Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Trần Ngọc Liêm vào ngày 5/2 đã gửi văn bản đến các bộ ngành, địa phương cùng các tập đoàn và công ty nhà nước đề nghị phối hợp những chỉ thị và nghị định của chính phủ trong dịp Tết Tân Sửu 2021.
Cụ thể, ông Liêm ghi trong văn bản yêu cầu “theo dõi, nắm bắt tình hình, phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp tặng quà, nhận quà trái quy định, sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.”
Văn bản của Thanh tra Chính phủ nhắc đến các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, Nghị định 59/2019 của Chính phủ và các nội dung có liên quan trong Chỉ thị 44/2020 của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Trao đổi với RFA từ Sài Gòn tối 8/2, nhà hoạt động xã hội dân sự Trần Bang nhận xét về văn bản của Thanh tra Chính phủ như sau:
“Cái này chẳng qua là bề ngoài để mị dân chứ việc biếu quà để đạt được mục đích gì đó thì có nhiều cách, đâu để cho người khác biết để phạt.”
Cái này chẳng qua là bề ngoài để mị dân chứ việc biếu quà để đạt được mục đích gì đó thì có nhiều cách, đâu để cho người khác biết để phạt. – Trần Bang
Từ Nha Trang, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo đưa ra nhận định:
“Không chỉ Thanh tra chính phủ mà một vài năm trước đây cũng như bây giờ những nhân vật đứng đầu chính phủ lúc nào cũng chỉ nói nhưng thực tế việc đó (biếu quà Tết) lúc nào cũng diễn ra bởi vì nó đã diễn ra quá lâu, từ nhiều thập niên nên thành văn hóa trong cư xử của quan chức Việt Nam từ mấy thập kỷ nay. Chẳng lẽ họ không làm, họ làm chứ, họ góp tiếng nói hùa theo cấp trên nên chủ trương, đường lối họ cũng thừa biết là chẳng có tác dụng gì.”
Vào ngày 16/12/2020, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã ký ban hành Chỉ thị 48-CT/TW được báo trong nước trích dẫn:
“Không tổ chức đi thăm, chúc tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không đi lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công, không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi…”
Hai tuần sau, vào ngày 29/12, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong buổi Hội nghị trực tuyến Chính phủ cũng yêu cầu không tổ chức đi chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp, nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức.
Nhà hoạt động Trần Bang cho rằng biếu quà Tết là việc tốt, một hình thức bày tỏ lòng thành đối với những người thân, người giúp đỡ mình trong một năm. Tuy nhiên, sau đó việc này bị biến tướng sang kiểu để anh nhớ tôi, lần sau tôi trình gì anh ký cho tôi, hay cho vào danh sách quy hoạch, hay anh biết tôi trung thành cho tôi vào kế cận…
“Xếp hàng khoe quà Tết thì tôi đã chứng kiến những năm 86, 87, sau đổi mới khi kinh tế tự do một chút thì những đơn vị được ưu ái, xin được chữ ký, xin được vật tư, cái này cái kia… thì thường đến biếu những người ký duyệt. Xếp hàng mua quà rồi đứng trước nhà các ông Thứ trưởng, Giám đốc, hay Bộ trưởng biếu.”
Vẫn theo Nhà hoạt động Trần Bang, quà Tết chỉ là phương tiện, tức chưa có quan hệ nên nhân dịp Tết, giỗ hay sinh nhật đến nhà ngồi chơi xong biếu xén nhau.
“Đấy là đối với những người theo tôi là chưa được vào đường dây, chưa được quy hoạch, chưa được hỏi ý kiến, chưa được gặp riêng nên mới dùng phương pháp quà Tết.”
Tuy nhiên, trước những quy định siết chặt như hiện nay, ông Trần Bang cho rằng quà Tết có thể được tặng dưới nhiều hình thức chứ không cần phô trương, khoe khoang như trước đây:
“Có nhiều cách lắm, có thể là cổ phần, cổ phiếu, có thể là tài khoản, có thể là giấy tờ nhà đất, hồ sơ bất cứ giấy tờ có giá nào người ta có thể gửi vào phong bì với thiệp thì ai biết được.”
Bản thân tôi đã gặp rất nhiều trường hợp là chính nhưng quan chức của Thanh tra chính phủ từ Tổng thanh tra đến Phó tổng thanh tra, các Vụ trưởng, các Trưởng đoàn thanh tra ăn hối lộ rất lớn, có thể coi là một nghề trấn lột hợp pháp, sạch sẽ. – Võ Văn Tạo
Do đó, nhà hoạt động Trần Bang cho rằng quy định trong văn bản của Thanh tra Chính phủ là để răn đe những ‘con mèo’ chưa biết cách biếu.
Trong khi đó, nhà báo Võ Văn Tạo, cho rằng văn bản nhắc nhở về quà Tết của Thanh tra chính phủ chỉ là ‘lá nho che đậy sự thật’.
“Bản thân tôi đã gặp rất nhiều trường hợp là chính nhưng quan chức của Thanh tra chính phủ từ Tổng thanh tra đến Phó tổng thanh tra, các Vụ trưởng, các Trưởng đoàn thanh tra ăn hối lộ rất lớn, có thể coi là một nghề trấn lột hợp pháp, sạch sẽ.”
Với kinh nghiệm nhà báo lâu năm, ông Võ Văn Tạo cho hay thực tế nhiều quan chức thanh tra đã liên lạc với nhà báo để biết thông tin địa phương, doanh nghiệp, từ đó uy hiếp địa phương, doanh nghiệp đưa ‘phong bì’.
Trong văn bản gửi ngày 5/2/2021, các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước cũng như đơn vị sự nghiệp công lập do Thủ tướng Chính phủ Hà Nội thành lập phải gửi báo cáo về Bộ quản lý ngành để tổng hợp chung trong báo cáo của Bộ.
Sau đó, các bộ, ngành, địa phương phải có văn bản báo cáo kết quả thực hiện gửi về Thanh tra Chính phủ trước ngày 19/2 tới đây.
Theo góc nhìn cá nhân, nhà hoạt động xã hội dân sự Trần Bang cho rằng những văn bản như vừa nêu chỉ mang tính hình thức mà không thể nào đem lại kết quả hữu hiệu:
“Nền chính trị không minh bạch, việc quy hoạch cán bộ vẫn là bí mật, nhiều việc khác đưa vào danh mục bí mật tạo ra những biến tướng của quà Tết, từ đẹp thành xấu, thành một phương tiện để hối lộ, làm quen.”
Những hô hào không biếu xén quà cho cấp trên được lặp đi, lặp lại vào mỗi dịp lễ tết; và nhiều người nhắc lại thực tế ở Việt Nam là vấn đề gì càng nói cấm thì càng diễn biết một cách âm ỉ mà mạnh.