Khói xe, hoạt động công nghiệp, cộng với thực hành kém trong quản lý chất thải trong đó có biện pháp đốt rác là những nguyên nhân chính khiến nạn ô nhiễm không khí tại thủ đô Hà Nội mỗi lúc một trầm trọng thêm.
Reuters loan tin ngày 19/3 dẫn nhận định của Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Angela Pratt, như vừa nêu. Bà này hối thúc cơ quan chức năng Việt Nam xem xét việc đặt ra những chuẩn tối đa đối với ô nhiễm không khí.
Một thông báo của WHO gửi cho Reuters cho thấy theo ước tính truyền thống thì mỗi năm Việt Nam có chừng 60.000 người chết do nguyên nhân liên quan đến chất lượng không khí.
Bộ Tài nguyên- Môi trường Việt Nam trong một báo cáo năm 2021 thừa nhận tỷ lệ tử vong do các bệnh liên quan đến đường hô hấp chiếm 11% tổng số người chết trong nước mỗi năm.
Reuters gửi yêu cầu đến hai Bộ Y tế và Tài Nguyên- Môi trường Việt Nam để bình luận về các vấn đề liên quan nhưng không nhận được trả lời.
Còn theo báo cáo hằng năm của IQAir- công ty Thụy Sĩ chuyên về công nghệ chất lượng không khí, thì hồi năm ngoái Hà Nội là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Vào năm 2023, tỷ lệ bụi min trung bình trong không khí PM 2.5 tại Hà Nội cao gần gấp 9 lần quy định do WHO đưa ra.
Trong những tháng đầu năm nay, Hà Nội thường xuyên đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong bảng theo dõi hằng ngày của IQAir.
Do ô nhiễm không khí mỗi lúc một tệ hại, nhiều bà mẹ tại Hà Nội không cho con ra ngoài chơi; trong khi đó một số người nước ngoài làm việc tại Hà Nội muốn rời khỏi thành phố này.