Chỉ sau gần năm tháng triển khai cấp hộ chiếu mẫu mới màu tím than cho người dân mà không có thông tin về nơi sinh, hôm 7/11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày trước Quốc hội về việc phải bổ sung nơi sinh vào trang chính về nhân thân. Sai sót của Bộ Công an được chính thức thừa nhận và sửa chữa sau khi bị một số nước từ chối cấp visa cho người sử dung hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam.
Sửa đổi nội dung hộ chiếu sau năm tháng
Trước Quốc hội, ông Tô Lâm nói việc bổ sung thông tin nơi sinh vào trang nhân thân của hộ chiếu là cần thiết, tạo thuận lợi cho công dân trong việc nhập cảnh vào các nước. Tuy nhiên do thời gian gấp không kịp sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ban hành Nghị quyết riêng về vấn đề này.
Do đó, ông Tô Lâm xin ý kiến Quốc hội đồng ý giao Bộ trưởng Công an sửa đổi, bổ sung thông tin nơi sinh trên hộ chiếu mẫu mới cấp cho công dân Việt Nam.
Một luật sư không muốn nêu tên, đang ở TPHCM, nói với RFA rằng theo quy định pháp luật, bất cứ sự thay đổi nào trong hộ chiếu đều cần phải được Quốc hội bấm nút thông qua:
“Điều này được quy định luôn ở trong luật rồi! Khi có sự thay đổi thì phải đưa ra Quốc hội để thảo luận, bàn thảo và thống nhất biểu quyết.”
Luật sư này cho biết, Dự thảo sửa đổi luật về xuất nhập cảnh năm 2019, trong quy định về những thông tin trên hộ chiếu không bao gồm nơi sinh:
“Bộ Công an có gởi dự thảo đó để xin ý kiến các sở ban ngành vào năm 2019. Theo thông tin mà tôi ghi nhận được thì hầu hết các tỉnh thành phố họ đều gần như là đồng ý với chuyện không có ghi nơi sinh. Chỉ duy nhất tỉnh Quảng Ninh họ góp ý là phải có nơi sinh vào trong hộ chiếu.”
Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sửa đổi được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2019. Theo dự thảo luật này, tại Điều 6, khoản 3, những thông tin được thể hiện trong hộ chiếu mẫu mới bao gồm: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại.
Luật sư giấu tên nhận định, việc Bộ Công an buộc phải sửa lại hộ chiếu chỉ sau năm tháng phát hành cho thấy khi các bộ ngành xây dựng dự thảo luật thì không có sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn để đánh giá tác động của luật mới:
“Qua sự việc này, tôi thấy rằng ở Việt Nam khi soạn thảo những đạo luật, dự luật thì không có phản biện, đóng góp ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học… Gần như là không có sự nghiêm túc trong quá trình làm luật.
Do đó, khi Luật về xuất nhập cảnh này được thông qua vào năm 2019 thì họ đã không lường được chuyện là các quốc gia khác không chấp nhận hộ chiếu mới của Việt Nam.”
Tốn ngân sách
Cũng theo người đứng đầu ngành Công an, việc bổ sung thông tin nơi sinh vào hộ chiếu không làm phát sinh thêm thủ tục và chi phí. Bởi vì hiện nay trong mẫu tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu, giấy thông hành hiện hành đã có mục thông tin về nơi sinh. Cơ quan cấp phát hộ chiếu có thể khai thác thông tin về nơi sinh của công dân có trong cơ sở dữ liệu để in hộ chiếu.
Luật sư giấu tên khẳng định “làm gì có chuyện không phát sinh chi phí”. Thời gian qua, hàng chục ngàn người đã làm hộ chiếu mới mẫu mới, sắp tới lại phải thay đổi. Rồi phôi hộ chiếu đã in sẵn giờ cũng không sử dụng được nữa, phải in lại mẫu phôi mới là rất tốn kém cho ngân sách:
“Không có chuyện là không tốn kém đâu! Bây giờ phôi và mẫu hộ chiếu không có nơi sinh đã in ấn rồi, rồi bây giờ phải đổi mẫu phôi thì đó là tốn tiền và lãng phí.
Còn việc người dân không phải bỏ tiền ra để thay đổi là một câu chuyện khác. Do các ông ngu, làm không đúng thì phải sửa lại cho người dân là đúng rồi. Chẳng lẽ bây giờ lỗi do cán bộ lại bắt người dân phải chịu!”
Vào ngày 2/8, sau khi một loạt các nước thông báo tạm ngưng cấp visa cho hộ chiếu mới màu tím than của Việt Nam, đại diện Phòng Quản lý xuất nhập cảnh TPHCM trả lời báo chí cho biết, số lượng người làm hộ chiếu là hơn 1.000 hồ sơ mỗi ngày. Cơ quan này đã bố trí lực lượng để đáp ứng nhu cầu người dân, hạn chế tình trạng quá tải.
Chị Kim Oanh, quê ở Khánh Hoà, hiện đang sinh sống tại TPHCM, nói với RFA rằng chị mới làm hộ chiếu cho hai mẹ con vào tháng 10. Chi phí chỉ mất 400 ngàn đồng. Tuy nhiên, chị phải sắp xếp công việc về quê chuẩn bị hồ sơ rất mất thời gian. Sắp tới nếu không dùng hộ chiếu này nữa, đổi đi đổi lại như vậy rất là cực:
“Chắc là sẽ mất thời gian lắm. Bởi vì mỗi lần làm là tôi phải về quê làm. Tôi không có làm ở trên Sài Gòn được. Nếu bây giờ mà đổi mẫu thì phải đi ra đi vào rất là tốn thời gian.
Cái gì cũng vậy, đụng tới giấy tờ mà đổi tới đổi lui thì rất là mất thời gian. Nhưng nếu cần thì mình cũng phải làm lại, phải chịu thôi chứ biết làm sao, đâu có thay đổi được gì.”
Hộ chiếu mẫu mới màu xanh tím than của Việt Nam được chính thức phát hành từ ngày 1/7 vừa qua. Hộ chiếu mới không thể hiện thông tin về nơi sinh. Điều này khiến một số nước trong khối Schengen và Mỹ, Canada từ chối cấp visa cho người mang hộ chiếu này.
Bộ Công an và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sau đó đã phải in phần bị chú bổ sung thông tin về “nơi sinh” vào trang cuối của hộ chiếu mẫu mới.
Một số quốc gia, ví dụ như Séc, chỉ tạm thời chấp nhận việc in bổ sung phần bị chú đến hết năm 2022. Do đó, ông Tô Lâm nói cần phải gấp rút thực hiện sửa đổi, bổ sung nơi sinh vào nội dung trang nhân thân trước khi bước qua năm mới.