“Việt Nam không nên ảo tưởng rằng Mỹ sẽ bỏ qua các vấn đề về nhân quyền trong quá trình phát triển mối quan hệ giữa đôi bên.”
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, chuyên gia về Khoa học Chính trị, nghiên cứu viên tại Trung tâm Tương lai Chính sách, Khoa Nhân văn và Xã hội học, Đại học Queensland, Úc nhận định như vậy với RFA sau khi ông Blinken rời Hà Nội, kết thúc chuyến thăm chính thức hai ngày đến Việt Nam, từ 14 đến 16/4/2023.
Trong hai ngày ở Việt Nam, ông Blinken đã gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Nội vào sáng ngày 15/4. Cả hai đã từng gặp gỡ chính thức vào hồi tháng 5/2022 tại thủ đô Washington D.C của Mỹ. Ông Blinken cũng có cuộc hội kiến với Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Ngoại trưởng Mỹ cũng đã dự lễ động thổ để tiến hành xây dựng khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ trị giá 1,2 tỷ USD tại Hà Nội. Đây được nói là một trong những Đại sứ quán Mỹ lớn nhất trên Thế giới.
Trong dịp này, ông Blinken đã đến thăm các nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres. Các nữ tu của dòng này đã nhiều lần biểu tình, khiếu nại với chính quyền để đòi lại các phần đất có đầy đủ giấy tờ của nhà dòng bị phía chính quyền và một số hộ dân lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đó.
Ý nghĩa của chuyến thăm
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải cho rằng chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đạt kết quả như kỳ vọng của đôi bên. Ông rút ra năm ý nghĩa chính về quan hệ song phương Việt – Mỹ sau chuyến đi Hà Nội lần này của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Thứ nhất là nó đánh dấu trở lại sự tiếp xúc thường xuyên giữa quan chức cấp cao giữa hai chính quyền của hai nước:
“Năm 2021 thì phó tổng thống Mỹ Harris và bộ trưởng quốc phòng đã đến thăm Việt Nam, nhưng mà phải đến gần hai năm nay rồi thì đây là chuyến thăm cấp cao nhất của chính quyền tổng thống Joe biden đến Việt Nam.
Những cuộc tiếp xúc song phương vào các dịp giữa các hội nghị khu vực, hội nghị thượng đỉnh của khu vực hoặc là hội nghị Thượng đỉnh Asean – Mỹ…, chúng ta không thể tính những cuộc gặp đó bởi vì nó không phải là chuyến thăm chính thức.”
Ý nghĩa thứ hai là nhấn mạnh hơn về khả năng nâng cấp mối quan hệ hai nước lên tầm Đối tác chiến lược:
“Kết quả thứ hai là cả hai bên đạt được sự đồng thuận vững chắc hơn trong việc nâng cấp quan hệ.
Trong điện đàm với tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29/3 thì tổng thống Joe biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó chỉ nói là đề nghị giao cho các cơ quan chức năng của hai bên trao đổi các nội hàm cụ thể để nhằm thúc đẩy mối quan hệ trong thời gian tới, chứ không nói rõ là có nâng cấp mối quan hệ hay không.
Nhưng mà trong buổi tiếp Ngoại trưởng Blinken thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại nói rằng là quan hệ Việt – Mỹ có nhiều kết quả tích cực, là cơ sở để phát triển lên tầm cao mới. Tức là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng án chỉ là hai bên sẽ nâng cấp mối quan hệ.
Và trong họp báo kết thúc chuyến thăm thì Ngoại trưởng Blinken đã phát biểu hết sức khả quan về điều này. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh rằng đối với nước Mỹ và chính quyền Tổng thống Joe biden thì quan hệ với Việt Nam là một trong những mối quan hệ năng động và quan trọng nhất. thì đó là kết quả thứ hai là khẳng định là hai nước sẽ tiến tới nâng cấp quan hệ vững chắc hơn.”
Kết quả thứ ba, theo ông Hải, là chuyến thăm càng khẳng định hơn là hai ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp mặt nhau trong năm nay:
“Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp Ngoại trưởng Blinken thì đã nói rằng giao cho các cơ quan chức năng thu xếp để tiến hành chuyển thăm đó vào thời gian thích hợp, còn Tổng thống Mỹ Joe Biden qua lời Ngoại trưởng Blinken nói rằng mong muốn sớm thăm Việt Nam.
Tóm lại là kết quả thứ ba là nó khẳng định chắc chắc chắn rằng trong năm nay sẽ có một hoặc hai chuyến thăm của hai nhà lãnh đạo sang Hà Nội hoặc là Washington, còn thời gian cụ thể thế nào thì hiện tại chúng ta chưa thể biết bởi vì vẫn còn các đàm phán, còn có những việc phải bố trí về thời gian lịch trình.”
Ý nghĩa thứ thư là về mặt niềm tin. Tiến sỹ Hải cho rằng chuyến thăm này khẳng định cam kết về quan hệ ổn định, lâu dài giữa hai nước:
“Nó thể hiện qua để động thổ xây dựng quần thể mới của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, mà theo phía Mỹ nói thì đây sẽ là một trong những quần thể sứ quán Mỹ lớn nhất trên thế giới.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ đã nói lên và nhấn mạnh cam kết và lòng tin của phía Mỹ trong quan hệ Việt – Mỹ, và những cam kết đó nó sẽ thể hiện bằng những hành động cụ thể để từ đó trấn an cũng như củng cố lòng tin của Việt Nam đối với Mỹ.”
Ý nghĩa về nhân quyền
Ý nghĩa thứ năm và cũng là cuối cũng trong chuyến thăm mà tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải đúc kết được đó chính là về vấn đề nhân quyền. Ông nói:
“Mỹ vẫn thể hiện cam kết về vấn đề nhân quyền cho dù hai nước có tiến tới Đối tác chiến lược.
Mặc dù là mang tính biểu tượng thôi nhưng việc mà Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến thăm tu viện như vậy thể hiện cam kết của phía Mỹ đối với vấn đề nhân quyền. Nói cách khác là nó truyền tín hiệu gián tiếp rằng trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, cho dù là nâng cấp lên mối quan hệ đối tác chiến lược thì Mỹ vẫn quan tâm và xem xét đến vấn đề nhân quyền.
Và rõ ràng là trong cuộc gặp với thủ tướng Phạm Minh Chính thì Ngoại trưởng Blinken cũng đã đề cập đến vấn đề nhân quyền.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề về nhân quyền với Việt Nam sẽ ý nhị hơn. Tức là cách tiếp cận mang tính xây dựng và mang tính đối thoại, không chỉ trích, phê phán quá mạnh mẽ. Điều này rất khác đối với quan hệ Mỹ và Trung Quốc.”
Tiến sỹ Hồng Hải khẳng định vấn đề nhân quyền sẽ luôn luôn đặt ra trong quá trình đàm phán nâng cấp mối quan hệ Việt – Mỹ, bởi vì nhân quyền là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Chính vì vậy, ông Hải nói:
“Đối với các nước như Việt Nam, khi quan hệ với Mỹ, thì không nên ảo tưởng rằng là Mỹ sẽ từ bỏ vấn đề nhân quyền.
Tuy nhiên, mặc dù nhân quyền là một trong những trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhưng mà phía Mỹ khi triển khai thực hiện vấn đề nhân quyền thì họ luôn luôn dựa trên chiến lược của họ. Chính vì thế cho nên mức độ ưu tiên nó sẽ khác nhau.”
Hơn nữa, theo tiến sỹ Hồng Hải, trước đây, khi Mỹ là một siêu cường duy nhất thì lúc đó Mỹ có thể dùng những chính sách nhân quyền để gây áp lực cho các nước khác.
Tuy nhiên, hiện nay, trong một thế giới mà sự đa cực ngày càng rõ và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn hơn thì chính phủ Mỹ phải điều chỉnh cách tiếp cận về vấn đề nhân quyền để nó phù hợp, mang tính xây dựng, tôn trọng lẫn nhau và có sự cân nhắc, đảm bảo lợi ích của tất cả các bên.