EVN lo thiếu điện, muốn giữ vai trò chính trong quản lý nguồn điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam mới đây bày tỏ lo lắng về nguy cơ thiếu điện vào mùa khô (từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm) và muốn được giữ vai trò chính trong việc triển khai thêm, kiểm soát các nguồn điện.

Truyền thông Nhà nước hôm 26/10 cho biết EVN đưa ra những nhận định này trong một báo cáo mới về các dự án điện trọng điểm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Các tỉnh miền Bắc Việt Nam trong các tháng hè hai năm vừa qua liên tục phải đối phó với tình trạng thiếu điện do thuỷ điện không có đủ nước và nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong dịp hè nắng nóng. Việc cắt điện luân phiên vào hè đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ở các khu công nghiệp ở phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang nơi có nhiều nhà máy của các hãng lớn như Foxconn, Samsung.

Báo Nhà nước trích báo cáo mới đây của EVN viết: “Nếu không tiếp tục được Chính phủ giao triển khai thêm các nguồn điện mới, EVN rất khó có thể phát huy vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện”.

Theo thông tin của Chính phủ, trực tiếp quản lý nguồn điện của các doanh nghiệp năng lượng nhà nước gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV). Các đơn vị này đang nắm giữ khoảng 47% công suất đặt. Số còn lại thuộc các nhà đầu tư tư nhân chiếm 42% và các dự án BOT chiếm khoảng 10%, nguồn điện nhập khẩu và nguồn khác chiếm khoảng 1%.

Như vậy, EVN đã không còn độc quyền nắm giữ toàn bộ nguồn điện và khâu sản xuất điện như trước năm 2006.

Theo đánh giá của Cục Điều tiết Điện lực, nguồn điện tư nhân ở Việt Nam sẽ ngày càng tăng và dự kiến có thể chiếm gần một nửa toàn hệ thống vào năm 2030.

Theo báo cáo, EVN hiện đang triển khai 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 6.793 MW từ này đến năm 2030.

Theo Quy hoạch điện 8, đến năm 2030, tỷ lệ sở hữu các nguồn điện của EVN và các đơn vị thành viên là 25,4% tổng công suất nguồn của hệ thống điện, thấp hơn tỷ lệ 38% hiện nay.

Tập đoàn này rất lo lắng nếu không tiếp tục được Chính phủ giao triển khai thêm các nguồn điện mới, vì rất khó có thể phát huy vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện, báo Nhà nước trích báo cáo của EVN cho biết.

Theo Quy hoạch điện 8 được phê duyệt vào tháng 5 năm ngoái, Việt Nam đặt mục tiêu tăng công suất phát điện lên hơn 150 GW vào năm 2030 từ mức 80 GW vào cuối năm ngoái.

Reuters trích dẫn một tài liệu của Chính phủ Việt Nam cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đưa công suất phát điện tăng thêm 12% – 15% một năm để đảm bảo an ninh năng lượng và mức tăng trưởng kinh tế 7% một năm.

Việt Nam cũng có kế hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo từ điện gió và khí hóa lỏng. Tuy nhiên trong các tháng qua, một loạt các nhà đầu tư nước ngoài đã rút khỏi các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam do khó khăn về quy định trong lĩnh vực này. Đó là các hãng Enel của Ý, Equinor của Na Uy và Orsted của Đan Mạch.

Mới đây, Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ thay đổi Quy hoạch điện 8 để bổ sung thêm điện hạt nhân vào các nguồn điện của quốc gia.

Related posts