Vợ chồng người Do Thái và hai đứa con nhỏ của họ đã có một trải nghiệm không tốt ở Việt Nam khi một chủ quán cà phê vốn ủng hộ Palestine đuổi họ đi nơi khác, hai đoạn video về vụ việc bị đưa lên mạng và lan truyền mạnh mẽ.
Trải nghiệm bài Do Thái duy nhất ở Việt Nam
Daniel Namdar và vợ Raizel, chủ của vlog “Gia đình Do Thái đó” (That Jewish Family) trên Instagram có hơn 200 ngàn người theo dõi chuyên đăng tải hành trình du lịch của họ qua các nước trong đó có Việt Nam.
Hôm 21/6, họ đăng tải một đoạn video cho thấy cả bốn thành viên gia đình bị đuổi khỏi quán nước Railway Tuan ở phố đường tàu nổi tiếng với du khách nước ngoài ở Hà Nội.
“Cút khỏi quán của tao, cút. Đừng ngồi ở đó!” – Người dường như là chủ quán cà phê lớn tiếng bằng tiếng Anh. Khi Daniel đặt câu hỏi “tại sao?” thì người này trả lời “Quán tao không chấp nhận người đến từ đất nước mày”, và phủ nhận việc đuổi những người này đi chỉ vì họ là người Do Thái.
Trong đoạn video trên, chỉ có Daniel và người con trai lên ba tuổi là đội mũ Kippah màu trắng, dấu hiệu cho thấy họ là người Do Thái.
Khi chia sẻ đoạn video về vụ việc, Daniel cho biết đây là một chấn thương tâm lý đối với những đứa trẻ. Anh cảm thấy khó giải thích cho đứa con ba tuổi của mình về chủ nghĩa bài Do Thái và lý do tại sao có người lại không thích cậu vì di sản của cậu.
“Đây không phải là nước Đức của năm 1938. Đây là một chủ cửa hàng ‘ủng hộ Palestine’ ở Việt Nam ngày hôm qua,” ông viết khi đề cập đến cách đối xử của Đức Quốc xã đối với người Do Thái trong thời kỳ Hitler cai trị.
Tuy vậy, Daniel cho rằng “đây là trải nghiệm bài Do Thái duy nhất mà chúng tôi có ở đây. Mọi người khác trên khắp đất nước đều rất thân thiện với gia đình chúng tôi.”
Tờ The Jerusalem Post sau đó đưa tin về cuộc chạm trán của chủ quán cà phê Việt Nam và gia đình Do Thái trên mặt báo. Ngày 3/7, phóng viên cố gắng liên lạc với chủ quán tên Tuấn qua số điện thoại, email để hỏi về vụ việc nhưng không có phản hồi.
Khi nhắn tin qua Fanpage của quán thì phóng viên nhận được tin nhắn trả lời tự động cho biết giờ xe lửa chạy qua, thời điểm không có công an canh gác và số điện thoại của chủ quán.
Phóng viên liên lạc với chủ kênh Instagram kể trên qua ứng dụng Whatsapp thì Daniel cho hay sự việc trên không cho thấy toàn cảnh người dân Việt Nam. Ông viết:
“Người đàn ông này chỉ là một quả trứng thối, chúng tôi yêu người dân Việt Nam và thực ra chúng tôi đang làm một video về sự thật rằng người Việt Nam rất đặc biệt, còn người đàn ông này thì không đại diện cho người dân”.
Trứng thối là một thành ngữ trong tiếng Anh miêu tả một người có khuynh hướng cư xử tồi tệ và gây rắc rối.
Trong ngày 3/7, chúng tôi cũng gọi điện thoại cho công an khu vực tên Hiếu phụ trách khu vực đường Trần Phú, phường Hoàn Kiếm, quận Hà Đông, Hà Nội, tuy nhiên người này cho biết khu vực trên nằm ở địa bàn hai phường và không biết gì về vụ việc.
Ông Hiếu khẳng định các quán cà phê ở đây không hoạt động, mặc dù tài khoản mạng xã hội của cà phê Railway Tuan vẫn đăng tải video đều đặn về tàu đi qua, và các bức ảnh khách ghé quán.
“Chỉ chào đón con người, mèo và chó”
Video thứ hai, có tiêu đề “PHẦN 2: ‘Người ủng hộ Palestinian’ ném chúng tôi ra khỏi cửa hàng vì là người Do Thái,” cho thấy người chủ đưa ngón giữa (đã được làm nhòe) vào gia đình trên và nói: “Tự do cho Palestine” và “Chúng tôi chỉ chào đón con người, chó, và mèo.”
Sau đó, Daniel hỏi liệu anh ta có “được coi là con người vì anh ta là người Do Thái” hay không và nhận được sự im lặng.
“Những quả bom đang đến,” chủ cửa hàng sau đó nói, ám chỉ cuộc chiến mà Israel đang tiến hành chống lại Hamas. “Hãy cẩn thận ở đây. Con bé không được an toàn. Bom là tự động, chúng sẽ bay vào đứa bé.”
Chủ quán chỉ vào miếng decal nhỏ với cờ của Palestine và dòng chữ “Tự do cho Palestine” ngay dưới biển hiệu quán.
Có lúc, người chủ còn mỉa mai rằng con của gia đình này không được an toàn ở quán cà phê vì bom của Israel có thể bay tới từ bất cứ đâu.
Đoạn video cho thấy sau khi xảy ra xung đột một lúc người chủ quán sau đó mới đặt câu hỏi “Bạn đến từ đâu?”
Một luật sư ở Hà Nội không nêu danh tính cho RFA biết có xem qua hai đoạn video trên, tuy nhiên không hiểu rõ tường tận về sự việc. Ông cho rằng “Israel giết bao nhiêu thường dân vô tội nên họ bị phản ứng cũng phải.”
Trong khi đó, nhà báo tự do Đỗ Cao Cường đăng tải đoạn video về vụ việc trên trang Fanpage mang tên ông cùng dòng bình luận:
“Dù trong bất kỳ cuộc chiến nào, dân đen vô tội, những người có lương tri chẳng bao giờ lôi trẻ em và phụ nữ vào.
Chính nghĩa gì đây khi anh hắt hủi, làm nhục trẻ em và phụ nữ, phá hoại nền du lịch, gây chia rẽ dân Việt với nhiều nước, khiến nhiều người Việt Nam ở nước ngoài gặp nguy hiểm. Rồi đến một ngày con, cháu anh sang nước khác cũng bị xua đuổi, anh có vui không?”
Ngày 7/10/2023, các nhóm quân sự Palestine do Hamas lãnh đạo từ Dải Gaza vượt qua hàng rào biên giới tấn công vào Israel giết hơn 1.000 người, khoảng 2/3 trong số đó là thường dân và bắt khoảng 200 người khác làm con tin.
Israel sau đó tổ chức phản công vào Dải Gaza, theo Bộ Y tế do Hamas điều hành, đã có 38.000 người Palestine thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, và hơn 87.700 người khác bị thương.