“…Tăng cường công tác giáo dục liêm chính, trước hết là đối với cán bộ, đảng viên, những người đang nắm giữ quyền lực để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ gốc, từ sớm, từ xa.”
Đó là phát biểu của trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc được truyền thông loan trong ngày 20/8/2024. Ông Trạc nói như trên sau khi cũng chính ông, trong ba tháng trước thông báo Việt Nam đã thực hiện khởi tố hơn 1.800 vụ án tham nhũng, chức vụ với hàng ngàn cán bộ, đảng viên bị bắt về các tội tham nhũng. Và, cũng theo ông Trạc, con số vụ án tham nhũng trong năm 2024 tăng hơn 60% so với năm ngoái.
Giải pháp giáo dục có hiệu quả?
Một người dân ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 28/8/2024 cho RFA biết ý kiến về giải pháp phòng ngừa tham nhũng của trưởng ban Nội chính trung ương:
“Liêm chính tức là thanh liêm và chính trực. Cán bộ đang nắm giữ quyền lực là những đảng viên Đảng cộng sản. Vì vậy, chỉ cần họ thực hiện đúng, đầy đủ quy định 19 điều đảng viên không được làm, đã bao hàm những vấn đề thuộc về ‘liêm chính”, do Đảng ban hành là tốt rồi. Mặt khác, cán bộ, đảng viên lúc nào cũng phải “học tập và làm theo tấm gương, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” vẫn chưa đủ hay sao mà phải “tăng cường giáo dục liêm chính với cán bộ đang nắm quyền lực?!”
Việc “tăng cường giáo dục…” theo người dân này không thể chấm dứt được nạn tham nhũng, vì lẽ:
“Ngay từ khi học sinh còn đang ngồi học các cấp học đều có môn học Giáo dục Công dân, đã dạy con người phải trung thực, sau này ra làm việc, nếu là công chức thì phải liêm chính không được ăn cắp của công. Vì bản chất con người nói chung, cán bộ, công chức nói riêng là tham lam nên muốn chống tham nhũng thì Nhà nước phải ban hành các cơ chế kiểm soát bằng luật pháp chứ không phải bằng biện pháp giáo dục này nọ.”
Vì bản chất con người nói chung, cán bộ, công chức nói riêng là tham lam nên muốn chống tham nhũng thì Nhà nước phải ban hành các cơ chế kiểm soát bằng luật pháp chứ không phải bằng biện pháp giáo dục này nọ.
-Một người dân
Người dân này đặt câu hỏi: vì sao nhiều nước không có hô hào giáo dục “liêm chính” đối với cán bộ công chức như Việt Nam mà họ chống được tham nhũng? Qua đó, ông cho rằng:
“Đó là vì họ có cơ chế kiểm soát tốt. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng nói, đại ý là muốn chống tham nhũng thì không phải dùng biện pháp “đốt lò” mà phải bằng thể chế!”
Tại Hội nghị chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giáo dục liêm chính được tổ chức vào ngày 27/8/2024, Ban Nội chính Trung ương cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam đã kỷ luật hơn 4.000 đảng viên do suy thoái, 230 đảng viên vì tham nhũng, bao gồm 45 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám thuộc Đoàn Kon Tum, khi phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội hôm 31/10/2023 cho rằng, những đại án hình sự, kinh tế cho thấy sự xuống cấp về văn hóa và đạo đức. Theo ông Tám đạo đức, lối sống xuống cấp đáng lo ngại, gây bức xúc trong xã hội. Những người chịu sự phán xét của pháp luật và dư luận lại nằm trong số một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống.
Hoàn thiện cơ chế để chống tham nhũng
Phó Giáo sư – Tiến sĩ (PGS-TS) Hoàng Dũng, Nhà Nghiên cứu Ngôn ngữ từng làm việc nhiều năm ở trường Đại học Sư phạm TPHCM, hôm 28/8/2024 nhận định với RFA về việc chống tham nhũng của Việt Nam:
“Người ta cứ theo cái cách gọi là đức trị thì muôn đời không thành công. Bởi vì mình bỏ viên mỡ túi trước con mèo và bảo ‘mèo ơi đừng ăn mỡ, ăn mỡ xấu lắm’… con mèo sợ uy chủ nhưng mà khi chủ quay đi thì nó cũng ăn… Cho dù nói những lời lẽ hay đến đâu đi nữa thì nó không thay thế được một cơ chế. ‘Đồ ăn thức uống mà muốn con mèo không ăn vụng’ thì phải bỏ vào tủ khóa thật kỹ. Rồi ‘nếu con mèo cạy tủ ăn vụng’ thì phải có đòn, để nó thất kinh lần sau không ăn nữa. Và phải cho mèo ăn no, thì nó không cần phải cạy tủ mà ăn.”
Do đó, PGS-TS Hoàng Dũng cho rằng phải có ba phương cách cần thực hiện để làm sao không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và cũng không cần tham nhũng. Còn “giáo dục liêm chính” như ông Trạc phát biểu, theo giáo sư Dũng, chỉ là rao giảng đạo đức:
“Còn bây giờ chỉ nói là đem giáo dục, thì dù đem tư tưởng Hồ Chí Minh ra giáo dục đi nữa, nói ‘mèo ơi ăn xấu lắm’ thì quay đi nó vẫn ăn. Thành ra tôi muốn nói rõ, chống tham nhũng là chống cả một cơ chế, chống bằng một cơ chế… Chứ không phải bằng mấy lời rao giảng đạo đức… Cách giải quyết như thế là không bao giờ xong được cả.”
Chống tham nhũng là chống cả một cơ chế, chống bằng một cơ chế… Chứ không phải bằng mấy lời rao giảng đạo đức… Cách giải quyết như thế là không bao giờ xong được cả.
-PGS-TS Hoàng Dũng
Từ Hà Nội hôm 28/8/2024, Cựu Trung tá Vũ Minh Trí cho RFA biết ý kiến:
“Tất cả những điều mà ông Phan Đình Trạc nói tăng cường giáo dục liêm chính.v.v… thì không phải là người đầu tiên nói vấn đề này. Cách đây khoảng năm năm đã có một vị giáo sư ở học viện quốc gia Hồ Chí Minh còn đề nghị thành lập cả Viện đạo đức, để có thể dạy cho cán bộ đảng viên những bài học về đạo đức. Thế cho nên tất cả những lời vừa rồi chỉ là chót lưỡi đầu môi, câu chuyện bên lề cho vui… Chứ còn đối với tất cả cán bộ, đặc biệt cán bộ cấp càng cao, là những người có tuổi, có thực tiễn công tác, có hiểu biết đầy đủ… thì có lẽ không ai có thể giáo dục cho họ.”
Theo Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, biện pháp duy nhất là áp dụng nghiêm pháp luật, nếu sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó, như vậy mới chính là hình thức răn đe, hình thức giáo dục có hiệu quả nhất. Ông nói tiếp:
“Như vừa rồi có tình trạng rất nhiều cán bộ phạm tội ở mức độ rất cao, có thể đã tham nhũng hàng chục, hàng trăm tỷ đồng… nhưng đều xử với mức án tù tương đối nhẹ nếu so với dân thường. Và chỉ sau một thời gian, ví dụ như có tin sắp tới những người đã khắc phục hậu quả kiểu như là Nguyễn Thành Long cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, hay là Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh… đã khắc phục hậu quả thì có thể được tha tù trước hạn.”
Cựu Trung tá Vũ Minh Trí cho rằng, tha tù trước hạn như vậy là hoàn toàn phản giáo dục, và chỉ có thể là kích thích cho bọn tham nhũng sẽ tham nhũng nhiều hơn mà thôi.