Hai người cuối cùng trong nhóm 20 thuyền nhân ở La Gi (Bình Thuận), tị nạn ở Indonesia, đã đến được Canada định cư. Hành trình hơn bảy năm tìm kiếm tự do, với hai lần liều mạng vượt biển, bị trục xuất rồi phải chịu cảnh tù đày được khép lại. Khi đến được xứ sở tự do, họ thuật lại lý do buộc phải liều mình dù có thể phải bỏ mạng trên biển khơi: đó là bị chính quyền đẩy vào thế cùng, không còn đường sống trên quê hương.
Cuối cùng cũng đến được “tự do”
Ông Nguyễn Tài và bà Nguyễn Thị Kim Nhung là hai người cuối cùng trong nhóm này, đã đặt chân xuống sân bay Toronto, Canada từ Jakarta hôm 28/9 vừa qua.
Ông Tài chia sẻ cảm xúc khi được đến định cư tại một nước thứ ba sau bảy năm chờ đợi:
“Tôi vui lắm. Công việc và nhà ở bây giờ cũng đều ổn định hết rồi. Tuần sau tôi đi làm ở hãng gỗ.”
20 người được chia thành ba đợt để đến Canada. Đợt thứ nhất có bảy người đi hồi tháng 1/2022, và đợt thứ hai vào hồi tháng bảy vừa qua. Trong số này, có 18 người là thuyền nhân, hai người còn lại bay sang Indonesia sau.
Bà Trần Thị Lụa, người đến Canada hồi tháng một, nói với RFA rằng bà vui mừng đến mức không thể ngủ được khi hay tin tất cả đều được Chính phủ Canana cấp visa định cư:
“Hiện tại, chúng tôi đã có một cuộc sống ổn định, đã đi làm hết rồi. Mình qua bên này đi làm, cuộc sống rất tự do. Mình được tự do về mọi thứ. Các cháu được đến trường. Nói chung rất là vui mừng.”
Một ký giả người Úc tên Shira Sebban, người đã gây quỹ để giúp nhóm thuyền nhân này có tiền ăn ở trong thời gian đầu họ đến Indonesia, đại diện làm việc với cơ quan di trú Indonesia, cũng như giúp điền hồ sơ xin tị nạn và tái định cư ở Canada, bày tỏ niềm vui trên trang Facebook cá nhân:
“Chúng tôi vui mừng thông báo rằng hai thành viên cuối cùng trong nhóm ba gia đình tị nạn Việt Nam đã đến Canada an toàn… Đây là một nỗ lực to lớn, với sự tham gia của rất nhiều người ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới.”
Ký giả này còn cho biết bà đang viết một cuốn sách viết về hành trình tìm kiếm tự do của ba gia đình, dự kiến sẽ phát hành trong năm sau.
Ông Đỗ Kỳ Anh, người đại diện của VOICE Canada – tổ chức giúp vận động cho nhóm thuyền nhân – nói với RFA rằng đây là một dự án chung (Joint project) rất thành công, nhờ vào sự bảo trợ của cộng đồng người Việt ở Canada và ở Úc, thông qua chương trình “Bảo trợ tư nhân” (private sponsorship).
Ông Kỳ Anh cho biết hiện tại, tất cả tám người lớn trong nhóm đều đã có công ăn việc làm, con nít thì được đi học. Cuộc sống cơ bản đã ổn định:
“Thiệt tình, giúp được gia đình nào là chúng tôi rất là mừng, rất vui khi mình đã giúp được những người này qua được một đất nước tự do. Và một phần chúng tôi nghĩ mình là những người vượt biên đi trước, mình có thể làm được gì giúp cho những người tị nạn thì mình nên làm.”
Hành trình vượt biển, tù đày, rồi lại vượt biển
Hành trình vượt biên tìm tự do của nhóm thuyền nhân này bắt đầu từ năm 2015. Theo lời bà Lụa, hồi còn ở Việt Nam, gia đình bà làm nghề biển, cũng có nhà cửa, công ăn việc làm ổn định.
Khi đó, bà có tham gia vào nhóm “Bảo vệ Biển Đông”. Những lần Trung Quốc gây hấn với Việt Nam trên biển, bà có báo cáo với Chính quyền Việt Nam nhưng đều bị phớt lờ:
“Chúng tôi không có quyền tự do ngôn luận. Mình phải im thì mới được sống tại đất Việt Nam, còn nếu mình nói lên thì sẽ bị đàn áp. Mình thấy cuộc sống không được quyền tự do ngôn luận, cũng không có tự do ở tại Việt Nam, thành ra chúng tôi quyết định ra đi.”
Tháng 7/2015, bà Trần Thị Lụa cùng gia đình khởi hành vượt viên sang Úc. Sau 21 ngày đêm lênh đênh trên biển, ghe của bà được tàu Hải quân của Úc vớt đưa về đất liền.
Chính phủ Úc khi đó ra quyết định trục xuất toàn bộ thành viên trên ghe của bà Lụa, cùng với một tàu khác của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Loan, đã vượt biên đến Úc hồi tháng 3/2015.
Tổng cộng 46 người bị cưỡng ép đưa về Việt Nam vào sáng ngày 26/7/2015. Một nhân viên hải quan, đại diện cho chính phủ Việt Nam, đến đón 46 người và tuyên bố rằng “Chúng tôi hứa không bắt bớ, không tù đày không tù đày tạo công ăn việc làm, cho con em đến trường và hòa nhập với cuộc sống.”
Tuy nhiên, Chính quyền Việt Nam đã nuốt lời hứa. Sáu người trong nhóm này đã bị bắt giam, khởi tố và bỏ tù vì tội “Tổ chức vượt biên trái phép”. Có người bị đánh đến liệt hai chân trong quá trình tạm giam. Riêng bà Lụa bị đánh hộc máu phải đi cấp cứu, rồi được cho tại ngoại hầu tra.
Ngày 31/1/2017, 18 người, bao gồm gia đình bà Trần Thị Lụa, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Loan cùng hai người khác liều mình vượt biển lần thứ hai. Sau 11 ngày, tàu của họ bị chết máy ở hải phận Indonesia và được tàu cảnh sát biển nước này đưa về đảo Java.
Bà Lụa nói về quyết định vượt biên lần thứ hai của mình:
“Nếu lần đầu chúng tôi về mà họ đối xử công bằng một chút thì cũng được, không sao hết. Nếu không ở tù thì chúng tôi cũng không dám vượt biên nữa. Bởi vì đi trên biển là “một sống một chết”, nhiều khi nghĩ rằng 100% là sẽ chết chứ không sống được.
Nhưng chúng tôi bị vô thế cùng, họ không cho chúng tôi con đường sống. Chúng tôi không có con đường thoát nữa thì buộc phải tiếp tục đi, chẳng thà là chết lênh đênh ở trên biển.”