Hôm qua, ngày 6 tháng 9, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Khí hậu John Kerry kết thúc chuyến làm việc 5 ngày tại Việt Nam để bàn về chống biến đổi khí hậu. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, ông John Kerry gặp gỡ các quan chức chính phủ, đại diện xã hội dân sự và lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam nhằm xây dựng sự đồng thuận về chương trình hành động chính, giải quyết vấn đề khủng hoảng do biến đổi khí hậu gây ra và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch.
Biến đổi khí hậu không còn là một “mối đe dọa” mà đã là một thực tế nguy hiểm. Ngân hàng Thế giới hồi đầu tháng 7 năm nay công bố “Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam”, cho biết “các tính toán ban đầu cho thấy Việt Nam mất 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu.”
Hồi tháng 5, Henley & Partners, một tập đoàn tư vấn về di trú bằng hình thức đầu tư, công bố kết quả nghiên cứu xếp hạng các quốc gia theo “Chỉ số Bền vững trước biến đổi khí hậu” (Investment Migration Climate Resilience Index) để phục vụ tư vấn về lựa chọn nơi di trú. Mỹ xếp hạng nhất về khả năng thích ứng trước biến đổi khí hậu, Trung Quốc xếp hạng 22. Ở Đông Nam Á, Malaysia đuợc xếp hạng 41, Indonesia xếp hạng 45, Thái Lan đứng thứ 47. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 80, cao hơn Lào (107), Campuchia (116) và Myanmar (119).
Chuyến thăm của ông John Kerry diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ Trung diễn ra gay gắt trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả khoa học công nghệ liên quan đến năng lượng xanh và giúp thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo một khảo sát từ 2016, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới và đẩy Mỹ ra khỏi thị truờng này. Theo một báo cáo của International Energy Agency công bố hồi tháng 7 năm nay, Trung Quốc chiếm đến 80% các khâu sản xuất quan trọng để làm ra tấm pin năng lượng mặt trời. Hồi tháng 6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã căn cứ vào Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (Defense Production Act,) kí sắc lệnh thúc đẩy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời trong nước.
Cạnh tranh Mỹ Trung về mặt an ninh quốc gia trong lĩnh vực năng lượng xanh và chống biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở lĩnh vực hẹp là sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời. Theo nhiều nghiên cứu gần đây, như báo cáo của Wilson Center ở Thủ đô Hoa Kỳ Washington DC, đô thị thông minh có vai trò quan trọng trong việc chống biến đổi khí hậu. Đó là lí do vì sao trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Singapore tháng 8 năm ngoái, hai nước này cũng ký thỏa thuận “Hợp tác để Giải quyết Khủng hoảng Khí hậu”, trong đó nhấn mạnh song song 2 chương trình đuợc gắn kết với nhau chặt chẽ là phát triển đô thị thông minh và công nghệ chống biến đổi khí hậu. Đồng thời, hai bên cũng sẽ hợp tác để hỗ trợ bên thứ 3 phát triển các công nghệ liên quan đến hai mục tiêu nói trên.
Chống biến đổi khí hậu không chỉ là việc của nhà nước, liên quan đến tài chính và công nghệ, mà còn cần sự tham gia của xã hội dân sự. Trao đổi với RFA, ông Josh Klemm, Giám đốc lâm thời của International Rivers, một NGO quốc tế hoạt động chủ yếu ở Châu Mỹ Latin, Châu Phi và Châu Á trong lĩnh vực môi trường, bày tỏ hi vọng lãnh đạo hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ quan tâm đến các nhà lãnh đạo dân sự chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường ở Việt Nam đang thụ án tù vì những bản án “trốn thuế” có nhiều nghi vấn. Trong số đó, theo ông Josh Klemm, những người được giới hoạt động môi trường quốc tế quan tâm nhất là bà Ngụy Thị Khanh, người đoạt giải Môi trường Goldman, và luật sư môi trường nổi tiếng Đặng Đình Bách.
Ông Josh Klemm cũng đặt câu hỏi là Việt Nam làm thế nào thực hiện cam kết không phát thải ròng vào năm 2050 (công bố vào tháng 11 năm ngoái) trong khi những người mở đường vẫn phải ngồi tù. Ông Josh dẫn ra là Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh đã kêu gọi trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh, nhưng vô hiệu.