Hôm 28 tháng 10, gia đình của ông Bùi Văn Thuận đăng tải thông tin cho hay, ông làm đơn xin từ chối luật sư bào chữa, chỉ hai tháng sau ngày bị bắt tạm giam và sau khi gia đình bày tỏ lo lắng về những dấu hiệu ông bị tra tấn trong trại giam.
Bà Trịnh Thị Nhung, vợ của ông Bùi Văn Thuận cho biết gia đình chỉ hay tin sau khi được phía luật sư thông báo rằng Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Thanh Hoá gửi văn bản báo tin ông Thuận từ chối luật sư trong vụ án của mình.
Trước đó, sau khi ông Bùi Văn Thuận bị bắt thì gia đình đã liên hệ với văn phòng luật sư Đặng Đình Mạnh để làm thủ tục biện hộ cho ông.
Tuy nhiên, trong giấy báo được ký ngày 12 tháng 10, cơ quan công an chỉ báo tin này cho văn phòng luật sư chứ không cho gia đình biết.
Trả lời phỏng vấn của RFA, bà Trịnh Thị Nhung, vợ của ông Bùi Văn Thuận cho RFA biết thêm tình hình:
“Hiện thì tôi cũng chưa có cái gì để xác minh là anh ấy có thư tay hay chữ ký gì cả, đây mới chỉ là một cái thư từ Cơ quan An ninh Điều tra gửi cho văn phòng luật sư thôi.
Tôi định sẽ làm đơn để gặp anh ấy để hỏi xem lý do tại sao anh ấy lại từ chối luật sư, hoặc tôi sẽ gửi đơn để xem cái đơn mà anh ấy làm. Cái đơn từ chối luật sư có chữ ký của anh ấy.”
Việc các bị cáo trong các vụ án chính trị từ chối quyền có luật sư bào chữa không phải là hiếm, một số cựu tù chính trị cho biết họ từng bị dụ từ chối luật sư để đổi lấy mức án nhẹ hơn.
Hôm 15 tháng 10, gia đình bất ngờ nhận được giấy thông báo từ Trại Tạm giam Công an tỉnh Thanh Hoá, nơi ông Bùi Văn Thuận đang bị giam giữ, về việc ông Thuận phải nhập viện để điều trị vì các vấn đề sức khoẻ. Gia đình nghi ngờ ông đã bị tra tấn trong quá trình điều tra.
Hiện gia đình vẫn chưa liên hệ được với ông Bùi Văn Thuận do ông đang trong quá trình tạm giam điều tra nên việc thăm gặp vẫn chưa được phép.
Trong cuộc phỏng vấn với RFA, và Trịnh Thị Nhung cũng cung cấp thêm thông tin về việc bị quay phim ngoài ý muốn bởi kênh truyền hình An ninh TV, thuộc sở hữu bởi Bộ Công an.
Bà Nhung cho biết chi tiết của vụ việc:
“Mới đầu thì vì có hàng xóm, họ hàng ở đó nên họ không nói là họ đi quay gia đình hay gì cả. Họ giả dạng là người đang đi làm công việc khác, họ vào họ mua bánh của mẹ tôi, khi họ ăn thì họ đặt cái máy quay ở dưới chân, sau rồi có một chị phóng viên nói là chị có vấn đề nên chị xin đi nhờ vệ sinh, thì tôi cho chị ấy đi nhờ.
Nhưng khi tôi đứng ở cửa theo dõi thì tôi thấy anh quay phim này anh ấy chĩa máy quay vào người tôi, thì tôi mới tiến lại gần để kiểm tra xem anh ấy đang làm gì, thì lúc đó tôi mới phát hiện là anh ta đang quay phim rồi tôi yêu cầu anh ta không được phép ghi hình gia đình nữa.
Sau khi hàng xóm và họ hàng đi về hết thì họ mới nói là họ muốn phỏng vấn tôi. Tôi từ chối và mời họ đi. Khi họ ra về thì tôi đứng trước cổng, thì họ đứng ở ngoài đường và vẫn tiếp tục chia máy quay về phía tôi, mặc dù tôi đã giơ tay phản đối rất nhiều. Tất cả những hình ảnh mà họ đưa lên trên phóng sự thì đều không được sự cho phép của gia đình, và đều trái phép hết.”
Đoạn phóng sự trên được kênh An ninh TV phát sóng ngày 21 tháng 10, với nội dung quy chụp cho ông Bùi Văn Thuận là “núp bóng phản biện xã hội để chống phá nhà nước”.
Ông Bùi Văn Thuận bị bắt vào ngày 30 tháng 8. Trước khi bị bắt thì ông được biết đến với loạt các bài viết trên Facebook, tiết lộ nội tình của chính quyền địa phương các tỉnh ở Việt Nam, được ông đặt dưới tên “sới chọi chó”.
Ông Bùi Văn Thuận bị cáo buộc dưới tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam’, theo Điều 117 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.