Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vừa được Ban tổ chức chương trình “Hàng Việt tốt được người Việt tin dùng năm 2022” đề cử lựa chọn vào Top 10 dịch vụ uy tín chất lượng của năm. Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường được đề cử vào danh sách doanh nhân tiêu biểu để nhận bảng vàng “Doanh nhân xuất sắc Việt Nam năm 2022”.
Theo Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sau hơn một năm chính thức đi vào vận hành đã chứng minh được ưu thế của mình và có khả năng giải quyết căn cơ nạn ùn tắc giao thông đô thị.
Trong khi đó, báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 cho thấy, đường sắt Cát Linh Hà Đông có doanh thu đạt hơn năm tỷ đồng nhưng do chi phí vận hành và quản lý nên vẫn bị lỗ ròng là 64 tỷ đồng. Vào năm 2020, công ty báo lỗ 23 tỷ đồng. Nếu tính lũy kế, doanh nghiệp lỗ tổng cộng gần 160 tỷ đồng.
Vấn đề đề cử ông Võ Hồng Trường, Tổng giám đốc của Hanoi Metro vào danh sách “Doanh nhân xuất sắc năm 2000” trong khi Cát Linh – Hà Đông là một doanh nghiệp lỗ 159 tỷ đồng trong năm đầu, cho dù bất cứ nguyên nhân khách quan hay chủ quan nào, cũng không thể tôn vinh người này được. – Ông Nguyễn Quang
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt năm 2008 là 553 triệu đô la Mỹ và dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 6 năm 2014. Chạy thử từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 6 năm 2015. Từ ngày 30 tháng 6 năm 2015 chính thức khai thác thương mại. Tuy nhiên, đến năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án đã tăng lên hơn 868 triệu USD, nghĩa là đội vốn lên tới hơn 315 triệu USD, tương đương khoảng 7.000 tỉ đồng. Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198 triệu USD.
Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông từng bị coi là ‘biểu tượng trễ hẹn và đội vốn’. Tuy vậy, dù qua năm đời Bộ trưởng (gồm các ông Hồ Nghĩa Dũng, Đinh La Thăng, Trương Quang Nghĩa, Nguyễn Văn Thể và nay là Nguyễn Văn Thắng); kéo dài 13 năm xây dựng cùng 12 lần trễ hẹn; đội vốn hơn 200%; lỗ 160 tỉ trong năm đầu tiên hoạt động, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn được đề cử top 10 dịch vụ được người Việt tin dùng. Tổng Giám đốc Vũ Hồng Trường đồng thời được đề cử doanh nhân xuất sắc 2022.
Ông Nguyễn Quang, một kỹ sư xây dựng nêu quan điểm của ông với RFA sáng 17 tháng 11 năm 2022:
“Nếu tin dùng thì người dân phải đi nhiều. Tin dùng mà số người đi so với công suất thiết kế đề ra mỗi ngày bao nhiêu chuyến tàu, mỗi chuyến tàu bao nhiêu người, đều không đạt. Nó thể hiện trước hết ở doanh thu. Doanh thu cao thì sẽ mang lại hiệu quả cao. Con số lỗ 159 tỷ lỗ mâu thuẫn hoàn toàn với đề cử top 10 dịch vụ hàng Việt được người Việt tin dùng.
Vấn đề đề cử ông Võ Hồng Trường, Tổng giám đốc của Hanoi Metro vào danh sách “Doanh nhân xuất sắc năm 2000” trong khi Cát Linh – Hà Đông là một doanh nghiệp lỗ 159 tỷ đồng trong năm đầu, cho dù bất cứ nguyên nhân khách quan hay chủ quan nào, cũng không thể tôn vinh người này được. Làm như thế chẳng khác nào cào bằng, hay nói cách khác là phỉ báng những doanh nhân làm ăn chân chính, đàng hoàng. Như thế giá trị của danh hiệu ‘Doanh nhân xuất sắc 2022’ không còn ý nghĩa gì nữa hết!”
Báo Tiền Phong hôm 3 tháng 4 năm 2018 trích số liệu của Bộ Tài chính cho biết, ước tính mỗi ngày Việt Nam đang phải trả cho Trung Quốc 2,4 tỷ đồng tiền lãi phát sinh cộng với nợ gốc của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Bên cạnh đó, khoản chi phí vận hành tuyến đường sắt này được đánh giá là khá cao với sự tham gia của 681 nhân sự mỗi ngày, theo số liệu Ban Quản lý Dự án Đường sắt. Mặt khác, giá vé tàu mỗi lượt chỉ 10 ngàn Việt Nam đồng cộng với số lượng hành khách chưa được thống kê khiến giới chuyên môn có nhiều nghi ngại về tính hiệu quả khi dự án này được đưa vào hoạt động thương mại.
Tuy dự án có nhiều nghi ngại từ giới chuyên môn nhưng dự án vẫn phải chi tiền để tiếp tục xây dựng chứ không thể dừng. Lý do từng được Tiến sĩ Kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích với RFA:
“Nếu không chi thì đường sắt này không vận hành được và nó thành ra một đống sắt vụn sắt gỉ và nó chiếm không gian, chiếm đường xá thành phố Hà Nội. Người dân không thể nào chấp nhận được. Vậy nên tôi nghĩ cần phải kết thúc và đưa vào vận hành.”
Nay tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được vận hành thương mại nhưng câu chuyện về tuyến đường vẫn chưa chấm dứt, bởi nó tiếp tục lỗ và bởi nó được đề cử vào top 10 dịch vụ được người Việt tin dùng.
Nhà báo Đỗ Cao Cường nói với RFA sáng 17 tháng 11 năm 2022:
“Dự án Cát Linh Hà Đông được bầu vào top 10 dịch vụ hàng Việt được người Việt tin dùng thì nó thành ra là một trò hề.
Nhiều dự án mang tính tào lao như vậy cộng với dàn lãnh đạo tào lao thì đưa đất nước nghèo đi và tham nhũng. Ngoài ra còn phụ thuộc vào Trung Quốc, bởi những dự án như vậy sử dụng vốn ODA phần lớn của Trung Quốc. Nó làm cho người dân Việt Nam phụ thuộc và bị ngu dân chứ nếu người dân khôn ngoan thì người ta đã tẩy chay những dự án như vậy, và truy cứu bằng được trách nhiệm của những người đứng đầu ở bên Bộ Giao thông, truy cứu trách nhiệm của những đời bộ trưởng liên quan, thậm chí là thủ tướng phải chịu trách nhiệm. Phải lên án cả việc sử dụng vốn vay của Trung Quốc bởi đó chính là tiền nợ. Người dân bị ảnh hưởng, nhưng người dân Việt Nam đã quen sự chịu đựng cho nên họ không lên tiếng”.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được Bộ GTVT bàn giao cho UBND TP. Hà Nội và đưa vào khai thác vận hành từ ngày 6 tháng 11 năm 2021. Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, Tổng thầu EPC có trách nhiệm bảo hành dự án đường sắt này trong hai năm kể từ ngày đưa vào khai thác vận hành, tức đến ngày 6 tháng 11 năm 2023.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian chậm tiến độ quá lâu cùng mức vốn đầu tư bị đẩy lên đã tác động rất tiêu cực và lâu dài đối với hiệu quả kinh tế xã hội, đặc biệt là đối với Hà Nội, trung tâm kinh tế, văn hoá và chính trị của Việt Nam.