đủ vui và có lợi lạc cho sức khỏe rồi.
Và có lẽ các nhà đầu tư du lịch, những quan chức quản lý du lịch phải cảm ơn và dành một khoản thưởng xứng đáng cho những tín đồ du lịch chụp hình, cho ai có nhiều tấm ảnh check in địa điểm du lịch lan tỏa hoặc gây hiệu ứng tích cực nhiều nhất. Vì những tấm ảnh được đầu tư công phu của họ, ghi lại tất cả các khoảnh khắc đẹp nhất ở những danh thắng có khi còn nguyên sơ chưa được khai phá đã góp phần thổi bùng phong trào du lịch đến đó, mặc kệ sự thật là bản thân họ có khi chỉ kịp chụp hình chứ không có thời gian trải nghiệm. Họ chính là các đại sứ không công nhưng cần mẫn và nhiệt tình nhất để quảng bá du lịch địa phương. Hơn đứt các chương trình nặng nề, xơ cứng và cách quảng bá tốn tiền nhưng lạc hậu của (hầu hết) cơ quan quản lý du lịch Nhà nước.
TP HCM đang hết sức tìm kiếm các sản phẩm du lịch địa phương để thu hút du khách, kiếm tiền bù trận đại dịch. Quận Tân Phú đưa ra tour chui địa đạo Phú Thọ Hòa, chui địa đạo. Má ơi rồi chụp hình check in ở đâu? Váy áo khăn tóc mốt mới nhất có dịp nào khoe ra? Chả lẽ chụp hình úp phây khoe mấy cái quần short, mũ tai bèo, tóc tai mặt mũi mồ hôi lấm lem vì chui địa đạo?
Nhiều nơi đang đề xuất các tour kiểu tham quan di tích nơi Bác Hồ từng đến thăm hay lưu trú. Rồi “Hóc Môn – Vùng đất lịch sử”, “Quận 12 – Còn bao điều mới lạ”, thăm di tích Ngã ba Giồng, nhà truyền thống chiến khu An Phú Đông, bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, Ký ức biệt động Sài Gòn… nghe ái ngại quá. Du lịch tức là đi chơi, mà hơn cả đi chơi còn là cái thú lúc về chọn ảnh úp phây như chúng ta đã nói ở đầu. Các điểm đến nghiêm trang, nặng tính lịch sử cách mạng rất khó có thể thu hút khách du lịch bền vững, trừ phi nó được quy hoạch vào nhóm tour bắt buộc cho các trường học để “Về nguồn” hay giáo dục lịch sử. Nhưng thế thì không phải là kinh doanh, không thuộc chương trình kích cầu du lịch như TP HCM đang mong muốn.
Thay vì đó, về lịch sử và văn hóa, các nhà quản lý du lịch Nhà nước nên đầu tư chăm sóc những bảo tàng hiện tại, chớ để nó biến thành nơi nuôi gián như bây giờ. Nhất là học cách làm “du lịch đầm maxi”, tìm hiểu du khách, học hỏi các đơn vị tổ chức du lịch tư nhân để nắm được nhu cầu và cách phục vụ của họ.
Du lịch chụp hình không tốn kém cho chủ đầu tư, mà chỉ tăng thêm lượng khách và tiền cho họ. Nghe cái tên có vẻ phù phiếm, nhưng cái gì tồn tại thì nó có lý. Đặc điểm thực tế này cần được xem xét nghiêm túc và tính toán trong các kế hoạch tái tổ chức và kích cầu du lịch.
____________________
Tham khảo:
https://www.phunuonline.com.vn/truong-ban-nga-ba-giong-cung-loat-dia-danh-sap-don-khach-du-lich-a1471218.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.