Một viên chức Nhà Trắng cho biết chuyến công du của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đến Singapore và Việt Nam vào cuối tháng tám sẽ diễn ra như dự tính trong bối cảnh Hoa Kỳ đang rút ra khỏi Afghanistan, theo tin của tờ Washington Post hôm 16 tháng 8.
Sau cuộc viếng thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến Việt Nam vào tháng trước, chuyến công du của Phó Tổng Thống Kamala Harris đến Đông Nam Á sẽ một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với chính sách ngoại giao của Tổng thống Joe Biden, đã được ông công bố trong Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời vào tháng 3/2021.
Nhà nghiên cứu Biển Đông, Thạc sĩ Hoàng Việt, nhận định với Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Chuyến đi của bà Harris sang Việt Nam, và Đông Nam Á nói chung, đánh dấu những vấn đề quan trọng. Thứ nhất là một mặt cho thấy quyết tâm của chính quyền Biden đối với cả khu vực Đông Nam Á. Trước đây có rất nhiều người lo ngại, đặc biệt là trong thời gian vừa qua từ khi ông Biden nắm quyền tổng thống từ tháng 1 năm 2021 thì gần như những cuộc gọi của ông để trao với các lãnh đạo của Đông Nam Á dường như là không có.
Điều thứ hai là một điều mà nhiều quốc gia Đông Nam Á lo ngại: khu vực Đông Nam Á, đặc biệt nơi Biến Đông, là khu vực cạnh tranh ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Trung Quốc, và đặc biệt chúng ta thấy sự lấn lướt gần đây của Trung Quốc trên biển”.
Trước đó, Nhà Trắng đã công bố mục tiêu của chuyến đi của bà Harris nhằm “tăng cường quan hệ và mở rộng hợp tác kinh tế với hai đối tác quan trọng của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong chuyến đi, Phó Tổng thống sẽ trao đổi với các nhà lãnh đạo của cả hai chính phủ (Singapore và Việt Nam) về các vấn đề cùng quan tâm, bao gồm an ninh khu vực, ứng phó toàn cầu với đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và các nỗ lực chung… nhằm thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.
Một câu hỏi được các chuyên gia quan sát tình hình bàn cãi là liệu trong chuyến thăm lần này đến Việt Nam của Phó Tổng thống Harris, quan hệ đối tác toàn diện hiện nay có thể được nâng lên quan hệ đối tác chiến lược?
Nhà phân tích Derek Grossman trong một cuộc trao đổi với RFA hôm 12 tháng 8 cho biết, có nguồn tin thân cận với sự việc đưa ra khả năng quan hệ sẽ bước thêm một nấc. Ông nói:
“Đây là thông tin từ một nguồn tin thân cận với sự việc. Tất nhiên không thể đảm bảo rằng Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris tới Việt Nam vào cuối tháng này. Nhưng chúng ta có thể đặt câu hỏi nếu có một vị khách cấp cao như vậy từ chính phủ Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam, chắc hẳn phải có thành quả cụ thể được đưa ra trong chuyến công du này. Vì vậy, những gì tôi được nghe trong vài ngày qua khiến tôi tin rằng việc này khả thi.
Trong quá khứ, cả hai bên đã đưa ra ý nâng cấp quan hệ đối tác nhưng việc này chưa được triển khai. Một số người, trong đó có tôi, quan niệm rằng lý do là vì trong thời gian vài năm gần đây đã không có một cuộc gặp cấp tổng thống giữa hai bên. Tất nhiên hệ thống chính trị Việt Nam có khác, họ có chủ tịch nước, có thủ tướng và tổng bí thư Đảng. Nếu phía Việt Nam ở cấp cao nhất có thể, như tổng bí thư, có được một cuộc gặp gỡ với Tổng thống Biden thì rất có thể sẽ có thành quả là việc nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện lên thành đối tác chiến lược. Nay có Phó Tổng thống Harris đến Việt Nam nên tôi nghĩ đây là cơ hội đó. Chúng ta chờ xem điều gì sẽ xảy ra”.
Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia tại Canberra cho rằng việc này sẽ không xảy ra. Ông đã nêu một số lý do trong một bản nhận định, bao gồm khoảng cách giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về giá trị còn quá xa và Hoa Kỳ chưa có dấu hiệu chuẩn bị cho một sự nâng cấp quan hệ. Điển hình là người mà Tổng thống Biden chọn làm tân đại sứ, ông Mark Knapper, chưa chính thức nhậm chức, và một số phát biểu của phát ngôn nhân Việt Nam cho thấy hai bên chưa hẳn đồng quan điểm về mọi mặt.
Ông giải thích: “Nói thẳng ra là Việt Nam và Mỹ có thể ‘đồng sàng’ về mặt an ninh nhưng hai bên lại ‘dị mộng’ vì có những giấc mơ khác nhau.
Tại thời điểm này Việt Nam không muốn gây hấn với Trung Quốc. Nếu chúng ta nhìn vào hơn 21 tháng qua, không có một sự cố hàng hải nào đáng kể xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam. Vì vậy, nhìn từ quan điểm của Việt Nam, tình hình như hiện nay với Trung Quốc không thể tốt hơn nữa và họ không muốn phá hỏng bầu khí hiện tại”.
Thạc sĩ Hoàng Việt đồng quan điểm với Giáo sư Thayer. Ông lý giải:
“Một trong quan ngại lớn nhất của Việt trong quan hệ Việt-Mỹ đó chính là Việt Nam e ngại phản ứng của Trung Quốc và đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc thì đang trong giai đoạn căng thẳng rất cao và chúng ta cũng biết sự cạnh tranh chiến lược giữa hai quốc gia này đang xảy ra. Việt Nam e ngại là vì Việt Nam không muốn bị lệ thuộc vào phe nào. Quan điểm này không những chỉ riêng Việt Nam mà kể cả các quốc gia ASEAN cũng thể hiện và các nước ASEAN không muốn chọn phe. Hoa kỳ cũng khẳng định điều đó rằng Hoa Kỳ không buộc Việt Nam phải chọn phe. Mối lo ngại lớn nhất khi Việt Nam muốn phát triển quan hệ với Hoa Kỳ là phản ứng từ phía Trung Quốc”.
“Nói thẳng ra là Việt Nam và Mỹ có thể ‘đồng sàng’ về mặt an ninh nhưng hai bên lại ‘dị mộng’ vì có những giấc mơ khác nhau.
Tại thời điểm này Việt Nam không muốn gây hấn với Trung Quốc. Nếu chúng ta nhìn vào hơn 21 tháng qua, không có một sự cố hàng hải nào đáng kể xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam. Vì vậy, nhìn từ quan điểm của Việt Nam, tình hình như hiện nay với Trung Quốc không thể tốt hơn nữa và họ không muốn phá hỏng bầu khí hiện tại”. -Gs Carl Thayer
Theo Giáo sư Thayer, bà Harris có thể sẽ lập lại ý muốn nâng cấp quan hệ sang quan hệ đối tác chiến lược nhưng phía Việt Nam có vẻ chưa muốn hưởng ứng trong lúc này.
“Bộ trưởng Austin phát biểu tại Singapore về chiến lược ‘răn đe tích hợp’, kêu gọi các nước thiết lập quan hệ đối tác với Mỹ để đẩy lùi Trung Quốc. Nhưng nghe lại những lời của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam về chuyến thăm của bà Harris thì đã nhắc đến Trung Quốc và Hoa Kỳ trong cùng một câu. Bà ấy nói về việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với cả hai nước. Đối với tôi, điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ duy trì lập trường độc lập của mình và họ sẽ hợp tác trên bất kỳ lĩnh vực nào mà chính phủ Biden nêu ra vì quan hệ đối tác toàn diện rất rộng”.
Nhà phân tích, Giáo sư Derek Grossman cũng công nhận rằng cho dù có sự nâng cấp quan hệ, nhưng trên thực tế không thay đổi gì nhiều vì quan hệ hợp tác quốc phòng vốn đã tăng mạnh trong những năm gần đây.
Còn nhà nghiên cứu Trần Thị Bích của Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến Lược và Quốc tế gần đây nhận định trong một cuộc phỏng vấn với RFA:
“Những quan chức của Mỹ và những quan chức của Việt Nam đều nói rằng nội hàm của mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ hiện tại đã đạt đến mức chiến lược rồi. Thế nhưng tôi cũng tự hỏi rất nhiều lần vậy tại sao vẫn chỉ là quan hệ đối tác toàn diện? Tôi cũng như rất nhiều người theo dõi Việt Nam cũng đang rất mong chờ hai nước đồng ý chính thức nâng cấp mối quan hệ này lên mức chiến lược”.
Theo Bloomberg, Phó Tổng thống Harris dự tính sẽ có những cuộc gặp gỡ với đại diện công đoàn Hoa Kỳ trước chuyến đi, và tại Singapore và Việt Nam, bà dự kiến gặp gỡ với các nhóm xã hội dân sự.
Vấn đề nhân quyền là một cản trở lớn trong việc nâng cấp quan hệ hai bên, được Giáo sư Thayer chỉ ra.
“Một trong những vấn đề là nhân quyền, vì bà Harris thuộc Đảng Dân Chủ và bà là một người cấp tiến. Tôi được những viên chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết rằng vấn đề nhân quyền đã được Bộ trưởng Austin nêu lên (trong chuyến công du của ông). Tuy nhiên báo chí Việt Nam thì không hề nhắc đến điều đó. Chính quyền Biden nói rằng họ sẽ nâng cao nhân quyền, rằng các giá trị là quan trọng và nhiều người như ông Austin đã nhắc đến. Vâng, có lẽ ông ấy đã nêu vấn đề nhân quyền (với Việt Nam) nhưng chẳng đi đến đâu.
Tình hình nhân quyền tại Việt Nam, sự đàn áp các bloggers, đã trở nên tồi tệ hơn trong năm nay và có thể việc này đã là một trở ngại trong quan hệ song phương”.
Trong những ngày qua, nhiều tổ chức đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam, như Human Rights Watch, Mạng Lưới Nhân quyền, gia đình các tù nhân lương tâm, và một số dân biểu Hoa Kỳ đã gửi kiến nghị thúc giục bà Harris đặt vấn đề nhân quyền với Hà Nội.