Chính phủ Việt nam công bố chính sách tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đối với tất cả các hàng hoá, dịch vụ, cho đến hết năm 2023.
Các chuyên gia kinh tế hoan nghênh quyết định này của Chính phủ. Tuy nhiên họ cũng cho rằng giảm thuế không là chưa đủ, cần phải có thêm các chính sách khác để vực dậy nền kinh tế đang rất khó khăn hiện nay.
Tác động tích cực lên nền kinh tế
Bộ Tài Chính đánh giá chính sách này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách cũng như nền kinh tế.
Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, chính sách giảm thuế VAT như vậy tác động tích cực vào nền kinh tế Việt Nam. Nó giúp giá thành giảm đáng kể. Con đường từ nhà sản xuất cho đến người tiêu thụ thì phải qua rất nhiều trạm phân phối. Ở bất kỳ giai đoạn nào, người mua đều phải trả thuế VAT:
“Nếu thuế VAT Giảm từ 10% xuống 8% thì dĩ nhiên là sẽ giảm thuế rất nhiều, không chỉ cho người tiêu thụ cuối cùng mà cho cả những người phân phối ở các công đoạn.
Như vậy, chi phí sẽ giảm đáng kể. Có thể dùng cái tiền đó để vào hoạt động kinh doanh. Đối với người tiêu thụ cuối cùng thì cũng giảm chi phí sinh hoạt.”
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết ông hoàn toàn ủng hộ chính sách này. Bởi vì khi giảm thuế xuống còn 8%, người dân, đặc biệt là người nghèo sẽ mua được nhiều hàng hoá hơn. Doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí sản xuất, giảm giá thành dẫn tới khả năng tăng trưởng xuất khẩu trở lại:
“Khi thuế giá trị gia tăng giảm 2% thì hàng hóa của Việt Nam sẽ rẻ hơn, năng lực cạnh tranh tăng lên và doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ tăng được xuất khẩu.
Tôi nghĩ rằng trong tình hình thu ngân sách gặp khó khăn thì đây là một thiện chí cũng như một nỗ lực đáng ghi nhất của chính phủ đối với việc cải thiện việc kinh doanh hiện nay ở Việt Nam.”
Theo Bộ Tài chính, nếu áp dụng phương án giảm 2% thuế VAT trong sáu tháng cuối năm 2023 thì dự kiến thu ngân sách sẽ giảm khoảng 35.000 tỷ đồng. Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nhận định giảm thuế để thúc đẩy doanh nghiệp làm ăn tạo lợi nhuận, rồi đóng thuế lại cho ngân sách sẽ có nhiều lợi hơn:
“Thu ngân sách có thể giảm tạm thời nhưng mà khi việc cắt giảm thuế cũng như các chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ phát huy tác dụng thì các doanh nghiệp hoạt động trở lại, lại tăng cường xuất khẩu thì lúc bấy giờ nguồn thu ngân sách có thể thu lại bù lại các khoản hụt vì đã giảm 2% thuế giá trị gia tăng.”
Nhưng chưa đủ
Dù rất ủng hộ việc giảm thuế VAT của Chính phủ, tuy nhiên, theo tiến sỹ Trí Hiếu, chỉ giảm 2% thuế VAT trong tình hình kinh tế ảm đạm như hiện nay là chưa đủ.
Tăng trưởng GDP quý một của Việt Nam chỉ đạt 3.32%, thấp hơn cả năm 2022, khi Việt Nam mới bước qua đại dịch. Để phục hồi kinh tế, theo tiến sỹ Trí Hiếu, cần phải có liều thuốc mạnh hơn. Ông đề nghị giảm 5% thuế VAT, tức là chỉ còn 5%.
“Tôi đề nghị là phải giảm 5%, tức là từ 10% giảm xuống còn 5% thì nó sẽ có tác động mạnh hơn, còn giảm 2% thì nó cũng có tác động nhưng mà cái lượng không đủ để tác động mạnh đến nền kinh tế.”
Ông Đình Đệ, một chủ doanh nghiệp ở TPHCM cho biết, việc giảm thuế tất nhiên là có lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, với trải nghiệm thực tế, ông Đệ mong muốn phải giảm giá đồng bộ các nguồn nguyên liệu khác như điện, xăng…
“Để giảm giá các mặt hàng thì tôi thấy như vậy không là chưa đủ, cần giảm nhiều hơn, có nhiều thứ hơn phải giảm nữa, ví dụ như giá điện, giá xăng, giá thuê mặt bằng… thì sản phẩm nó mới giảm giá được. Chứ bây giờ chỉ có giảm thuế 2% và những thứ kia vẫn tăng thì đối với doanh nghiệp không giải quyết được vấn đề gì.”
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho biết, kinh tế Việt Nam hiện nay không chỉ đối mặt với tình trạng xuất khẩu giảm mà thu hút đầu tư cũng giảm.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim gạch xuất khẩu của Việt Nam trong quý một giảm đến 11,8%, tương đương gần 10 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng chủ lực như giày dép, dệt may giảm trên 17% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, tổng vốn đăng ký mới của nhà đầu tư nước ngoài đạt tổng cộng gần 5,45 tỷ USD, chỉ bằng 61,2% so với cùng kỳ, theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố.
Nguyên nhân các chỉ số kinh tế của Việt Nam giảm sốc như vậy là vì, theo tiến sỹ Lê Đăng Doanh, đơn hàng từ các thị trường nhập khẩu của Việt Nam giảm; đồng thời các nước có thế mạnh về sản xuất như Indonesia hay Bangladesh ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh với Việt Nam.
Do đó, tiến sỹ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng Chính phủ Việt Nam cần phải cải cách nhiều hơn nữa:
“Điều đó đòi hỏi cần phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, như chuyển đổi sang kinh tế số, công khai minh bạch và cải cách thể chế để giảm bớt các chi phí ngoài pháp luật mà doanh nghiệp hiện nay vẫn phải trả khi họ muốn thực hiện một số thủ tục kinh doanh nhất định.”
Cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công
Theo tiến sỹ Lê Đăng Doanh, hiện nay, để giải quyết các khó khăn, tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, Chính phủ đang đôn đốc đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân còn bị cho là còn chậm:
“Chính phủ thì rất là thiện chí nhưng vấn đề bây giờ là người lao động phải tiếp cận được và giải ngân gói hỗ trợ một cách có hiệu quả và đúng địa chỉ nhất.”
Ông lấy ví dụ là gói hỗ trợ cho vay 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ…
Tuy nhiên, theo Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng mặc dù gói tín dụng với lãi suất ưu đãi đã sẵn sàng nhưng sẽ khó có thể giải ngân hiệu quả bởi rất nhiều dự án “nghẽn” các thủ tục pháp lý.
Theo tiến sỹ Trí Hiếu tỉ lệ đầu tư công hiện nay giải ngân rất chậm. Mặc dù Chính phủ đã có sẵn nguồn tiền, tuy nhiên, vì một số nguyên do như chậm giải phóng mặt bằng, thiếu nguyên vật liệu, chuyên gia, chuyên viên hoặc là các quy định chồng chéo của pháp luật…
Cũng theo số liệu từ Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân trong quý một năm 2023 đạt 9,69% kế hoạch, đạt 10,35% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.