Toà án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng sẽ tổ chức phiên toà phúc thẩm vào ngày 26/9 đối với giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước do có kháng cáo kêu oan.
Ông Phước, 60 tuổi, là giảng viên của trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, bị kết án tám năm tù giam và bốn năm quản chế trong phiên tòa sơ thẩm ngày 06/6 vừa qua với tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự
Bà Lê Thị Hà, vợ của ông Phước, cho RFA biết bà nhận được thông tin về phiên toà phúc thẩm mà bà được mời tham dự với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
“Tôi nhận được thông báo của toà án về lịch xử phúc thẩm anh Phước vào ngày 17/8. Phiên xử phúc thẩm sẽ diễn ra tại trụ sở của Toà án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày 26/9 tới đây.
Cũng như trong phiên sơ thẩm, gia đình có thuê luật sư Lê Xuân Anh Phú (Buôn Mê Thuột) và luật sư Văn phòng luật sư Thăng Long( Hà Nội). Tuy nhiên, do đường xá xa xôi và các vấn đề khách quan khác nên trước phiên phúc thẩm, cho đến giờ này cũng chỉ có luật sư Phú là đã gặp thân chủ trước phiên phúc thẩm.”
Bà cho biết sau phiên sơ thẩm hơn ba tháng trước, bà được vào thăm chồng ở Trại tạm giam của Công an tỉnh Đắk Lắk, và ông Phước có tinh thần vững vàng cho dù bị bản án nặng nề.
Luật sư Lê Xuân Anh Phú nói với RFA về việc bào chữa cho thân chủ của mình trong phiên toà phúc thẩm tới đây:
“Rất là khó đối với những tội này mặc dù việc buộc tội có những vấn đề lấn cấn. Theo quan điểm của tôi thì việc buộc tội cũng có phần khập khiễng.
Anh Phước nói không có tội thì mình bào chữa theo hướng không có tội, hoặc (đề nghị) huỷ án điều tra lại để làm rõ một số vấn đề.”
Một số người bạn Facebook của ông Phước từng bị triệu tập cho phiên sơ thẩm cũng bị mời đến phiên toà phúc thẩm. Bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ của cựu tù nhân lương tâm Ngô Văn Dũng cho RFA biết:
“Trong phiên sơ thẩm, toà có nói tôi nhận xét về anh Phước. Tôi nói việc làm của anh Phước là đúng và tôi tôn trọng anh ấy, còn chính quyền nói ảnh sao thì tuỳ.
Tôi sẽ tham dự phiên phúc thẩm để được nhìn thấy anh ấy, và đồng hành cùng gia đình.”
Trong phiên toà sơ thẩm kéo dài chưa đến một ngày, ông Phước bị kết tội có hành vi “viết hoặc tải từ mạng Internet nhiều bài viết có nội dung không khách quan, không đúng sự thật; vu khống, xúc phạm, bôi nhọ uy tín, danh dự Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân… gây kích động, hoang mang trong nhân dân, gây mất trật tự, an toàn xã hội.”
Các bài viết mà cáo trạng nêu trên đề cập đến sự kiện đàn áp Đồng Tâm, hoà hợp dân tộc, chống tham nhũng, phê phán chính sách đối phó với đại dịch COVID…
Ông còn bị cho là sử dụng thư điện tử để gửi nhiều bài viết có nội dung nêu trên đến nhiều cơ quan, tổ chức, và cá nhân trong và ngoài nước cũng như ký tên vào 20 kiến nghị, kháng thư, và tuyên bố của các nhân sĩ trí thức đề nghị sửa đổi Hiến pháp, phản đối Trung Quốc, bãi bỏ Điều 258 “lợi dụng quyền tự do dân chủ” của Bộ luật Hình sự 1999…
Ông cũng bị cáo buộc trực tiếp hát và đánh đàn cho người khác hát nhiều bài hát với nội dung “gây chiến tranh tâm lý nhằm mục đích chống Nhà nước và lôi kéo người nhẹ dạ để diễn biến hoà bình.”
Luật sư Lê Văn Luân, một trong số luật sư tham gia bào chữa cho ông Phước trong phiên sơ thẩm, cho RFA biết cáo buộc từ Viện Kiểm sát không dựa trên căn cứ cụ thể và mức án mà toà đưa ra là quá nặng nề so với những gì mà ông Phước đã làm.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho rằng mức án dành cho ông Đặng Đăng Phước là quá đáng và không thể chấp nhận được. Bản án này cho thấy Nhà nước Việt Nam hoàn toàn không khoan dung đối với những công dân chống tham nhũng và bất công.