Du lịch Việt Nam thua Campuchia và Lào về hiệu quả!

Sau 11 tháng Việt Nam chỉ đón 2,7 triệu lượt khách du lịch, dự kiến đến hết năm 2022 nhiều nhất đón 3,5 triệu, thấp hơn so với chỉ tiêu 5 triệu đề ra hồi đầu năm. Số liệu vừa nói được đưa ra Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam hôm 21/12/2022.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Việt Nam đã ‘đi trước, về sau’ trong phục hồi du lịch quốc tế. Vì Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực, khi mở cửa du lịch vào ngày 15/3/2022, nhưng vẫn không đạt mục tiêu đón 5 triệu khách du lịch trong năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Du lịch Lửa Việt, hôm 21/12 cho biết ý kiến:

“Việt Nam mình vẫn cứ chăm bẩm lượng khách vào, trong khi quan trọng nhất là tính hiệu quả, là phải căn cứ chi tiêu của khách bao nhiêu mới là quan trọng. Thứ hai là tỷ lệ khách trở lại, tôi đơn cử Thái Lan lượng khách của họ chỉ xếp thứ 10 thế giới, nhưng doanh thu xếp thứ tư, đó là bậc thầy làm sao để khách móc túi chi tiêu.”

Việt Nam mình vẫn cứ chăm bẩm lượng khách vào, trong khi quan trọng nhất là tính hiệu quả, là phải căn cứ chi tiêu của khách bao nhiêu mới là quan trọng.
-Ông Nguyễn Văn Mỹ

Theo một báo cáo của Dự án về nâng cao năng lực du lịch trách nhiệm ở Việt Nam, do Liên minh Châu Âu tài trợ cho biết, chỉ 6% du khách nước ngoài quay trở lại Việt Nam lần hai.

Một hướng dẫn viên du lịch thâm niên khi trả lời RFA liên quan việc khách du lịch chỉ đến Việt Nam một lần, nhận xét:

“Khách du lịch có nhu cầu về mua sắm, vui chơi giải trí rất cao. Trong khi đó, ở Việt Nam những dịch vụ đó vẫn còn yếu so với Malaysia, Singapore và Thái Lan. Vì thế, những du khách này chỉ đến một lần thôi và không quay trở lại. Họ đến Việt Nam để xem có những danh lam thắng cảnh. Nếu để đi mua sắm, đi chơi thì họ trở lại những nước khác.”

Một số chuyên gia Hội đồng Tư vấn Du lịch khi phát biểu tại Hội nghị hôm 21/12 cho rằng, chính sách visa chưa mới, ít sản phẩm nổi bật, mức độ sẵn sàng chưa cao là các nguyên nhân khiến mục tiêu 5 triệu khách quốc tế thất bại.

Ông Chris Farwell, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch đưa ra dẫn chứng tại Hội nghị hôm 21/12, được truyền thông nhà nước trích dẫn cho biết hiện Việt Nam miễn visa cho 24 quốc gia và vùng lãnh thổ, với thời gian đa phần 15 ngày, một số nước Đông Nam Á 30 ngày… Trong khi Thái Lan miễn cho 65 quốc gia, với thời gian 90 ngày. Nhiều quốc gia Đông Nam Á thậm chí đã bắt đầu thực hiện chương trình ‘Thị thực vàng’ kèm thời gian lưu trú đến 20 năm, và nhiều quyền lợi để hút khách du lịch.

Với thất bại của du lịch Việt Nam hiện nay, ông Mỹ cho biết về nguyên nhân không có gì mới, đã nói từ lâu rồi và rõ ràng có nhiều vấn đề. Với ý kiến của một số thành viên quan trọng trong Hội đồng Tư vấn Du lịch của Chính phủ cho rằng du lịch đi xuống là do Việt Nam chưa miễn thị thực cho nhiều nước như Thái Lan và cho rằng visa là chìa khóa quan trọng để khách đến nhiều hơn… thì Ông Nguyễn Văn Mỹ không đồng tình với ý kiến này:

“Theo tôi visa cũng cần, nhưng nó không quyết định tất cả. Mỹ kiểm soát visa rất chặt, nhưng Việt Nam vẫn xếp hàng để đi; Nhật và Hàn Quốc có miễn visa cho Việt Nam đâu, nhưng tại sao Việt Nam vẫn ào ào đi. Visa chỉ là một phần, quan trọng là nội dung có gì hấp dẫn hay không? Chứ mở cửa thoải mái rồi, khi khách vào Việt Nam tình trạng ô nhiễm không được cải thiện, vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm, giao thông hỗn loạn, an ninh xã hội… không giải quyết thì có miễn thị thực hết cả thế giới cũng không bằng Thái Lan được.”

Cho nên theo ông Mỹ, đừng đổ thừa tại visa. Ông Mỹ cho rằng thật ra visa Việt Nam không đến nỗi quá khắt khe, nếu mở thêm được càng tốt nhưng quan trọng và dễ làm nhất đó là thay đổi tinh thần, thái độ phục vụ. Ông nêu dẫn chứng:

“Người ta nói nhiều về các cửa khẩu biên phòng, hải quan có thể do làm việc căng thẳng nên mặt lúc nào cũng đăm đăm, rất ít khi chịu khó cười với khách. Mình ra nước ngoài mình thấy hải quan và biên phòng các nơi niềm nở, lúc nào họ cũng tạo ấn tượng. Đó là cửa ngõ vào nhà mà chủ nhà khó chịu thì họ sẽ có tâm lý cho rằng người ta không muốn mình tới.”

img3946-16716021205101319841044.jpg
Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam hôm 21/12/2022. Courtesy chinhphu.vn

Tạp chí Forbes vào năm 2020 đã cho rằng, Việt Nam đầu tư quá ít vào du lịch với chỉ 2 triệu USD. Theo thẩm định của Forbes thì khoản đầu tư này không thể đáp ứng tiềm năng và tham vọng của ngành du lịch khi muốn tăng doanh thu và nâng lượng khách quốc tế lên.

Một người không muốn nêu tên làm trong ngành du lịch, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho biết:

“Bởi vì chính phủ chưa quan tâm sâu sắc và chưa đầu tư cho ngành du lịch một cách sâu rộng, nên những năm gần đây mình thua thiệt so với các nước trong khu vực. Chúng tôi mong chính phủ ra một nghị định cho ngành du lịch, cần một người đứng mũi chịu sào để ngành du lịch phát triển hơn nữa. Trong khi chúng ta coi ngành du lịch là một ngành kỹ nghệ không khói nhưng nếu chúng ta không đầu tư một cách bài bản thì lượt khách quốc tế đến Việt Nam không thể lớn mạnh được. Còn nếu chúng ta làm được những điều đó thì chắc chắn ngành du lịch Việt Nam sẽ cất cánh và sẽ chiếm ít nhất là 10% GDP của Việt Nam.”

Những việc nhỏ thôi có thể tạo ấn tượng rất tốt, tại sao mình không làm mà cứ đòi chuyện gì ghê gớm.
-Ông Nguyễn Văn Mỹ

Việt Nam có thể thua các nước phát triển hơn ở Đông Nam Á về cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ, nhưng theo ông Mỹ, nếu thua về tinh thần, thái độ phục vụ thì khó mà chấp nhận được. Ông nói tiếp:

“Những việc nhỏ thôi có thể tạo ấn tượng rất tốt, tại sao mình không làm mà cứ đòi chuyện gì ghê gớm. Về visa, do thể chế Việt Nam khó để mà miễn được thì tại sao Việt Nam không thể chấp nhận ‘Visa Arrival’ tức cấp ngay tại cửa khẩu cho du khách như là các nước kể cả Lào và Campuchia. Không hiểu tại sao cứ phải bắt qua một trung gian khác, thứ nhất là mất thì giờ, thứ hai là tốn kém thêm, những cái đó đâu phải vì an ninh. Những việc đó không phải là quá tầm tay, cũng có thể làm một việc khác, đó là khách vào Việt Nam bằng đường hàng không chưa miễn thị thực, thì miễn tiền làm thị thực. Thật ra họ vào Việt Nam xài vài ngàn đô, thì mình miễn cho họ hai ba chục đô có gì đâu, tại sao mình không làm được.”

Nếu đối chiếu số liệu lượng khách và doanh số với Campuchia và Lào thì ông Mỹ cho biết, hiệu quả gấp mấy lần Việt Nam. Năm 2019, với dân số 97 triệu, Việt Nam đón được 18 triệu khách… Nhưng Campuchia 16,5 triệu dân đã đón được 6 triệu khách, đặc biệt Lào dân số có 7,5 triệu, không có biển, chỉ có rừng, đồi núi… nhưng năm 2019 đón 4,8 triệu khách. Như vậy theo ông Mỹ, nếu xét trên tỷ lệ đầu khách thì Lào và Campuchia làm du lịch giỏi hơn Việt Nam gấp mấy lần.

Related posts