Trong khoảng 2,5 qua, Chính phủ Việt Nam đã ghi nhận gần 40.000 trường hợp công chức xin nghỉ việc mà lý do được xác định là tiền lương thấp và áp lực công việc.
Theo truyền thông Nhà nước, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, khi được phóng viên hỏi về tình trạng công nhân viên chức nghỉ việc, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay đây là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm, đặc biệt sau khi có thông tin 9.397 nhân viên y tế thôi việc trong 1,5 năm qua.
Ông Thăng cho hay, dịch bệnh COVID-19 trong hai năm qua đã gây áp lực mạnh lên ngành y tế và giáo dục.
“Ở một số địa phương, một số cán bộ, công chức, viên chức do thu nhập có sự chênh lệch so với người dân trên địa bàn nên “anh em chuyển việc khác”.
Theo người đại diện Bộ Nội vụ, hai ngành có số lượng cán bộ nghỉ việc, chuyển việc nhiều nhất trong thời gian qua là giáo dục với hơn 16.000 người, y tế gần 12.200 người.
Ông Thăng cho hay bình quân mỗi năm có 15.820 người thôi việc ở khu vực công, chiếm khoảng 0,8% tổng biên chế được giao. Trong đó, ở Trung ương chiếm 18%, địa phương 82%; công chức hơn 4.000 người, viên chức hơn 35.000 người.
Nguyên nhân được ông Thăng đưa ra gồm khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do sự phát triển của kinh tế thị trường với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và thị trường xuất khẩu lao động.
Nói về nguyên nhân chủ quan, ông Thăng cho biết chế độ chính sách tiền lương còn rất nhiều khó khăn trong khu vực công, so với nhu cầu cuộc sống cần thiết của cán bộ, công chức, viên chức.