Hệ lụy gì nếu Nguyễn Văn Chưởng bị thi hành án tử hình?

Vụ án Nguyễn Văn Chưởng & niềm tin của người dân

Vào khoảng 21 giờ ngày 14 tháng bảy năm 2007, trong khi đang đi tuần tra, thiếu tá Nguyễn Văn Sinh, công an phường Đông Hải quận Hải An, thành phố Hải Phòng được phát hiện bị giết chết. Tại phiên sơ thẩm hôm 12 tháng sáu năm 2008, Tòa án nhân dân TP Hải Phòng tuyên Nguyễn Văn Chưởng tử hình về tội giết người, bốn năm tù về tội cướp tài sản.

Tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm được truyền thông Nhà nước Việt Nam loan lúc bấy giờ, ông Chưởng đều phản cung và khai rằng việc ông nhận tội ở cơ quan điều tra là do bị ép cung, bị đánh đập; các lời khai mâu thuẫn, hành vi, hung khí và dấu vết trên cơ thể nạn nhân không phù hợp.

Hôm 24 tháng 12 năm 2014, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã đưa vụ án Nguyễn Văn Chưởng vào chương trình làm việc tại các tỉnh thành phía Bắc và dự kiến đầu tháng một năm 2015 sẽ làm việc tại Hải Phòng để rà soát vụ án của tử tù này. Tuy nhiên đã tám năm trôi qua, việc “rà soát lại vụ án” vẫn chưa có động tĩnh gì.

Cũng trong năm 2015, trả lời chất vấn về vụ án Nguyễn Văn Chưởng tại phiên họp Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao có kháng nghị nhưng Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao bác kháng nghị này.

Nếu vẫn thi hành án tử hình với Nguyễn Văn Chưởng, đầu tiên là mất mát của tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Nhưng tôi cho rằng cái mất mát lớn hơn, nghiêm trọng hơn nữa là cái uy tín của các cơ quan tư pháp; uy tín của Đảng và Nhà nước. Niềm tin của người dân, họ sẽ nghĩ sao? – LS. Lê Văn Hòa

Vẫn trong năm 2015, tiếp tục phiên họp trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện phát biểu: “Theo quy định của pháp luật hiện hành thì vụ này nếu có sai cũng hết đường kháng nghị, bởi quyết định của pháp luật về tố tụng hình sự thì quyết định của Hội đồng thẩm phán là quyết định cuối cùng”. Ông Hiện, vào thời điểm đó được nói đã đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao phải có ý kiến chính thức về vụ việc và tìm cách giải quyết, nếu không thì Ủy ban Tư pháp cũng sẽ có kiến nghị.

Luật sư Lê Văn Hòa, người hỗ trợ pháp lý cho ông Nguyễn Trường Chinh kêu oan cho con là tử tù Nguyễn Văn Chưởng nói với RFA sáng ngày 7 tháng 8 năm 2023:

“Theo quan điểm của tôi, ông Hiện nói thế chỉ đúng một phần về mặt hình thức thôi. Còn về mặt chính trị thì phải làm rõ, bởi vì luật pháp do con người làm ra, do Quốc hội quyết định xây dựng lên. Do đó. Khi phát hiện ra dấu hiệu oan sai thì phải kiểm tra làm rõ. Làm gì có chuyện ‘hết đường kháng nghị’. Như thế là không đúng. Tôi cho rằng, bây giờ để làm rõ Nguyễn Văn Chưởng có oan hay không oan thì phải có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội cũng như các cơ quan chức năng tham mưu của Đảng và Nhà nước. Nếu có ý kiến của Bộ Chính trị là tốt nhất.

Ít nhất là phải có quyết định từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở đề xuất từ Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Hoặc các ủy ban khác của Quốc hội cũng đều có quyền kiến nghị, đề xuất.

Nếu vẫn thi hành án tử hình với Nguyễn Văn Chưởng, đầu tiên là mất mát của tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Nhưng tôi cho rằng cái mất mát lớn hơn, nghiêm trọng hơn nữa là cái uy tín của các cơ quan tư pháp; uy tín của Đảng và Nhà nước. Niềm tin của người dân, họ sẽ nghĩ sao?”

Cần hệ thống pháp luật tiến bộ

Ngoài tư cách là luật sư tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho ông Nguyễn Trường Chinh, Luật sư Lê Văn Hòa còn là nguyên Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương, trong đó có vụ án Nguyễn Văn Chưởng. Mấy ngày qua, chính Luật sư Hòa đã liên tục kêu gọi dừng thi hành án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng trên trang Facebook của mình. Vị luật sư này cho biết, ông hy vọng và có niềm tin nội tâm là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ có sự chỉ đạo để chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng tạm dừng việc thi hành án đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng.

c4762ed6-01f1-4a68-9630-6b8d9a1d84e3.png
Bức thư kêu oan viết bằng máu của ông Nguyễn Trường Chinh (trái) và tấm áo được Chưởng thêu trong trại giam thành một tờ đơn kêu oan. Hình: FB Lê Văn Hoà

Cùng bàn về vụ án này, Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người tham gia bào chữa cho hàng chục người bất đồng chính kiến ở Việt Nam từ nhiều năm qua, cho rằng sở dĩ trật tự xã hội thiết lập và duy trì được là nhờ có pháp luật. Ông dẫn câu cách ngôn nổi tiếng của các luật gia La Mã xưa: “Ở đâu có xã hội, ở đó có pháp luật”. Có nghĩa rằng pháp luật sinh ra là để bảo vệ xã hội và quan trọng nhất là bảo vệ con người, nếu một bị cáo có dấu hiệu oan sai mà hệ thống pháp luật không cứu được họ thì hệ thống pháp luật đó vứt đi.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng nói tiếp:

“Nếu Nguyễn Văn Chưởng bị thi hành án tử hình, nó đưa tới cái hệ lụy rằng tất cả những án sau này được chỉ ra có oan sai thì họ sẽ không xem xét lại nữa. Và như thế thì rất nguy hiểm cho những bị cáo ‘tình ngay lý gian’. Họ không thể biện hộ và xã hội không thể bảo vệ họ khi có những vị đại diện pháp luật chỉ vị pháp luật mà không vị con người.

Trên nguyên tắc, khi thẩm phán tuyên một án tử hình thì họ phải xét thấy không còn điều gì lấn cấn nữa. Và tuy là một chế độ vô thần nhưng họ vẫn đặt trên niềm tin nội tâm. Khi thẩm phán có niềm tin nội tâm rằng người này không phạm tội thì họ sẽ tìm cách hoặc tuyên bố hoãn phiên tòa điều tra lại. Khi họ có niềm tin nội tâm chắc chắn người này phạm tội và không cải tạo được nữa thì họ mới tuyên tử hình.

Thế nhưng trong một nền tư pháp không độc lập thì dường như những án mà thẩm phán tuyên đã được ai đó tuyên trước và họ chỉ việc giữ lại mức án đó mà thôi.

Tôi cho rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam cũng được xếp vào loại có tiến bộ, thì Quốc hội có thể ra kiến nghị yêu cầu Chủ tịch nước đình chỉ vụ án hoặc ít ra ân xá từ án tử hình xuống án chung thân rồi điều ra, xét xử lại sao cho quyền con người được tôn trọng trên hết, bởi mọi hệ thống pháp luật sinh ra đều để bảo vệ con người.”

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) hôm 7 tháng 8 năm 2023 ra thông cáo báo chí kêu gọi Chính phủ Việt Nam ngưng ngay việc thi hành án tử hình đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng vì những quan ngại liên quan đến việc tra tấn bức cung đối với tử tù này.

Tôi cho rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam cũng được xếp vào loại có tiến bộ, thì Quốc hội có thể ra kiến nghị yêu cầu Chủ tịch nước đình chỉ vụ án hoặc ít ra ân xá từ án tử hình xuống án chung thân rồi điều ra, xét xử lại sao cho quyền con người được tôn trọng trên hết, bởi mọi hệ thống pháp luật sinh ra đều để bảo vệ con người. – LS. Nguyễn Văn Miếng

Phó giám đốc khu vực phụ trách về nghiên cứu của Amnesty International, Motse Ferrer, được trích lời trong thông cáo báo chí của tổ chức này rằng: “Giới chức Việt Nam cần ngay lập tức bỏ các kế hoạch thi hành án đối với Nguyễn Văn Chưởng. Vụ án của ông ngay từ đầu đã có vấn đề bởi những cáo buộc gây thắc mắc bao gồm việc ông bị đánh đập, bị treo ngược người khi hỏi cung để ép nhận tội. Những cáo buộc này là nghiêm trọng, phủ bóng tối lên việc kết án và đòi hỏi phải có một điều tra độc lập, công bằng. Nếu các giới chức Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch tử hình, thì họ đã tước đi mạng sống của Nguyễn Văn Chưởng một cách tùy tiện.”

Đã 16 năm kể từ khi xảy ra vụ án mạng mà nạn nhân là thiếu tá Nguyễn Văn Sinh- Công an phường Đông Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng bị giết chết khi đang đi tuần tra, Nguyễn Văn Chưởng và bốn người khác bị cáo buộc tội giết người (trong đó, ông Chưởng bị đề nghị tử hình còn bốn người khác bị án từ 12 tháng đến chung thân). Tử tù Nguyễn Văn Chưởng và gia đình đã có nhiều đơn kêu oan, đề nghị các cấp xem xét lại bản án.

Theo một số chuyên gia trong lãnh vực tư pháp, khi chưa đủ căn cứ vững chắc để kết luận ông Nguyễn Văn Chưởng là người chủ mưu, cầm đầu vụ giết người; khi hồ sơ không chứng minh được ông Chưởng chủ mưu bàn bạc đi giết người thì không thể kết tội giết người và tuyên án tử hình ông Chưởng được. Người hoàn toàn có thẩm quyền ân xá giảm án cho Nguyễn Văn Chưởng là Chủ tịch nước Nguyễn Văn Thưởng.

Related posts