Hiện tại Việt Nam có hàng chục tỉnh thành tổ chức cho học sinh học trực tuyến để phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có đến hàng triệu học sinh trong số này đang gặp khó khăn vì không có thiết bị và đường truyền internet để học.
Một phụ huynh (giấu tên vì lý do an toàn) ở Vĩnh Long có hai con đang đi học cho biết về việc học online của con:
“Học trực tuyến thì mình cũng cho hai đứa nó học… Mình phải vay tiền để mua cho nó… máy vừa vừa tạm xài cho nó vậy thôi… Bằng mọi giá lo cho nó đi học…”
Tuy nhiên, không phải gia đình nào muốn cố gắng mua thiết bị cho con học trực tuyến cũng có thể làm được. Cô M., một giáo viên ở tỉnh Vĩnh Long, khi trả lời RFA hôm 23/9, nói:
“Tôi dạy ở một trường nông thôn gần cầu Mỹ Thuận, ở khu vực này thì những gia đình ở chợ có mua bán, có đồng ra đồng vô thì có thể mua điện thoại smartphone, mua laptop cho con học được. Còn những gia đình trong vùng nông thôn thì họ nghèo lắm, đâu có tiền mà mua. Bây giờ mấy ổng ngăn sông cấm chợ, nông sản trái cây bán không được gì hết, nên người dân đâu có tiền mà cho con đi học.”
Em xài mạng nhờ bên hàng xóm, bây giờ đang không chạy Grab nên cho bé học đỡ trên máy điện thoại chạy xe công nghệ của em. Mai mốt rồi tính tiếp chứ cũng không biết thế nào.
-Anh Nguyễn Quốc Trầm
Tại TPHCM, nơi có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Việt Nam, cũng có nhiều gia đình đang rất khó khăn, phải tìm đủ mọi cách để con em mình có thể học trực tuyến.
Trả lời RFA hôm 23/9, anh Nguyễn Quốc Trầm, một tài xế xe ôm Grab hiện đang thất nghiệp, sống ở quận Bình Thạnh cho biết hoàn cảnh của mình:
“Nhà em ở quận Bình Thạnh, em là trụ cột chính, chạy Grab, bà xã thì mới sinh, lúc trước thì bà xã có đi rửa chén phụ này nọ… Em có ba đứa con, đứa lớn nay 12 tuổi học lớp bảy, giờ vô mùa dịch bệnh này nên bốn tháng nay em không làm được gì. Giờ học online, nhà trường bắt mua máy, nhưng không đủ tài chính để mua máy. Muốn mua phải năm sáu triệu, kiếm máy cho bé học rất khó. Em cũng ráng nhưng không được, bây giờ con học theo kiểu có thì học, không có thì thôi. Em xài mạng nhờ bên hàng xóm, bây giờ đang không chạy Grab nên cho bé học đỡ trên máy điện thoại chạy xe công nghệ của em. Mai mốt rồi tính tiếp chứ cũng không biết thế nào.”
Thầy Đỗ Việt Khoa ở huyện Thường Tín, Hà Nội, cho RFA biết hôm 23/9 về thực tế dạy và học online hiện nay:
“Như Hà Nội và nhiều địa phương đã tiến hành học online được gần ba tuần rồi. Phải nói là vô cùng khó khăn đủ kiểu luôn, khó khăn lớn nhất là về phía các em học sinh. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, trường chúng tôi thì các em học sinh thiếu đủ thứ, rất nhiều em phải dùng chiếc điện thoại nhỏ xíu, mạng thì không ổn định, nhiều em sử dụng máy tính thì lại lại không có headphone (tai nghe), không có micro, không có webcam… Tỷ lệ không có webcam đông khủng khiếp, có lớp 2/3 không có, lớp nào nhiều nhất chỉ được 50%, đó là trường trung học cấp 3 đấy. Một lý do rõ nhất là các cơ sở bán thiết bị máy tính phải đóng cửa, hôm kia mới được mở thì chưa thể phục vụ kịp người dân.”
Trả lời báo chí ngày 12/9, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, chương trình ‘Máy tính cho em’ do ngành Giáo dục Thủ đô phát động đã quyên góp được 2.345 máy tính cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có máy tính, điện thoại thông minh để học tập trực tuyến.
Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng như thành phố Hà Nội, thầy Đỗ Việt Khoa cho biết thêm tình hình các địa phương khác mà thầy có ghi nhận:
“Anh em bạn bè ở các địa phương khác còn nói những nơi đó khó khăn hơn Hà Nội nhiều lần. Các cháu không thể nào mua nổi để có trang thiết bị để học online, dù chỉ là học qua điện thoại nhỏ xíu cũng không có. Có trường hợp ba bốn cháu cùng học online thì không cách nào gia đình khắc phục được. Cho nên nhiều cháu đành thất học.”
Theo thầy Khoa, các thầy cô có thể lưu bài giảng dưới dạng video, hoặc lên mạng lấy video bài giảng và hướng dẫn các em học theo video đó. Thầy Khoa cho rằng, trước mắt có thể khắc phục tạm thời trong thời gian này như vậy, may ra bốn tuần nữa mới có thể đi học trực tiếp như trước.
Không chỉ Hà Nội, các tỉnh như TPHCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh… đều đang tổ chức dạy học trực tuyến. Trong số đó, các tỉnh có nhiều học sinh ở nông thôn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn.
Thủ tướng Việt Nam – Phạm Minh Chính vào ngày 12/9 cũng đã phát động phong trào “Sóng và máy tính cho em” (sóng: mạng internet), kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện học trực tuyến, nhất là các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội.
Các cháu không thể nào mua nổi để có trang thiết bị để học online, dù chỉ là học qua điện thoại nhỏ xíu cũng không có. Có trường hợp ba bốn cháu cùng học online thì không cách nào gia đình khắc phục được. Cho nên nhiều cháu đành thất học.
-Thầy Đỗ Việt Khoa
Tuy nhiên theo thầy Đỗ Việt Khoa, để thực hiện việc này cũng không dễ dàng gì, dù ngành giáo dục cũng có phát động phong trào theo chỉ thị của Thủ tướng:
“Ngành giáo dục có phát động phong trào sóng và máy tính cho các em, nhưng thật ra khó lắm, giãn cách thì có gom đủ cũng không vận chuyển được cho các cháu. Ngăn sông cấm chợ không đi lại được, đi phải có giấy tờ phức tạp lắm, bị nhốt lại cách ly 14 ngày thì càng chết.”
Tính đến ngày 19/9/2021, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chỉ có 25 tỉnh thành dạy học trực tiếp, còn lại 24 tỉnh thành dạy học trực tuyến (online) và 14 tỉnh kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình.
Cũng theo Bộ này, trong số các tỉnh đang áp dụng hình thức dạy học trực tuyến, có hàng triệu học sinh đang gặp trở ngại trong quá trình học trực tuyến như chất lượng đường truyền internet, trang thiết bị học tập không đủ đáp ứng. Ngoài ra, phương pháp dạy của giáo viên cũng chưa kịp thay đổi…
Thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng, giải pháp hữu hiệu nhanh chóng thì chỉ có cơ quan Nhà nước mới có thể thực hiện, đó là bằng mọi cách phát triển mạng, sóng điện thoại miễn phí đến vùng sâu vùng xa, miền núi… để các em học sinh, sinh viên có thể dùng điện thoại cũ truy cập mạng internet miễn phí học trực tuyến. Tuy nhiên, Thầy Khoa cũng kêu gọi các em học sinh, sinh viên tạm thời nên cố gắng tự học bằng mọi cách.