Đưa tin trung thực bị coi là “bôi nhọ, xuyên tạc”?

Một số tờ báo Nhà nước Việt Nam gồm báo Nhân Dân, báo Công an Nhân dân, báo Đảng Cộng sản Việt Nam luôn có những bài viết trong mục “chống diễn biến hòa bình” như “Cảnh giác với chiêu trò mới của các thế lực thù địch trên không gian mạng”; “Lật tẩy thủ đoạn “thao túng tâm lý” của các thế lực thù địch, phản động”; “Lật tẩy chiêu trò đả kích, bôi nhọ của các thế lực thù địch sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần” …

Nội dung những bài viết vừa nêu cáo buộc những cơ quan báo chí hải ngoại “đưa tin không trung thực” về một vấn đề nào đó xảy ra tại Việt Nam. Tác giả những bài báo “chống diễn biến hòa bình” dùng những từ ngữ như “đả kích”, “bôi nhọ”, “thao túng tâm lý”, “xuyên tạc” gán cho cách đưa tin của những cơ quan truyền thông không phải thuộc Chính phủ Việt Nam.

“Thế lực thù địch, phản động” được liệt kê ra là những cơ quan truyền thông Việt ngữ ở hải ngoại, những nhà báo tự do ở nước ngoài, những facebookers đưa tin về Việt Nam.

Vì sao có tình trạng đó?

Nhà báo Lê Trung Khoa, Thoibao.de nói với RFA:

“Đối với các blogger, báo chí hoặc mạng truyền thông, mạng xã hội tự do ở hải ngoại và một số người ở trong nước… chỉ nói lên tiếng nói tự do của họ mà thôi. Với chúng tôi, chúng tôi có những nguồn thông tin riêng tương đối chính xác để báo trước những sự kiện xảy ra trong nước, chẳng hạn như tin ông Nguyễn Phú Trọng chết vì lý do gì. Hay trước đây là trường hợp Vương Đình Huệ hay Võ Văn Thưởng, chúng tôi đều đưa tin từ rất sớm.

Điều đó đương nhiên ĐCS Việt Nam họ không muốn, vì người dân khi biết sự thật sẽ không còn tin vào báo chí của đảng nữa mà họ sẽ tìm đọc báo chí hải ngoại. Đấy là nguy cơ có thể làm cho ĐCS Việt Nam bị rối loạn, thậm chí sụp đổ khi đến một lúc nào đó, khi người dân tích tụ nguồn thông tin, biết được tất cả sự thật về ĐCS.

Điều đó thật sự nguy hiểm cho đảng cho nên họ muốn chặn nguồn thông tin này bằng cách vu cáo truyền thông, mạng xã hội hải ngoại”.

Trong bài viết “Lật tẩy chiêu trò đả kích, bôi nhọ của các thế lực thù địch sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần”, tác giả cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần là một mất mát vô cùng to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nhưng các “thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị” lại đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận những cống hiến, đóng góp của ông Trọng.

Cũng theo tác giả bài viết, mục đích của các “thế lực thù địch” là nhằm bôi xấu, kích động chia rẽ trong nội bộ, gây nên sự phân tâm trong các tầng lớp nhân dân về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của ông Trọng, tạo ra sự lo lắng về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phá hoại khối đoàn kết trong Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc nói với RFA:

“Trong chế độ cộng sản Việt Nam, tất cả những thông tin của báo chí đều do nhà cầm quyền đưa ra. Những thông tin đó mang tính một chiều và không hoàn toàn phản ánh đúng sự thật những diễn biến tại Việt Nam, đặc biệt trong cái chết của ông Nguyễn Phú Trọng. Trong khi đó, báo chí tiếng Việt hải ngoại hay những tờ báo của những nhà hoạt động ở bên ngoài Việt Nam có những nguồn tin riêng từ nội bộ tiết lộ ra. Họ đưa lên báo để giúp người dân trong nước có cái nhìn hai chiều về một sự kiện; họ so sánh những thông tin của nhà nước Việt Nam đưa ra với thông tin từ cộng đồng người Việt ở hải ngoại để cân nhắc.

Việc vạch ra sự sai trái mà theo cách gọi của nhà nước cộng sản Việt Nam là “đả kích, bôi nhọ” là không đúng. Vì bạn đọc sẽ là người công tâm nhất xem thông tin nào đúng, thông tin nào sai và họ sẽ tin theo tuyên truyền của nhà nước hay tin theo báo chí người Việt ở hải ngoại”.

453039470_8743814118968375_7704129942519374831_n.jpg
Bài viết của LS Mạnh bị chặn tại VN hôm 26/7/2024

Việc ngăn chặn bài viết của các nhà báo, blogger, facebooker ở nước ngoài với mục đích hạn chế người dân trong nước tiếp cận bài viết, là điều xảy ra với Luật sư Đặng Đình Mạnh, hiện sống tại Hoa Kỳ.

Ông kể, hôm 20 tháng 7 vừa qua, một ngày sau khi ông Trọng mất (theo truyền thông nhà nước), ông đăng tải bài viết tựa đề “Tương lai nào cho Tân Tổng bí thư” trên trang mạng xã hội Facebook có nội dung nêu đánh giá chủ quan của ông về tình hình chính trị ở Việt Nam. Chỉ vài phút sau, hệ thống của công ty Meta báo cho ông biết bài đã bị gỡ với lý do “Có vẻ như bạn đã cố thu thập thông tin nhạy cảm của người khác”.

Năm ngày sau, ông đăng tải lại bài viết thì cũng một ngày sau (26 tháng 7), hệ thống của công ty Meta lại thông báo cho biết rằng họ nhận “yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đề nghị hạn chế khả năng tiếp cận bài viết”. Theo đó, bài viết sẽ không được hiển thị tại Việt Nam.

Luật sư Mạnh nêu nhận định của ông với RFA:

“Đánh giá theo quy định từ Hiến pháp Việt Nam và tiêu chuẩn thông thường của thế giới về quyền tự do ngôn luận, tôi tin rằng bài viết chỉ nêu quan điểm chính trị là hoàn toàn hợp pháp. Bài viết không hề có nội dung nào để có thể hiểu rằng có sự cổ súy cho các hành vi khủng bố, bạo lực, xúc phạm tôn giáo hoặc vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng mà công ty Meta đã xác định. Hơn nữa, yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cũng chỉ là ý kiến mang tính chủ quan với mục đích đàn áp quyền tự do ngôn luận.

Chúng không phải là phán quyết của tòa án có hiệu lực phải thi hành. Thế nên, có thể nói rằng sự hạn chế bài viết của tôi bằng cách không cho hiển thị tại Việt Nam là hoàn toàn không chính đáng và hợp pháp. Đồng thời, tôi cũng thật sự lấy làm tiếc khi công ty Meta, một cơ sở kinh doanh tại Hoa Kỳ lại có hành vi hỗ trợ, đáp ứng cho những yêu cầu bất chính của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Đi ngược lại với các giá trị tự do căn bản mà Hoa Kỳ vẫn cổ súy bao lâu nay”.

Việt Nam hiện có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kì hạn 2021-2025 tính đến tháng 12/2023 là 20.508 trường hợp, trong đó 7.587 trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành Báo chí.

Tất cả các cơ quan truyền thông trên đều thuộc quyền quản lý của Ban tuyên giáo trung ương.

Related posts