Hoa Kỳ quan tâm đến tiểu vùng sông Mekong
RFA: Tuần trước, ba chuyên gia hàng đầu trong đó có ông, đã được Tiểu ban Đối ngoại của Hạ viện về Châu Á, Thái Bình Dương, Trung Á và Không phổ biến vũ khí hạt nhân mời để tiến hành một phiên điều trần về những thách thức hiện tại ở tiểu vùng sông Mê Kông. Trước hết xin cho biết vì sao Hạ viện đặc biệt quan tâm đến khu vực Mekong vào thời điểm này.
Greg Poling: Rất vui được nói chuyện với các bạn. Sở dĩ Hạ viện quan tâm đến Đông Nam Á và tiểu vùng Mekong nói riêng vào lúc này phần lớn là do thách thức từ Trung Quốc.
Đây là khu vực thực sự nằm ở tuyến đầu trong cuộc cạnh tranh của Hoa Kỳ với Trung Quốc về ảnh hưởng, bao gồm ảnh hưởng kinh tế, ảnh hưởng chính trị và ảnh hưởng an ninh trong khu vực.
Và đặc biệt, nhiều thành viên của Tiểu ban Đối ngoại Hạ viện về châu Á, trong đó có Chủ tịch Ami Bera, gần đây đã đến khu vực, thăm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Và họ cũng vừa có chuyến thăm bên lề của Chủ tịch Meeks (Gregory Meeks) tới Campuchia. Ông là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện. Ông đã tới Campuchia bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN để ký Biên bản ghi nhớ chính thức, đưa Quốc hội Hoa Kỳ trở thành quan sát viên của Hội đồng Liên nghị viện ASEAN, là nhóm của tất cả các Quốc hội và nghị viện khác nhau ở Đông Nam Á.
Trung Quốc ở Campuchia: Đường băng bên trong khu nghỉ dưỡng
RFA: Phát biểu tuần trước của ông tại Hạ viện tập trung vào ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia và những khó khăn mà nó gây ra cho lợi ích của Mỹ, các đồng minh của Mỹ trong khu vực và thậm chí cả Campuchia. Xin ông cho biết những điểm chính mà ông đã điều trần tại Hạ viện.
Greg Poling: Có lẽ không có gì ngạc nhiên đối với bất kỳ ai khi biết rằng Campuchia là một quốc giá Đông Nam Á mà ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế và chính trị rõ ràng nhất, và gần đây là ảnh hưởng quân sự.
Vì vậy, mối quan tâm lớn nhất đối với Hoa Kỳ vào lúc này là dấu chân quân sự của Trung Quốc tại Căn cứ hải quân Ream ngày càng tăng đậm hơn. Căn cứ hải quân Ream là một căn cứ hải quân của Campuchia trên Vịnh Thái Lan, đang được hiện đại hóa và mở rộng nhanh chóng bằng cách sử dụng kinh phí của Trung Quốc và có lẽ cả công nhân xây dựng Trung Quốc. Và khoảng một nửa căn cứ dường như đã được chia cho Trung Quốc sử dụng độc quyền. Chính phủ Hoa Kỳ đã thấy một thỏa thuận bí mật giữa chính phủ Campuchia và chính phủ Trung Quốc vào năm 2019, nói rằng một nửa căn cứ sẽ được trao cho Trung Quốc để sử dụng độc quyền. Và đó là mối quan tâm ngày càng tăng của Hoa Kỳ trong nhiều năm.
Ngoài ra, một cơ sở khác có liên quan mà Hoa Kỳ cũng quan tâm là đường băng Dara Sakor. Đường băng này là một phần của khu nghỉ dưỡng Dara Sakor đang được phát triển bởi Tập đoàn Phát triển Liên minh Thiên Tân, một công ty tư nhân của Trung Quốc. Đó là thực thể tư nhân trên danh nghĩa, nhưng có liên kết rất chặt chẽ với PLA (Quân đội Trung Quốc). Đường băng trong khu nghỉ dưỡng này nằm ở phía bên kia của vịnh Ream.
Căn cứ Ream ở Campuchia trên bản đồ hải quân Trung Quốc ở Biển Đông
RFA: Như ông đã đề cập trong phiên điều trần tại Hạ viện, Campuchia đã dọn dẹp và dỡ bỏ một cơ sở hải quân do Hoa Kỳ viện trợ tại Căn cứ Hải quân Ream, chuyển chúng đến một địa điểm xa hơn và ít được sử dụng hơn, sau đó khu vực này được Trung Quốc tài trợ để xây dựng một căn cứ lớn hơn. Xin ông đánh giá và phân tích về động thái này của Campuchia và Trung Quốc. Nếu nhìn vào vị trí của eo biển Malacca, vị trí của căn cứ hải quân Ream của Campuchia trên toàn bộ bản đồ hải quân của Trung Quốc ở Đông Nam Á, kể cả các căn cứ hải quân ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, chúng ta có thể nhận ra Ream có vai trò gì không? Nó có vai trò gì trên bản đồ quân sự Trung Quốc?
Greg Poling: Đối với Campuchia, dường như mục đích của họ khi thực hiện những dự án này là tiền bạc. Các bạn biết đấy, nhận được tiền của Trung Quốc để xây dựng căn cứ là có ý nghĩa về mặt kinh tế nếu hải quân Campuchia muốn có một cơ sở lớn hơn.
Ngoài ra, dự án cũng phản ánh vai trò rộng lớn hơn của Trung Quốc trong nền kinh tế Campuchia vào thời điểm này. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào Campuchia hàng năm. Đó là đối tác thương mại lớn nhất. Một số SEZ (Đặc khu kinh tế), đặc biệt là Sihanoukville SEZ, về cơ bản là các vùng đất của Trung Quốc. Và do đó, Trung Quốc hiện đang thực hiện một mức độ ảnh hưởng kinh tế và chính trị đáng kể đối với việc ra quyết định ở Campuchia. Điiều này có thể giúp giải thích lý do tại sao họ được độc quyền tiếp cận căn cứ hải quân Ream, mặc dù thực tế là hiến pháp Campuchia rõ ràng cấm sự hiện diện quân sự thường trực của nước ngoài.
Chính phủ Campuchia ít nhất có vẻ hơi lúng túng vì điều này. Đó là lý do tại sao các quan chức Campuchia liên tục thay đổi cách giải thích của họ về dự án. Khi câu chuyện này mới được khơi ra vào năm 2019 và 2020, các quan chức Campuchia luôn nói rằng tất cả điều này là sai và không có thỏa thuận nào với Trung Quốc. Và rồi sau khi họ phá bỏ các cơ sở do Mỹ viện trợ xây dựng tại Ream vào giữa năm 2020, cuối cùng họ nói: Thôi được rồi, Trung Quốc đang xây dựng một cái gì đó, nhưng Trung Quốc sẽ không sử dụng chúng. Nó chỉ dành cho chúng tôi. Như vậy những lời giải thích của họ đã liên tục thay đổi.
Tại sao Trung Quốc muốn căn cứ hải quân này? Tôi nghĩ nó giúp bổ sung cho việc bành trướng sự hiện diện quân sự mà Trung Quốc đã xây dựng ở Biển Đông bằng cách sử dụng các đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Nếu đứng một mình, căn cứ Hải quân này tự nó thực sự không có nhiều ý nghĩa đối với Trung Quốc. Nếu các bạn đặt một cây thước xuống bản đồ và đánh giá khoảng cách từ căn cứ hải quân Ream ở Campuchia đến eo biển Malacca, nơi mà Trung Quốc hết sức quan tâm, thì đó là khoảng cách tương đương với khoảng cách từ căn cứ của Trung Quốc trên đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa tới Malacca.
Vì vậy, khía cạnh Hải quân không quan trọng lắm. Điều quan trọng hơn là các thiết bị cảm biến, radar và thông tin liên lạc mà Trung Quốc có thể đưa vào Ream, những thứ sẽ cho phép Trung Quốc giám sát hoạt động ở Vịnh Thái Lan, ở Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và thậm chí có thể ở phía đông Ấn Độ Dương, nơi sẽ rất hữu ích cho Trung Quốc, cả trong việc theo dõi những gì Việt Nam đang làm và cả những gì Hoa Kỳ đang làm trong các mối liên minh và các cuộc tập trận chung với người Thái và người Malaysia.
Một điều quan trọng khác là đường băng Dara Sakor mà tôi đã đề cập, không phải là một phần của Căn cứ Hải quân Ream nhưng ở gần đó, dường như được xây dựng theo tiêu chuẩn quân sự.
Đó là một đường băng cấp quân sự rất dài thực sự có thể giúp ích cho Trung Quốc khá nhiều. Một, nó sẽ cho phép Trung Quốc phóng máy bay tuần tra trên Vịnh Thái Lan. Thứ hai, nó sẽ cung cấp cho các máy bay chiến đấu của Trung Quốc cái gọi là đường băng phụ, tức là một đường băng mà họ có thể hạ cánh nếu cần, nếu họ gặp rắc rối. Điều này rất quan trọng đối với hàng không mẫu hạm. Hàng không mẫu hạm cần một đường băng chuyển hướng gần đó, phòng trường hợp máy bay bị lạc. Nếu máy bay có một vấn đề với các cảm biến, bạn sẽ không muốn máy bay của mình phải đâm xuống biển. Nhưng không giống như Mỹ, Trung Quốc không có nhiều bạn bè và đồng minh. Không có nhiều nơi có thể cho máy bay chiến đấu Trung Quốc hạ cánh. Campuchia có thể là một trong những nơi đó.
Căn cứ Hải quân Ream và Kênh đào Kra
RFA: Ông có nhắc đến Vịnh Thái Lan. Đây là khu vực Kra ở Thái Lan. Vì vậy, tôi muốn hỏi về điểm này.
Greg Poling: Vâng.
RFA: Trung Quốc và Thái Lan đã nhiều lần thảo luận về dự án đào kênh đào Kra xuyên Thái Lan. Gần đây, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Úc đều muốn tham gia vào dự án, không muốn Trung Quốc độc quyền trong dự án này. Về mặt kinh tế, Ngân hàng Thế giới tuyên bố rằng 140.000 tàu sẽ đi qua eo biển Malacca hàng năm vào cuối thập kỷ này, vượt xa khả năng 122.000 tàu của nó. Do đó, việc xây dựng kênh đào mới này có thể làm giảm áp lực lên eo biển Malacca. Kênh đào này sẽ mang lại lợi ích cho các công ty vận chuyển và hậu cần vì sẽ giảm chi phí vận hành và hành trình giữa Đông Á và châu Âu. Nhưng về mặt chính trị và quân sự thì sao? Theo ông, việc Trung Quốc phát triển căn cứ hải quân Ream ở Campuchia có tạo lợi thế gì cho Trung Quốc trong việc cạnh tranh với Mỹ và đồng minh ở khu vực kênh đào Kra trong tương lai?
Greg Poling: Có thể, nhưng cá nhân tôi cực kỳ nghi ngờ rằng có ai đó sẽ đào con kênh. Tôi nghĩ họ sẽ còn nói về con kênh này lâu hơn cả khi tôi còn sống.
Luôn luôn có những doanh nhân tư nhân hiểu đúng ý tưởng này rằng họ sẽ đào một Kênh đào Panama mới hoặc Kênh đào Suez mới và họ sẽ trở nên giàu có. Nhưng thực tế, đây sẽ là một công việc to lớn, cực kỳ tốn kém, hủy hoại môi trường, về mặt chính trị và cực kỳ khó khăn để duy trì thực thi dự án.
Nó sẽ dựa vào sự cho phép chủ yếu là từ chính phủ Thái Lan. Điều này có thể thay đổi sớm nhất là trong năm nay. Nhưng ý tôi là, bạn cũng cần đàm phán với chính phủ Malaysia, chính phủ Singapore, bạn biết đấy, có các tuyến đường sắt, đường bộ và đường thủy xuyên qua eo đất để đến các quốc gia khác. Bạn phải làm tất cả những điều đó cho một dự án có lẽ sẽ không kiếm được nhiều tiền. Ý tôi là hơi ấu trĩ.
Nó khá gần eo biển Malacca. Điều gì làm cho kênh đào Panama hoạt động? Điều gì làm cho kênh đào Suez hoạt động? Có phải đó là những cách duy nhất để đi qua nơi bạn đang cần đến? Kênh đào cắt ngang Kra sẽ chỉ là một trong nhiều cách để đi từ Biển Đông vào Ấn Độ Dương. Có eo biển Malacca, có eo biển Lombok và Sunda. Vì vậy, sẽ có lợi một chút cho Trung Quốc nếu có một số cách khác để đưa tàu của họ, đặc biệt là cho cả tàu hải quân Hoa Kỳ, ra khỏi Vịnh Thái Lan, Biển Đông, mà không cần phải đi qua eo biển Malacca, nơi mà tất nhiên là Mỹ và Singapore giám sát. Nhưng liệu nó có lợi ích đến mức đáng để họ có thể chi hàng chục tỷ đô la trong một thập kỷ và phá hỏng mối quan hệ của họ với Thái Lan và Malaysia? Chắc là không.
Đối sách của Việt Nam
RFA: Câu hỏi cuối cùng, trở lại vấn đề của Việt Nam, căn cứ Ream nằm cạnh đảo Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang. Về mặt quân sự, Trung Quốc đã giành được ưu thế tại Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, và bây giờ họ nắm thêm một căn cứ trên Vịnh Thái Lan. Xin ông cho biết tác động của tình hình quân sự này đối với Việt Nam? Việt Nam nên thực hiện chiến lược nào bây giờ và trong tương lai? Việt Nam nên phát triển căn cứ quân sự ở Phú Quốc, Kiên Giang hay tập trung phòng thủ Sài Gòn? Về hợp tác quốc tế, Việt Nam phải làm gì?
Greg Poling: Tôi không thể tư vấn một cách thực tiễn cho Chính phủ Việt Nam ở cấp độ chiến thuật như thế. Điều tôi có thể nói, xin lỗi, là chính phủ Việt Nam nên lo lắng hơn chính phủ Hoa Kỳ về các thiết bị và căn cứ hải quân của Trung Quốc, bởi vì trong thời bình chúng cho phép Trung Quốc theo dõi mọi việc Việt Nam làm ở miền Nam. Nó sẽ cho phép Trung Quốc giám sát tất cả các hoạt động của hải quân không quân Việt Nam ở bất cứ đâu ở miền Nam, bất cứ nơi nào ở Vịnh Thái Lan. Nó có khả năng sẽ thử phóng những máy bay tuần tra có thể bay vòng quanh bờ biển Việt Nam. Tất cả những điều này cần được quan tâm và nó mang lại cho Trung Quốc một cứ điểm tấn công giả định khác, trong trường hợp xảy ra xung đột. Vì vậy, Việt Nam sẽ không phải lo lắng về biên giới phía bắc, nơi đã là mối quan tâm hàng đầu của họ và mối quan tâm thứ hai là Hoàng Sa.
Bây giờ Việt Nam cũng sẽ phải lo lắng chú ý tới phần bụng mềm dưới thắt lưng ở phía nam này. Một phần của câu trả lời của tôi cho câu hỏi này chắc chắn là Việt Nam phải củng cố mối quan hệ chính trị với Campuchia. Chúng tôi có mọi lý do để tin rằng các quan chức Việt Nam đã đặt vấn đề thỏa thuận với các quan chức Campuchia. Tại sao họ không?
Và tất nhiên, Campuchia vẫn chưa hoàn toàn là một “quốc gia ủy nhiệm”, ý tôi là, Campuchia có người của mình ở đây. Và một phần của câu trả lời là Việt Nam đang cố gắng làm những gì có thể để đảm bảo rằng người Campuchia sẽ không bao giờ cho phép sử dụng một căn cứ hải quân cho loại hoạt động quân sự như vậy (của Trung Quốc). Và rồi trong thời bình, Việt Nam sẽ phải theo dõi và cố gắng ngăn chặn kiểu thu thập thông tin tình báo như đã nói ở trên, điều chắc chắn sẽ xảy ra.
RFA xin cảm ơn ông Greg Poling đã dành cho thính giả cuộc phỏng vấn này.