Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), vừa tăng 3% giá điện bán lẻ từ tháng 5/2023 để bù khoản lổ hàng chục ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, một tháng sau, EVN lại cắt điện liên tục, có nơi không công bố trước, vịn lý do không đủ nguồn cung, khiến các doanh nghiệp và người dân lâm vào cảnh “bị động”. Thanh tra về cung ứng điện của EVN được đa số người dân đồng tình.
Nắng nóng và mất điện
“Tình trạng mất điện vào buổi tối, đêm không có đèn đường chỉ có ở những năm 90 của thế kỷ trước, cái thời mà chưa có điện, lúc nào ngoài đường cũng tối thui.
Tự dưng hôm nay ngoài đường lại không có điện, mọi người không sử dụng điện thoại, không internet, không tivi, chỉ tụ tập ra đường ngồi “chém gió” với nhau, ngắm trăng, hít gió trời thì nó cũng làm cho con người thanh thản hơn, cho nên cũng bớt áp lực.”
Bà T., người dân sống ở huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội tự “an ủi” mình sau hơn chục ngày liên tục mất điện, có khi từ hai đến ba tiếng, có ngày mất điện đến 12 tiếng, giữa lúc trời nắng nóng cao độ. Bà chia sẻ tiếp:
“Giờ phải sống phải thích nghi chứ mình có gay gắt hay chửi rủa thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. Cho nên phải làm thế nào để thích nghi với điều kiện như bây giờ thôi.”
Ông H, sinh sống tại tỉnh Yên Bái nói với RFA rằng cuộc sống gia đình ông đảo lộn, bất tiện hơn nhiều kể từ khi xảy ra tình trạng mất điện liên tục như hiện nay:
“Trời ơi, ngày nào cũng mất điện mà không báo trước, nửa đêm mất, rồi sáng mất, trưa mất… Tóm lại là thích cắt lúc nào là cắt lúc đó, cực lắm.
Gia đình tôi buôn bán hàng online là không thể nào online để trả lời tin nhắn khách hàng được, lỡ dở trong việc kinh doanh.
Con cái còn nhỏ, ở nhà mất điện thì nó đâu có ngủ được, vợ chồng tôi cũng phải bỏ hết việc quạt cho nó ngủ mất cả ngày.”
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tình trạng thiếu điện trầm trọng là do mức tiêu thụ điện tăng vọt vì nắng nóng. Thứ hai là nguồn cung ứng điện tại miền Bắc giảm do thời tiết cực đoan, các hồ thủy điện lớn cạn nước. Sản lượng điện huy động bình quân giảm một nửa so với năm ngoái.
Mạng báo VnExpress dẫn lời Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho biết thiếu điện ở miền Bắc đã diễn ra trong suốt nhiều năm qua, nên không thể chỉ đổ lỗi do thời tiết hay sự cố. Điều này đã được dự báo trước việc phát triển các nguồn điện mới cho phía Bắc chậm hơn so với nhu cầu tiêu thụ điện năng tại khu vực này.
Tình hình mất điện ở phía Bắc, theo truyền thông loan, dự báo sẽ còn căng thẳng hơn trong thời gian tới.
Đề nghị thanh tra toàn diện EVN
Câu chuyện của EVN “nóng” lên tới tận Nghị trường Quốc hội, khi các Đại biểu QH mới đây đã “nghiêm túc” yêu cầu Chính phủ phải thanh tra toàn diện, làm rõ các vấn đề bất cập ở EVN hiện nay.
Cụ thể, Đại biểu Lê Thanh Vân, hôm 5/6 trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội cho rằng cần kiểm tra việc quản lý, quản trị của doanh nghiệp này như thế nào, tại sao năm nào cũng thua lỗ, rồi lại tính hết vào giá điện, cuối cùng người dân phải gánh chịu. Có một giai đoạn, dư luận nghi vấn việc EVN lấy tiền tích lũy để đầu tư vào bất động sản, khu nghỉ dưỡng dẫn đến thua lỗ, rồi tính vào giá điện, không rõ đến nay, việc điều tra vấn đề này thực hiện đến đâu mà chưa thấy công khai.
Đại biểu Lê Hữu Trí, thuộc đoàn Khánh Hòa cũng nêu ý kiến cần thiết phải làm rõ khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng của EVN một cách tường minh.
Đề xuất của các đại biểu được cả chuyên gia và người dân hoan nghênh, đồng tình. Bà T, cho biết:
“Thanh tra, kiểm tra EVN là hợp lý và chính xác thôi. Nhà nước muốn kiểm soát năng lượng cho nên cứ cho EVN độc quyền, nhưng mà năm nào cũng than lỗ, kinh doanh kiểu gì mà năm nào cũng báo lỗ rồi cứ tăng giá điện.
Giá điện muốn tăng là phải có lộ trình chứ, thích là đề xuất tăng. Trong khi lương nhà nước có tăng cho người dân đâu. Vấn đề cơ bản nhất là điện nước mà cứ động tí là tăng do lỗ.”
Ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, nói đề nghị của đại biểu Quốc hội thể hiện sự quan tâm của Quốc hội trước tình hình rất là bức xúc của người dân về tình trạng thiếu điện đang rất căng thẳng:
“Thanh tra EVN thì cần phải làm rõ là EVN đã chuẩn bị các phương án nào để đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc. Trong tình hình như hiện nay thì việc huy động điện mặt trời và điện gió diễn ra như thế nào và được quản lý và điều hành mạng lưới điện như thế nào.”
Theo tiến sỹ Lê Đăng Doanh, các doanh nghiệp thành viên của EVN sản xuất điện thì hiện nay đã độc lập đều báo cáo hoạt động tốt và có lãi. Chỉ có EVN là đơn vị quản lý mạng lưới điều tiết điện thì hiện nay đang gặp khó khăn. Do đó, ông cho rằng cần chờ đoàn Quốc hội giám sát và có báo cáo xem EVN báo lỗ là do đâu (?).
Tình trạng mất điện luân phiên, liên tục ở các tỉnh thành phía Bắc đã kéo dài hơn chục ngày qua. Không chỉ ở khu dân cư mà các khu công nghiệp lẫn khu du lịch cũng bị mất điện, khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng vì sản xuất ngưng trệ.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, bày tỏ lo ngại nếu tình trạng mất điện kéo dài, nền kinh tế Việt Nam sẽ “lãnh đủ”:
“Tình hình điện như vậy phản ánh một mức cân đối rất khẩn cấp đối với nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp dịch vụ như du lịch cũng phải đóng cửa.
Nó sẽ tác động tiêu cực đến việc có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 này là 6,5%. Theo tôi, mức tăng trưởng 6,5% trong tình hình mất cân đối như thế này và đơn đặt hàng đối với các mặt hàng dệt may cũng như điện tử đã bị giảm sút thì khó có thể đạt được mức đó.”