Giải Nobel Hóa học năm 2023 được trao cho ba khoa học gia có công khám phá ra công nghệ chấm lượng tử. Đó là ba ông Moungi Bawendi, Louis Brus và Alexei Ekimov.
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố như vừa nêu vào chiều ngày 4/10.
Chủ tịch Ủy ban Nobel Hóa học, ông Johan Aqvist, phát biểu rằng “Chấm lượng tử có nhiều đặc tính hấp dẫn và khác thường. Điều quan trọng là chúng có màu sắc khác nhau tùy thuộc vào kích thước.”
Chấm lượng tử hiện nay chiếu sáng màn hình máy tính và màn hình TV dựa trên công nghệ QLED (Quantum Light-Emitting Diode). Chúng cũng tạo nên sắc thái cho ánh sáng của một số đèn LED (Light- Emitting Diode), và các nhà hóa sinh cũng như giới bác sĩ dùng chúng để lập bản đồ mô sinh học.
Vào đầu thập niên 1980, ông Alexei Ekimov (Tập đoàn công nghệ Nanocrystals) đã thành công trong việc tạo ra các hiệu ứng lượng tử phụ thuộc vào kích thước trong thủy tinh màu. Ông này chứng minh rằng kích thước hạt ảnh hưởng đến màu sắc của thủy tinh thông qua các hiệu ứng lượng tử.
Ít năm sau, ông Louis Brus (Đại học Columbia) là nhà khoa học đầu tiên trên thế giới chứng minh được hiệu ứng lượng tử phụ thuộc vào kích thước ở các hạt trôi nổi tự do trong chất lỏng.
Đến năm 1993, ông Moungi Bawendi (Viện Công nghệ Massachusetts) cách mạng hóa việc sản xuất hóa chất các chấm lượng tử, tạo ra các hạt gần như hoàn hảo.
Giới nghiên cứu cho rằng trong tương lai chấm lượng tử có thể góp phần tạo ra các thiết bị điện tử linh hoạt, cảm biến cực nhỏ, pin mặt trời mỏng hơn và truyền thông lượng tử được mã hóa.