EVN vẫn báo lỗ lớn dù hai lần tăng giá điện trong năm: giải pháp nào để cắt lỗ?

Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương được truyền thông nhà nước loan tin hôm 14/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN cho biết năm 2023 chịu lỗ 17.000 tỷ đồng.

Theo EVN, khoản lỗ do phải mua điện giá cao, dù tập đoàn này đã nỗ lực tiết giảm chi phí và tăng giá điện bán lẻ bình quân hai lần.

Giải thích vì sao hai lần tăng giá điện, 3% vào ngày 4/5, và lần thứ hai tăng thêm 4,5% vào ngày 9/11 mà vẫn lỗ… EVN cho biết chỉ có thể giúp tăng doanh thu khoảng 3.200 tỷ đồng, chưa đủ bù đắp chi phí sản xuất- kinh doanh.

Chuyện này là do tỷ lệ nhiệt điện than quá nhiều, EVN lỗ là do nhiệt điện than, EVN nên giảm nhiệt điện than, đưa điện khác lên thì giá thành sẽ giảm.
-Tiến sĩ Ngô Đức Lâm

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA hôm 15/12/2023, nhận định:

“Vừa rồi tăng giá điện thì EVN giải thích do đầu vào của nhiệt điện than, tức giá nhiên liệu than tăng cho nên giá đầu ra phải tăng, mà tăng thì dân phải đóng thêm tiền. Chuyện này là do tỷ lệ nhiệt điện than quá nhiều, EVN lỗ là do nhiệt điện than, EVN nên giảm nhiệt điện than, đưa điện khác lên thì giá thành sẽ giảm. Nhiệt điện than trong quy hoạch nhiều quá do trước kia nghĩ rằng giá than rẻ nhất so với nhiệt điện khí, so với năng lượng tái tạo, mặt trời, gió… Cần phải tính toán lại có nên sử dụng nhiệt điện than nhiều như thế nữa hay không? Nếu như những điện khác đưa lên được, không dùng nhiệt điện than nhiều nữa thì giá sẽ xuống thôi.”

Cũng trong báo cáo, EVN thừa nhận năm 2023 không cân bằng được kết quả sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, EVN còn cho biết các khoản chênh lệch tỷ giá hơn 14.000 tỷ đồng của các năm trước chưa được đưa vào giá điện. Theo EVN, giá nhiên liệu đầu vào dù có giảm so với năm trước nhưng vẫn ở mức cao.

9434ee41-d3b9-4845-b099-78d8ef371dc0.jpeg
Ảnh minh hoạ. Reuters.

Trước đó vào tháng 9 năm 2023, trong Dự thảo mới do Bộ Công Thương gửi Bộ Tư pháp được truyền thông Nhà nước đăng tải cho thấy, giá bán lẻ điện được tính thêm các khoản lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN. Và việc tăng giá bán lẻ điện nhằm để bù vào khoản lỗ được EVN đưa ra là do giá than, khí và các chi phí đầu vào tăng.

Một người dân sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, nhận xét với RFA về việc tăng giá điện để bù lỗ:

“Nó hết sức nghịch lý, riêng cá nhân tôi là người sử dụng điện cũng thấy rất nghịch lý. Tại sao Việt Nam đầu tư các nơi lời thì họ ăn chia với nhau, còn lỗ thì bắt dân chịu, rất là phi lý. Nhưng bây giờ họ có áp giá điện như thế nào thì người dân cũng phải chịu, chứ không có cách gì khác, chẳng lẽ bây giờ không xài điện nữa, đâu có được, đó là nhu cầu thiết yếu nhất trong cuộc sống hiện nay.”

Thống kê về sản lượng điện được tải lên lưới điện của toàn hệ thống năm 2022 của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam công bố vào tháng 1 năm 2023 cho thấy: Nhiệt điện than chiếm 39,09%; Nhiệt điện khí đốt 11,01%; Nhiệt điện dầu 0,02%; Thuỷ điện chiếm 35,41%; Nhập khẩu điện 1,26%; Điện gió 3,30%; Điện mặt trời 9,51%; Sinh khối 0,14% và nguồn khác là 0,26%.

Tôi thì cho rằng phải xem lại bài toán quy hoạch, chứ không thể để giá cứ cao là dân phải đóng nhiều tiền điện. Ví dụ càng ngày nó càng cao, thì giá điện cứ tăng lên mãi à?
-Tiến sĩ Ngô Đức Lâm

Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, Quy hoạch điện 8 của Việt Nam đã được đưa ra dựa trên cơ sở nhiệt điện than rẻ. Nhưng thực tế than cho nhiệt điện hiện nay không rẻ nữa. Ông Lâm giải thích thêm:

“Do phải mua than nguyên liệu từ nước ngoài giá cao gấp hai, gấp ba, gấp bốn lần so với trước cho nên bị lỗ. Theo tôi phải tính toán lại, liệu có chấp nhận mãi như thế không? Tôi thì cho rằng phải xem lại bài toán quy hoạch, chứ không thể để giá cứ cao là dân phải đóng nhiều tiền điện. Ví dụ càng ngày nó càng cao, thì giá điện cứ tăng lên mãi à? Trong khi đó giá thành của năng lượng tái tạo thì nó cứ giảm đi, chứ không mắc, vì công nghệ năng lượng tái tạo ngày một tiến bộ hơn, chiều hướng giảm giá chứ không tăng giá. Không nên sử dụng điện than tới 40% như hiện nay.”

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, hôm 15/12/2023 nói với RFA:

“Giá điện ở Việt Nam nếu tính đúng theo giá thị trường, thì chắc chắn thu nhập của người dân có sử dụng điện không chịu nổi, đó là một thực tế. Thế nhưng làm gì để khắc phục trường hợp này, khi mà cơ quan kinh doanh luôn luôn báo lỗ. Mà trong báo lỗ ấy tính toán thực của nó như thế nào, điều này cần phải xem xét lại hạch toán của EVN. Nhiều người khác cho rằng, đây là một cơ chế phải tìm cách xóa bỏ. Cũng có nhiều người đề nghị hạ tầng thì một công ty kinh doanh, còn kinh doanh điện thì rất nhiều công ty, chứ không phải chỉ mỗi EVN… Cái này cũng đã có thảo luận rất nhiều lần, nhưng mà cuối cùng các thảo luận cũng chỉ dẫn đến một EVN là cung cấp điện.”

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, Việt Nam nên theo hướng như các nước khác làm, để khắc phục tình trạng hiện nay. Tức thu nhập của người dân còn thấp so với giá điện, thì phải có sự bù lỗ của nhà nước. Theo ông Võ, cần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, với tinh thần để giá điện sản xuất ra nếu tính đúng giá thị trường, thì thu nhập của dân phải chịu nổi.

Related posts