Mới đây, một chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2023 được tổ chức tại trường THPT chuyên Hùng Vương ở Gia Lai. Ngoài sự tham dự của học sinh trong trường, buổi tư vấn còn có sự tham gia của một số giảng viên, hiệu trưởng của các trường đại học trong nước.
Theo báo nhà nước, buổi tư vấn ‘nóng’ lên khi một học sinh nêu câu hỏi: “Học đại học có cần thiết không khi hiện nay có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học làm trái ngành nghề nhưng có thu nhập cao?”
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – quyền hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TP.HCM – cho rằng, việc sinh viên ra trường thất nghiệp là chuyện bình thường. TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thì cho rằng, học đại học giúp sinh viên có nghề nghiệp, tương lai ổn định. Thạc sĩ Phùng Quán – Trường đại học Khoa học tự nhiên xác nhận thực tế có một số sinh viên học đại học ra trường làm trái nghề lại có lương cao, trong khi một số người lương rất thấp hoặc thậm chí thất nghiệp.
Chuyện sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm là một thực tế tại Việt Nam nhiều năm qua. Theo thống kê năm 2018 của Bộ Lao động – thương binh và xã hội, thực tế có khoảng 80% sinh viên, cử nhân ra trường chạy xe ôm công nghệ.
Không nhất thiết phải học đại học, bởi vì đối với tôi, cái quan trọng cho một học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 xong, là họ phải được tư vấn hướng dẫn, tư vấn để đi theo những ngành nào phù hợp với khả năng của họ. Nếu khả năng của học sinh đó chỉ đạt đến mức cao đẳng hoặc học nghề thì đừng vào đại học. – Ông phạm Minh Hoàng
Trả lời RFA sáng 13 tháng 2 năm 2023, Giáo sư Nguyễn Đình Cống chỉ nói ngắn gọn: “Theo tôi thì học sinh hết lớp 12 nên đi học nghề”.
Báo cáo Phân tích Ngành Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với UNESCO tại Việt Nam được công bố tại hội thảo tổ chức ngày 8 tháng 8 năm 2022 cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ sinh viên thất nghiệp cao là do nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường là do chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Các chuyên gia giáo dục từng cảnh báo về tình trạng chương trình giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng không sát với nhu cầu thực tế. Chương trình đào tạo thường được giảng dạy hết năm này qua năm khác, trong khi nhu cầu của doanh nghiệp thay đổi theo từng năm.
Nhà giáo Phạm Minh Hoàng nêu quan điểm của ông với ông với RFA:
“Không nhất thiết phải học đại học, bởi vì đối với tôi, cái quan trọng cho một học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 xong, là họ phải được tư vấn hướng dẫn, tư vấn để đi theo những ngành nào phù hợp với khả năng của họ. Nếu khả năng của học sinh đó chỉ đạt đến mức cao đẳng hoặc học nghề thì đừng vào đại học. Nếu phải bỏ ra một số tiền và đầu tư thời gian vào những năm đại học rồi cuối cùng ra không làm được gì hết thì phí phạm quá. Tôi thiên về hướng không nhất thiết phải học đại học bằng mọi giá, dù tôi dạy đại học.”
Chuyện sinh viên tốt nghiệp đại học ra chạy xe ôm bị coi là sự lãng phí về thời gian và tuổi trẻ. Vì sao các bạn trẻ không chọn cho mình một trường nghề mà nhất định phải có tấm bằng đại học trong tay?
PGS Hoàng Dũng cho rằng, cái khó còn là về văn hóa chứ không phải thuần túy về tổ chức xã hội. Ông giải thích:
“Trong đầu óc của người Việt, nói cho đúng là trọng hư danh, cho nên cha mẹ muốn con mình có một bằng cấp nào đó mà ít người tự hào khi con mình làm thợ.
Trước năm 1975, ở miền Nam chính quyền tìm mọi cách khuyến khích người ta đi học nghề bằng cách các trường nghề của nhà nước đều không lấy học phí mà còn có học bổng, như trường Cao Thắng ở Sài Gòn.
Nhưng như thế cũng chỉ giải quyết được một phần vấn đề chứ không giải quyết hết được vấn đề, bởi vì nhà nước giải quyết bằng tiền thì sự phân hóa đáng lẽ là phân hóa tùy theo khả năng thì lại phân hóa theo giàu nghèo.”
Bà Thái Chân có con trai đang học một trường đại học về kỹ thuật ở TP.HCM cho hay, con trai bà muốn đi học nghề nhưng bà nhất định bắt con trai phải có tấm bằng đại học, rồi làm gì thì làm. Bà nói:
“Tôi biết bằng đại học là điều kiện bắt buộc đối với một số ngành nghề như bác sĩ, giáo viên… Còn đối với lĩnh vực kỹ thuật cơ khí như con tôi thì chỉ cần bằng trung học nghề. Nhưng tôi vẫn muốn con tôi có tấm bằng đại học. Đó là ước mơ ngày xưa của tôi mà tôi không có được do nhiều lý do, trong đó có yếu tố chính trị, bởi ba tôi là lính VNCH. Lấy tấm bằng về để đó cũng không sao!”
Nhà giáo Phạm Minh Hoàng thì cho rằng, ngoài chuyện trọng hư danh, xã hội Việt Nam cần phải thay đổi về mặt quản trị, tức phải làm sao để tất cả mọi sinh viên ra trường có cơ hội ngang nhau trong tìm việc, thì mới thu hút học sinh vào trường nghề. Ông giải thích:
“Có tấm bằng đại học nhưng có kiếm được việc làm hay không là một chuyện khác. Hai sinh viên cùng tốt nghiệp một trường, cùng tốt nghiệp trình một trình độ nhưng một người gia đình cách mạng thì có đủ điều kiện chạy chọt ở những nơi béo bở. Vậy những người khác thì sao?
Theo tôi, nên hướng học sinh học những nghề mà xã hội đang cần. Chính phụ huynh phải thay đổi tư duy của mình. Ngoài ra, cần một xã hội trong sạch, công bằng.”
Tạp chí về giáo dục Eduline Việt Nam hôm 13 tháng 2 dẫn số liệu từ Bộ Lao Động cho thấy, chỉ hơn 60% cử nhân tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Trong 60% đó chỉ có 40% tìm được việc làm liên quan chuyên môn đã được đào tạo. Ngay trong những ngành rất hot hiện nay như công nghệ thông tin, doanh nghiệp vẫn không tuyển được nhân sự đạt yêu cầu. Còn theo Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam đứng thứ 128/140 về kỹ năng của lao động khi ra trường và đứng thứ 115/140 về chất lượng dạy nghề.