Lãnh đạo Hà Nội đang đề xuất thí điểm “Thành phố nói không với thịt chó, mèo”.
Tôi chẳng tin tưởng mấy.
Xuất phát từ nguy cơ sợ nhiễm bệnh từ chó mèo cũng vậy, mà vì sợ khách du lịch quốc tế bị phản cảm cũng thế.
Chẳng thành công đâu.
Vì những người thích ăn thịt chó không phải đều là quân ăn thùng uống vại, ham ăn hốt uống, phàm phu tục tằn đến nỗi cái gì cũng nhét vào miệng được. Cũng không phải là người lạnh lẽo tình cảm, không biết yêu thương động vật.
Đơn giản chỉ vì thịt chó ngon thật!
Hội yêu chó… theo ký
Trên đê Nhật Tân (Hà Nội) từng có một chuỗi các quán thịt chó gần sát nhau, trong đó có một số quán mang những cái tên na ná: Anh Tú, Anh Tú Béo, Anh Tú xịn, Anh Tú thật, Anh Tú nhà lá… Gió từ sông lộng vào mát rười rượi, ngồi khề khà với bạn bè thân thiết quanh những món ăn ngon đến chảy nước dãi, đó là một mỹ vị của đời sống.
Nói thẳng thắn và công bằng thì trong cuộc đấu tranh bảo vệ chó quyền từ nhiều chục năm nay, sở dĩ những người bảo vệ chó quyền chưa thể giành được thắng lợi vẻ vang, vì chính lý do giản dị này.
Thịt lợn, thịt gà, thịt vịt… không thể so sánh với thịt chó về độ ngon, lạ miệng và đặc sắc của nó.
Đó là sự thật. Nếu không thì các tay tổ sành ăn đời ông bà chúng ta đã không cảm khái mà thốt lên cái câu để đời:
Sống trên đời ăn miếng dồi chó
Xuống âm phủ không có mà ăn.
Ý văn học của tuyệt tác thi ca ẩm thực trên là dồi chó ngon ngon ngon lắm, tranh thủ lúc còn sống thì ăn cật lực đi kẻo chết vẫn ấm ức vì thèm.
Tả một miếng mỹ thực mà vừa trực diện, vừa triệt để đến thế, hẳn tác giả phải trải nghiệm sâu sắc, hoặc có những giác quan nhạy bén tột độ với miếng ngon.
Tôi cũng từng là người nghiện thịt chó, đồng thời vẫn là người yêu động vật thành thật và thực tế. Ví dụ không bao giờ đánh đập, tạt nước sôi, ném đá, hành hạ chó mèo hay bất cứ con vật nào. Luôn thật sự yêu thương, cho ăn, vuốt ve, nói chuyện… với chó mèo cưng của người khác.
Nghe thế ai cũng cười, nhưng tôi thấy rất nhiều người giống tôi. Và không có gì là éo le, mâu thuẫn trong đó cả.
Nhưng tôi đã ngừng ăn thịt chó từ rất lâu, gần 20 năm rồi. Không phải vì sợ nhiễm bệnh, sợ du khách quốc tế thấy mình hoang dã và phản cảm, hay vì không thấy nó ngon nữa.
Miếng dồi, miếng nướng vẫn cực kỳ ngon, nhưng tôi không chọn đi ăn thịt chó nữa.
Có lẽ vì ngày càng bận rộn, kết thúc công việc trong ngày thì cơ thể đã rã rời, chỉ muốn mau chóng về nhà tắm nước nóng rồi nằm duỗi dài trong chăn lướt Tik Tok để cho cái não đã bị kích thích cả ngày lười biếng trở lại.
Có lẽ vì bạn bè người nào cũng như thế, thời gian dành cho gia đình, công việc và bản thân ngày càng được ưu tiên, nên dần dần cả số lượng và chất lượng đều được chắt lọc. Chỉ muốn và cần gặp tri kỷ, ở bất cứ đâu, ly cà phê, tách trà, nhấm nháp chút thời gian yên lặng bên nhau đã đủ.
Thêm một lý do rất quan trọng nữa ngoài việc không còn thời gian cho những cuộc chè chén dài hai ba tiếng, là khi tôi chuyển chỗ ở thì đồng bọn thích thịt chó cũng tan tác, tản mác mỗi đứa một nơi hết.
Tìm đồng bọn mới chỉ để đi ăn thịt chó thì không phải là ưu tiên nữa.
Chứ nếu có, tôi cũng không dám chắc mình có thể hoàn toàn không động đến một miếng thịt chó nào nữa như suốt gần 20 năm nay hay không.
Hành động thích nghi với môi trường, có lẽ là vậy.
Việc (đề nghị) chọn Hà Nội làm thí điểm thành phố không có người ăn thịt chó mèo, ngoài lý do nơi này là thủ đô, kiểu “phương diện quốc gia”, thì còn một lẽ nữa là dân Bắc thoải mái và phổ biến ăn thịt chó hơn rất nhiều so với dân các vùng khác.
Tôi ở Sài Gòn. Miền Nam vốn là nơi có đủ sắc dân từ nhiều tỉnh thành, vùng miền, dân tộc… đến sinh sống. Dân Bắc di cư vào từ trước 1975, sống quần tụ thành từng khu, đồng thời cũng mang “văn hóa” ăn thịt chó vào vùng đất mới.
Trước kia, khi khu vườn rau Lộc Hưng còn chưa bị giải tỏa, thỉnh thoảng đi qua đấy, tôi còn bắt gặp mấy anh mấy chú hàng xóm với nhau xoay trần ra cầm mớ rơm thui con chó vàng bóng.
Sài Gòn cũng từng có cả những con hẻm thịt chó, trong hẻm san sát toàn các quán thịt chó và thực khách cũng đông nghịt, như Cống Quỳnh (quận 1) một dạo chẳng hạn.
Nhưng nhìn chung, dân miền Nam không phổ biến thói quen ăn thịt chó. Đặc biệt không nuôi chó như cách nuôi con gà con lợn, xem nó là nguồn thực phẩm tươi sống dự trữ trong nhà, hàng ngày vẫn gọi êu êu Vện Vện nhưng chỉ chờ dịp là đè Vện ra oánh chén, như thói quen của không ít dân Bắc nói chung.
Có một số vùng còn nâng thịt chó, thịt mèo lên thành đẳng cấp ẩm thực: đám cưới phải có thịt chó, thịt mèo mới gọi là oách.
Khác với miền Bắc, dân Nam thường do tò mò hoặc được bạn bè rủ đi ăn thịt chó. Cũng ăn, cũng thấy ngon, cũng ghiền. Nhưng đã nuôi thì thường xem là thú cưng. Dù nuôi với mục đích giữ nhà thì con chó thường vẫn được cưng chiều nhất hạng. Với người nuôi vì yêu thích thì nó chính là em bé nhỏ nhất trong nhà, là “con ruột”, nguồn động lực vô biên biết nhảy chồm chồm và vẫy tít cái đuôi mỗi buổi chiều đón ta về. Với ông bà thì khỏi nói. Con cháu đi làm đi học hết cả ngày, có một đứa bốn chân luôn nhõng nhẽo quấn quýt, đòi ăn, đòi chăm bẵm, nghịch ngợm quấy phá để ông bà vừa bực vừa vui. Là giải pháp rất tốt để tránh khỏi cuộc sống thụ động và nhàm chán cả về tinh thần lẫn thể lực.
Sự khác nhau đó là một thói quen trong lối sống, hình thành do vô vàn yếu tố xa xôi và phức tạp từ sâu trong lịch sử. Không vì thế mà nó trở thành một nguyên nhân để kỳ thị Nam-Bắc.
Lần vận động thứ n
Việt Nam chưa có những dịch vụ cho chó mèo đến để người bệnh ôm ấp, chơi với nhằm giúp giảm trầm cảm, hay huấn luyện chó trợ giúp người khuyết tật. Nhưng những quán cà phê chó mèo, nơi nhiều người trẻ đến uống một ly nước, mua một đĩa khoai tây chiên-hầu hết sẽ vào bụng mấy con cún ở đó – thì đã mở ra từ lâu và làm ăn đều đều.
Với phần đông những đứa trẻ lớn lên sau này, nhất là khi từ nhỏ trong gia đình đã nuôi và cưng nựng chó mèo như em bé, tuy không thể tránh khỏi việc vẫn có người thích ăn một món thịt lạ, nhưng có lẽ sẽ ngày càng phổ biến thói quen không ăn thịt chó mèo.
Trên mạng xã hội Việt Nam cũng như ngoài đời thực, có hàng trăm nhóm của cộng đồng những người yêu chó/mèo. Vào các nhóm đó ngắm ảnh chó/mèo của người khác, hay khoe ảnh chó/mèo và các trò nghịch ngợm đáng yêu của chúng là một thói quen xả stress của không ít người trưởng thành.
Đời sống người dân dần dần nâng lên cộng với ý thức về thực phẩm an toàn là một nguyên nhân khiến ngay cả người ghiền thịt chó cũng phải phân vân. Không thực khách nào có thể kiểm soát nguồn thịt chó/mèo bày bán ngoài chợ hay thậm chí trong quán lớn, vì thịt chó/mèo không phải là nguồn thịt thương phẩm được cho phép, có trang trại nuôi và quy trình giết mổ an toàn như với gà, heo, vịt, thỏ, nai, dê, cá sấu…
Theo khảo sát của các nhóm bảo vệ động vật, nguồn chó bị thịt chủ yếu là chó trộm cắp và nhập khẩu. Trong đó có cả chó bệnh, chó hoang chạy khắp nơi.
Trên mạng xã hội từng lan truyền các tấm ảnh chụp những con chó bị xà mâu ghẻ lở khắp người nhưng thui xong thì vẫn vàng ươm bóng nhẫy. Thực khách không thể phân biệt được. Giả sử trông thấy tấm hình kia, có rùng mình một cái, sau đó có thể nghỉ ăn ít lâu. Nhưng rồi cũng sẽ khó cưỡng, nhất là nếu xung quanh vẫn có một đám đồng bọn thích hàng tuần rủ nhau đi “đả cờ tây”, và những quán thịt chó vẫn được mở ra, bày bán rầm rộ.
Năm 2021, TP Hội An đã ký kết trực tuyến với tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu Four Paws về cam kết loại bỏ việc sử dụng, buôn bán thịt chó, mèo. Thỏa thuận có hiệu lực từ cuối năm 2022 đến hết năm nay 2023. Sau thời điểm đó, Hội An có còn là thành phố không có việc buôn bán, sử dụng thịt chó mèo hay không thì còn phụ thuộc vào kết quả vận động của tổ chức Four Paws với đời lãnh đạo hiện tại.
Hiểu cặn kẽ từng câu chữ, thì “loại bỏ việc sử dụng, buôn bán thịt chó, mèo” nghĩa là đưa quá trình sử dụng, buôn bán thịt chó mèo vào diện hành vi bị cấm trong luật pháp. Cụ thể, nếu phát hiện buôn bán, sử dụng thịt chó mèo sẽ bị phạt, thậm chí bị bắt.
Đó lại là điều không thể. Vì luật pháp Việt Nam đến nay tuy không công nhận thịt chó/mèo là nguồn thịt thương phẩm chính thức nhưng cũng không có điều luật nào cấm ăn thịt chó/mèo.
Do vậy, tuy câu chữ rất mạnh mẽ theo kiểu “Cam kết LOẠI BỎ…” nhưng nội dung vẫn chỉ là tuyên truyền vận động. Ai nghe thì nghe, chứ không thể cấm.
Hà Nội có vội được không?
Thông tin trên báo chí Việt Nam cho biết, năm tháng sau khi thỏa thuận được ký (từ cuối năm 2021), tất cả các quầy thịt chó trong chợ Hội An đều đã ngừng bán. Quán thịt chó T.B từng rất nổi tiếng và đông khách cũng chuyển sang bán thịt vịt. Cả thành phố chỉ còn ba quán thịt chó, tuy nhiên cũng không còn đông khách như trước.
Tuy nhiên, Hội An là thành phố nhỏ và rất “gọn” cả về địa lý, hành chính lẫn cơ cấu kinh tế. Khoảng 73% cơ cấu kinh tế Hội An phụ thuộc vào du lịch, nguồn khách đông nhất vẫn từ các nước phương Tây. Dân Tây thì phần đông phản cảm sâu sắc với việc ăn thịt chó mèo. Một chiếc đầu chó bị thui vàng cháy nhe răng trắng nhởn bày bán ngay trên sạp chợ có thể khiến người ta nôn tại chỗ.
Năm 2015, một quan chức cao cấp trong Bộ Ngoại giao Anh cho biết chính phủ nước này sẽ làm mọi cách để giúp ngăn chặn tình trạng ăn thịt chó tại một số nước phương Đông, cụ thể là Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc.
Một nghị sĩ khác cho biết du khách Anh có thể sẽ tẩy chay các quốc gia này để phản đối việc ăn thịt chó.
Tuy rằng các nỗ lực chấm dứt việc ăn thịt chó tại Việt Nam cho đến tận bây giờ (và e rằng còn rất nhiều nhiều năm nữa) vẫn chưa đạt kết quả triệt để, nhưng để thu hút và níu giữ du khách, tốt nhất là loại bỏ hết tất cả những gì gây ấn tượng xấu nhất ở họ. Nói thẳng ra, việc cấm buôn bán thịt chó/mèo, cấm ăn thịt chó/mèo ở Hội An có liên quan trực tiếp đến túi tiền của gần 2/3 số dân sinh sống trong thành phố này. Được số đông ủng hộ thì chủ trương thực hiện nhanh chóng, thuận lợi hơn.
Nhưng Hà Nội lại khác.
Như đã nói, Hà Nội là một trong những địa phương mà người dân có sở thích và thói quen ăn thịt chó từ lâu đời.
Cơ cấu kinh tế Hà Nội cũng không thuần nhất thiên về du lịch như Hội An. Khu vực có tỷ lệ cao nhất là dịch vụ, chiếm hơn 63%. Hà Nội lại là thủ đô, là điểm đến mặc định trong nhiều tour du lịch, nên có cấm thịt chó hay không thì các công ty vẫn đưa khách đến thôi ấy mà. Do vậy sự phản cảm của một bộ phận khách du lịch nước ngoài chưa đủ là động lực quyết định việc loại bỏ thịt chó mèo khỏi bàn ăn dân Hà Nội.
Trong khoảng gần 10 năm gần đây, “Liên hợp các xí nghiệp sản xuất thịt chó” trên đê, khu vực phường Nhật Tân với khoảng 40-50 quán thịt chó vào thời cực thịnh đã biến mất. Chỉ còn lại một quán do chủ quán đã làm nghề này hơn 20 năm, giờ không biết chuyển nghề gì khác.
Một số báo chí Việt Nam đăng những loạt phóng sự cực kỳ hấp dẫn như tiểu thuyết, kể đủ giai thoại kết luận rằng những chủ quán thịt chó sở dĩ dọn quán nghỉ bán do bị chó báo oán, trả thù nghiệp sát sinh quá nhiều. Nhưng thực tế thì trần trùi trụi: Một là do sức cạnh tranh của khu này đã giảm, các quán thịt chó mở ra nhiều nơi chứ không tập trung trên đê Nhật Tân như trước, góp phần phân tán thực khách. Hai, Hà Nội quy hoạch lại khu vực này, mở đường sá rộng đẹp, đất ven đê sốt giá bừng bừng nên hầu hết nhà có đất đều bán đi, lấy vốn mở nghề khác nhàn nhã hơn.
Tuy vậy, hàng chục năm với nhiều đợt cao điểm tuyên truyền vận động không ăn thịt chó/mèo vẫn có kết quả nhất định.
Năm 2020, sau hai năm vận động không ăn thịt chó mèo (lần thứ n), Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội cho biết qua khảo sát có khoảng 30% quán kinh doanh thịt chó/mèo ngừng hoạt động. Nhưng vẫn có các tuyến phố chuyên kinh doanh thịt chó sau khi giảm lượng khách tạm thời thì đông đúc trở lại, hoạt động “ổn định và đi vào chiều sâu”. Lý do vì sao thì như đã nói phần đầu: thực khách bảo do thích ăn thịt chó nên chưa thể dừng được.
Loại bỏ, nhưng bằng cách nào?
Xem ra cuộc chiến thịt hay không thịt chó/mèo ở Việt Nam vẫn còn nhiều tập ở phía trước. Nhất là khi nó diễn ra theo kiểu phụ họa cho các chương trình được lên kế hoạch trong năm của các tổ chức bảo vệ động vật từ nước ngoài chứ không xuất phát từ chính nhu cầu của người dân trong nước. Ôi tốt quá, năm nay có kinh phí cho việc chống thịt chó/mèo hở, thế chúng mình làm một loạt tuyên truyền nhé! Vâng anh em mình xúc tiến đi ạ, giải ngân được khoản này hai bên cùng vui, còn kết quả ra sao thì ai cũng biết, tác động vào ý thức là lâu dài lắm, lâu dài lắm…
Y hệt vô số chương trình rầm rộ khác đã từng, như giải cứu rác (phân loại rác có thể tái chế và không), tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường, làm sạch sông ngòi và biển, chống rác thải nhựa…
Thôi chuyện cũ bỏ qua. Cứ cho là từ năm nay kiên quyết loại bỏ, để Hà Nội còn là điểm đến của du khách trong thiên niên kỷ mới. Nhưng loại bỏ cụ thể bằng cách nào?
Cấm hẳn thì sẽ có người phản đối với lý do không công bằng với người tiêu dùng cũng như với các loài động vật bị nuôi lấy thịt khác như cá, ốc, tôm, sò, gà, vịt, thỏ, ngỗng, dê, cừu…v.v.
Hay đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, thêm điều kiện khó khăn cho người kinh doanh? Khi đó một mâm thịt chó sẽ tăng giá lên cao vút, có thể hạn chế được một phần thực khách.
Hay khoanh vùng nuôi, quy định cho một số cơ sở đủ điều kiện được phép nuôi và giết mổ chó trong khuôn khổ pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ quy trình nuôi-giết mổ an toàn?
…
Chưa thấy Hà Nội bàn cụ thể đến các giải pháp. Chỉ thấy hô hào loại bỏ.
____________
Tham khảo:
https://thanhnien.vn/hoi-an-tro-thanh-thanh-pho-noi-khong-voi-thit-cho-meo-1851506705.htm
https://vtc.vn/nguyen-nhan-mat-tich-day-bi-an-cua-kinh-do-thit-cho-nhat-tan-ar321705.html
https://baoquangnam.vn/du-lich/hoi-an-chat-vat-phuc-hoi-kinh-te-du-lich-106603.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.