Các chuyên gia du lịch đề xuất ngành du lịch Việt Nam cần chuẩn bị chào đón du khách nước ngoài đã được tiêm chủng vaccine COVID-19 từ quý thứ III theo cách tương tự như các nước láng giềng trong khu vực đã đề ra.
Báo nhà nước Việt Nam đưa tin như vừa nêu, dẫn nội dung buổi hội nghị giao ban trực tuyến triển khai kế hoạch công tác năm 2021 của Hiệp hội du lịch Việt Nam diễn ra ngày 3/3 vừa qua.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VTA) cho rằng Việt Nam là một trong những nước thành công nhất trong việc ngăn chặn ổ dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch mở cửa ra thị trường quốc tế từ đầu quý III.
Bên cạnh đó, ông Thọ còn trích dẫn rằng Thái Lan đã có kế hoạch mở cửa cho khách du lịch nước ngoài đã tiêm vaccine phòng coronavirus từ ngày 1/7 và Singapore cũng sẵn sàng làm điều tương tự.
Vì vậy, người đứng đầu Hiệp hội Du lịch Việt Nam được báo chí trích dẫn đã nhấn mạnh rằng “Việt Nam nên chuẩn bị đón khách quốc tế từ tháng Bảy để giúp ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề phục hồi vì 95% công ty lữ hành nội địa đã tạm ngừng hoạt động… Lộ trình mở cửa thị trường quốc tế là giải pháp duy nhất.”
Đài RFA tối 11/3 có liên lạc với ông Đỗ Hữu Thọ để hỏi thêm về nội dung này nhưng ông đã cúp máy giữa cuộc trò chuyện.
Nhiều nước hiện nay đã áp dụng, vấn đề là làm sao cho chính xác để tránh tình trạng hộ chiếu giả hoặc không đảm bảo chất lượng. – ông Nguyễn Văn Mỹ
Với nhiều năm hoạt động trong ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du Lịch Lửa Việt cho rằng việc sử dụng hộ chiếu vaccine là chuyện nên làm nhưng cần tìm hiểu thêm. Ông nói:
“Nhiều nước hiện nay đã áp dụng, vấn đề là làm sao cho chính xác để tránh tình trạng hộ chiếu giả hoặc không đảm bảo chất lượng.
Chuyện an toàn là mục tiêu hàng đầu, mình phải phòng chống dịch nhưng mình vẫn phải sống, phải phục hồi kinh tế nên dù có vaccine chăng nữa, dù COVID-19 có bị đẩy lùi nhưng nguy cơ những dịch bệnh khác vẫn treo lơ lửng nên chúng ta phải tập một khái niệm mới là sống chung với dịch.
Dĩ nhiên không xem thường, lơ là, càng phải đề cao cảnh giác, càng phải tuân thủ biện pháp phòng chống.”
Đồng quan điểm vừa nêu, Tiến sĩ – Bác sĩ Võ Xuân Sơn, hiện đang công tác tại phòng khám quốc tế Exson, Sài Gòn nhận định về đề xuất sử dụng hộ chiếu vaccine như sau:
“Tôi nghĩ nó cũng có hợp lý nhất định của nó chứ không thì mình chích vaccine làm gì. Tất nhiên vaccine chưa chắc ngăn chặn được nhưng nói chung như vậy là có rào chắn khác cho mình.
Thật ra thì cách ly chắc gì ngăn chặn (COVID-19) được. Về vấn đề cách ly tôi cũng chưa hẳn là đồng ý với các cách ly rộng rãi quá. Nếu người ta không có dấu hiệu gì và có chích ngừa thì tôi nghĩ không cách ly cũng được.”
Báo Nhà nước Việt Nam trong ngày 11/3 cũng có bài viết dẫn ý kiến của các chuyên gia y tế, trong đó có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế, cho rằng vẫn nên cách ly đủ 14 ngày với người nhập cảnh vì chưa có kết luận về nguy cơ lây nhiễm ở người tiêm đủ hai mũi vaccine COVID-19.
Tại một cuộc họp báo hôm 8/3, Giám đốc các trường hợp khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan cho rằng các quốc gia đang coi việc sử dụng chứng nhận vaccine như một điều kiện để đi du lịch cần cân nhắc lại và không nên làm điều đó.
Theo người phát ngôn của WHO, lý do là hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa sự lây truyền chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, nguồn cung cấp vaccine toàn cầu còn hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng:
“Mình đề cao cảnh giác, thận trọng nhưng nếu thận trọng thái quá thì như tôi nói đùa với nhau, mình sợ nó quá thì trước khi chết vì dịch thì đã chết vì đói, chết vì khủng hoảng.
Vấn đề ở đây các nhà chuyên môn, các nhà khoa học cần phải có cách nào đó.
Còn nếu vẫn phải cách ly như thế thì thôi, không cần vaccine người ta vẫn cho đi với điều kiện cách ly.”
Bạn Thiên Minh, thường trú dân Hoa Kỳ đang sống tại Virginia, từng bị cách ly tại nhà khi về Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán năm 2020 và kẹt lại Việt Nam hơn nửa năm đưa ra quan điểm cá nhân:
“Nếu em đã chích hai mũi rồi thì em không muốn cách ly. Thay vì cách ly thì mình có cách khác là tải app Bluezone về để định vị người nhập cảnh vào Việt Nam biết họ sẽ đi đâu theo hình thức nào đó để kiểm soát được họ trong vòng mười mấy ngày.
Sau mười mấy ngày thì mình bắt họ đi test chứ em nghĩ đã chích vaccine thì đâu cần gì phải cách ly nữa.”
Tôi nghĩ nó cũng có hợp lý nhất định của nó chứ không thì mình chích vaccine làm gì. Tất nhiên vaccine chưa chắc ngăn chặn được nhưng nói chung như vậy là có rào chắn khác cho mình. – TS. BS. Võ Xuân Sơn
Do đó, bạn Thiên Minh cho rằng nếu mở cửa du lịch cho du khách đã chích vaccine COVID-19 nhưng vẫn bắt cách ly 14 ngày thì tình hình du lịch Việt Nam cũng không được cải thiện rõ rệt.
Theo số liệu chính thức được báo Nhà nước đăng tải, Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm 79% lượng du khách nước ngoài so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, cả nước chỉ đón 3,83 triệu khách du lịch nước ngoài trong năm 2020 so với mức kỷ lục 18 triệu vào năm 2019.
Nguyên nhân được nói do hạn chế đi lại trong bối cảnh đại dịch lây lan toàn cầu.
Tuy nhiên, với tình hình kiểm soát dịch bệnh được đánh giá hiệu quả cao, ngăn chặn kịp thời sự lây lan của SARS-CoV-2, chính phủ Hà Nội gần đây đã bật đèn xanh cho việc nối lại các chuyến bay thương mại nước ngoài.
Trong đó bao gồm bảy điểm đến châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia và Thái Lan.
Trước những khó khăn mà COVID-19 đem lại, ngành du lịch Việt Nam nói chung và những công ty du lịch trên đất nước hình chữ S được nói phải chịu những tổn thất nặng nề.
Theo lời ông Nguyễn Văn Mỹ, nhiều công ty du lịch nước ngoài đã phải đóng cửa, các công ty du lịch nội địa cũng phải thay đổi nhiều để thích nghi. Ông khẳng định rằng ngành du lịch sẽ không bao giờ chết mà sẽ vực dậy khi qua thời kỳ suy thoái, chỉ có doanh nghiệp du lịch không trụ nổi mới phải đóng cửa kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Mỹ cho rằng nếu doanh nghiệp còn tồn tại được thì qua đợt dịch có thể sẽ phát triển lại:
“Khi bớt dịch thì nhu cầu đi du lịch của khách sẽ bật như lò xo vì lâu nay bị dồn nén.
Càng ngày ta càng hiểu một điều rằng du lịch là một nhu cầu thiết yếu, người ta sẽ đi với cách này, cách khác. Hình thức, nội dung sẽ thay đổi, sẽ có những điều chỉnh nhất định.”