Một trong những vấn đề quan trọng được quan tâm rộng rãi là tân Tổng bí thư với quyền lực hiện có liệu có cơ hội nào hay liệu ông ấy đặt nền móng cho chuyển đổi dân chủ hay không? Xuất phát từ bản chất toàn trị của chế độ và cá nhân người nắm giữ quyền lực tuyệt đối câu trả lời sẽ phải là “hy vọng mong manh!”
Phần 3
CHUYỂN ĐỔI DÂN CHỦ – HY VỌNG MONG MANH
Có nhiều cơ sở lý luận và thực tế cho câu trả lời như trên, chẳng hạn giới quân sự trong chính phủ Miến Điện (Myanmar), có ưu thế quyền lực, đã xoá bỏ chế độ dân chủ đã được dẫn dắt bởi Aung San Suu Kyi, Chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Myanmar, người được trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 1991. Hiện bà vẫn đang bị cầm tù!
Độc tài và dân chủ, như nước với lửa, không thể tồn tại song song trong một chế độ. Tuy nhiên, đối với trường hợp Việt Nam, chế độ đảng toàn trị dựa trên hệ tư tưởng cộng sản, chủ nghĩa Mác – Lênin và, việc đại tướng Công an lên nắm quyền Tổng bí thư, Chủ tịch nước là chưa có tiền lệ. Điều này tạo ra nhiều suy đoán trái chiều trong dư luận và, được giới chính trị quan sát thận trọng. Các nhà tranh đấu cho tự do dân chủ, nhân quyền cho rằng người đứng đầu ngành an ninh phải chịu trách nhiệm trong việc một số sự kiện về tự do tôn giáo tín ngưỡng, dân tộc, xã hội dân sự, các nhà hoạt động, phản biện bất bạo động… bị đàn áp, bởi vậy họ ‘bi quan’ rằng tình hình sẽ xấu đi. Một số ý kiến mong có sự thay đổi khi có sự thay đổi về nhân sự lãnh đạo trong bối cảnh hệ thống chính trị đang khủng khoảng bởi tham nhũng nghiêm trọng và tha hoá đạo đức, lối sống của các cấp lãnh đạo từ thấp đến cao nhất, bào mòn niềm tin dân chúng vào chế độ …
Các diễn biến về nhân sự, tổ chức đảng cũng như các sự kiện xã hội đang được dõi theo liên tục và, chưa thể nói về xu hướng rõ rệt. Trong các nghiên cứu về chủ nghĩa toàn trị có một “án lệ” nổi tiếng khi Toà án xét xử tội ác chiến tranh thời phát xít Đức. Adolph Eichmann, một đặc vụ Đức Quốc xã chịu trách nhiệm tổ chức vận chuyển hàng triệu người Do Thái đến các trại tập trung phục vụ mục đích diệt chủng, nhưng đã có ý kiến biện minh rằng đó là ‘sự bình thường của cái ác’ (The banality of evil),[1] vì hắn ta chỉ là người có bổn phận thừa hành với mục đích thăng tiến. Như đã biết, phiên toà đã kết tội Eichmann. Ý kiến trên đã bị phê bình gay gắt, coi đây là “sai lầm lịch sử”. Sau này người ta tìm thấy trong cuốn hồi ký của Eichmann những bằng chứng về tội ác chíến tranh cho thấy hắn ta đã thấm nhuần hệ tư tưởng Đức Quốc xã, đã chấp nhận và tán thành ý tưởng về sự thuần khiết chủng tộc.
Những nghiên cứu[2] và thực tế tồn tại chủ nghĩa toàn trị đã cho biết bản chất của mô thức đảng – nhà nước toàn trị trong quá trình tiến hoá xã hội loài người, một sự tương phản với chế độ dân chủ. Đó là một mô hình thể chế chính trị mới, phá hủy tất cả các truyền thống xã hội, pháp lý và chính trị của đất nước, biến các giai cấp thành quần chúng tuân theo ý thức hệ, phân chia những người bất đồng thành “phản động hay thế lực thù địch” và gieo rắc nỗi sợ hãi để cô lập người dân. Chủ nghĩa toàn trị, khác biệt cơ bản với các dạng truy bức chính trị khác mà ta biết như chế độ chuyên quyền, bạo chúa hay độc tài ở chỗ, nó áp dụng chiến thuật khủng bố kèm theo một hệ tư tưởng nhằm khuất phục toàn bộ quần chúng chứ không chỉ các đối thủ chính trị.
Hệ tư tưởng Mác – Lênin, vốn ‘dân tuý’ về xã hội không tưởng – thiên đường trên mặt đất, của chế độ Đảng CS toàn trị hoạt động theo một hệ thống giá trị hoàn toàn khác biệt. Nó tạo ra sự cô đơn có tổ chức, thúc đẩy sự chuyên quyền, gây tâm lý sợ hãi, đòi hỏi sự phục tùng và trung thành, hệ quả là nó làm suy yếu khả năng phân biệt giữa sự thật và hư cấu của con người – khả năng phán đoán, suy nghĩ độc lập và phản biện. Ý thức hệ cộng sản giáo điều khiến con người xa rời thế giới của trải nghiệm sống, làm cạn kiệt trí tưởng tượng, từ chối sự đa dạng và xóa bỏ khoảng cách giữa con người vốn cho phép họ liên hệ với nhau một cách có ý nghĩa.
Chế độ toàn trị có thể biến đổi hình thức theo thời gian, nhưng bản chất không thay đổi, và có thời khắc nó đã khiến một số nhận định về khả năng chuyển đổi dân chủ. Điển hình là nghiên cứu của Isaac Deutscher về ‘sự thay đổi’ ở Liên Xô ngay sau cái chết của Stalin năm1953. Khi thấy chính phủ của Georgy Malenkov, người kế nhiệm Stalin, ban hành lệnh ân xá và xóa sạch không khí của vụ bê bối độc hại của thời đại Stalin, Deutscher đã hy vọng về “Một kỷ nguyên cải cách?” và “Triển vọng tương lai” [3] đối với Liên Xô… Những gì diễn ra như chúng ta đã chứng kiến, sự sụp đổ của mô hình này chỉ đến sau sự kiện Bức tường Béc Linh năm 1989.
Với mô hình Trung Quốc sự biến đổi còn phức tạp hơn nhiều. Nó đã là kiểu mẫu thành công kinh tế cho các nước đang phát triển, và thậm chí khiến giới lãnh đạo phương Tây ‘bỏ qua’ cả sự kiện ‘Lục Tứ’ thảm sát cuộc biểu tình của sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Sau đó, nhiều nghiên cứu về “sự dẻo dai” với ở khả năng thích ứng, tính phức tạp , quyền tự chủ và sự gắn kết của các tổ chức nhà nước của chế độ chuyên chế Trung Quốc.[4] Một thời kỳ dài hơn 40 năm “cải cách và mở cửa” đã tạo ra tăng trưởng thần kỳ cho đến khi Trung Quốc trỗi dậy hung hăng dưới thời Tập Cận Bình. Thậm chí, người ta còn nói đến ‘bóng đen’ thời Mao Trạch Đông đang trở lại.
Một câu hỏi lớn được đặt ra phá làm thế nào mà chế độ toàn trị có nhiều hành động đàn áp dân chủ, nhân quyền… vẫn ‘truyền cảm hứng’ cho dân chúng như vậy. Ở Việt Nam trong những thời khắc thay đổi quyền lực lãnh đạo có một số sự kiện nóng trong xã hội khiến công luận chú ý và chia rẽ về thái độ phản ứng. Đó là: Một số ca sỹ Việt Nam phải ‘xin lỗi’ trước áp lực cộng đồng sau khi biểu diễn ở Mỹ trên sân khấu có cờ Việt Nam Cộng hoà; Sự cáo buộc ‘cách mạng màu’ cho Đại học Fulbright Việt Nam, do Mỹ giúp đỡ thành lập, khiến cho Bộ ngoại giao Việt Nam phải lên tiếng;[5] Sự bày tỏ suy nghĩ riêng về đảng cầm quyền của một thí sinh cuộc thi Đường lên Đỉnh Olimpia bị ‘ném đá’ là “vô ơn” và, phải làm việc với công an tỉnh Yên Bái; Cựu thứ trưởng Ngoại giao viết tâm thư cho tân Tổng bí thư Tô Lâm về sự cải cách thể chế chính trị ‘toàn diện và triệt để’ trước thực trạng khủng khoảng gây tranh cãi…
Dù những sự kiện như vậy là có ‘chỉ đạo’ hay tự phát thì ý thức hệ giáo điều vẫn và sẽ là lực cản lớn nhưng ‘vô hình’ cho quá trình dân chủ hoá và sự phát triến bền vững nói chung của đất nước. Dưới thời tân tổng bí thư liệu có thể mong chờ ông ấy đặt sự khởi đầu mới cho chuyển đổi dân chủ? Nỗi ám ảnh “’ý thức hệ và khủng bố” đã và vẫn đang đeo đuổi sự cải cách thể chế nói riêng và sự phát triển đất nước nói khiến cho hy vọng trở nên mong manh.
_____________
Tham khảo
- https://aeon.co/ideas/what-did-hannah-arendt-really-mean-by-the-banality-of-evil
- https://en.wikipedia.org/wiki/The_Origins_of_Totalitarianism
- https://www.marxists.org/archive/deutscher/1953/russiaafterstalin.htm
- http://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2013/05/Authoritarian_Resilience.pdf
- https://vnexpress.net/bo-ngoai-giao-binh-luan-ve-hoat-dong-cua-truong-fulbright-viet-nam-4785957.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do