Hội nghị cấp cao ASEAN 42: Việt Nam có thể nêu quan ngại về an ninh Biển Đông

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 đang được tổ chức ở Labuan Bajo, Indonesia, trong bối cảnh quốc tế và khu vực còn có nhiều căng thẳng từ an ninh, chính trị, cho đến kinh tế, thương mại.

Truyền thông Việt Nam đưa tin Thủ tướng Việt Nam ông Phạm Minh Chính, cùng ngày đã tới Indonesia, nơi mà trong ba ngày hội nghị, sẽ dự các phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp của ASEAN 42.

“Sáng 10/5, tại Labuan Bajo, Indonesia, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng đoàn các nước ASEAN tham dự lễ khai mạc và phiên toàn thể hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42. Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước sẽ dự phiên toàn thể và những phiên đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN và đại diện Đại hội đồng liên nghị viện ASEAN, đại diện thanh niên ASEAN, đại diện Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN, Nhóm công tác cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.

Các phiên họp của hội nghị cấp cao ASEAN 42 sẽ tập trung thảo luận về tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, tập trung vào chủ đề ‘ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng’; trao đổi về những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.,” báo mạng VietnamNet, thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông hôm thứ tư cho biết.

Đâu là nội dung chính yếu được kỳ vọng?

Nhân dịp này, từ Sài Gòn, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giảng viên Đại học Fulbright, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và khu vực và Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu khách mời thuộc Viện ISEAS Singapore dành cho Đài Á Châu Tự Do một cuộc trao đổi xung quanh sự kiện này và những kỳ vọng đối với Việt Nam và ASEAN ở hội nghị cấp cao lần thứ 42 này.

RFA: Đâu là nội dung chính yếu được các giới quan sát, phân tích kỳ vọng và chờ đợi từ Hội nghị cấp cao ASEAN lần này đối với khối này và các nước thành viên, và các chủ thể quốc tế, khu vực có lợi ích trực tiếp liên quan, đặc biệt về hợp tác an ninh khu vực, hợp tác phát triển nói chung ở vùng này, thưa ông?

TS. Nguyễn Thành Trung: Tôi cho rằng đó chính là sự đồng thuận giữa những nhà lãnh đạo ASEAN về những bước cụ thể sắp tới cho Cộng đồng ASEAN. Đó chính là Kế hoạch Tổng thể 2025 cho 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.

TS. Nguyễn Khắc Giang: Thông thường một năm ASEAN sẽ có 2 kỳ thượng đỉnh, kỳ họp đầu tiên sẽ bàn về các vấn đề nội khối. Mỗi nước sẽ có mục tiêu riêng, nhưng chương trình nghị sự phụ thuộc vào nước chủ nhà. Theo lịch trình từ nước chủ nhà Indonesia, các vấn đề được quan tâm bao gồm việc tăng cường các thể chế hợp tác của ASEAN từ sau tầm nhìn 2025, phục hồi kinh tế, và Myanmar. Câu chuyện được quan tâm nhất có lẽ là cuộc khủng hoảng ở Myanmar mà ASEAN vẫn chưa giải quyết được trong vài năm qua và các thảo luận về phục hồi kinh tế sau đại dịch.

RFA: Đâu là điều mà Việt Nam chờ đợi nhất có thể nhận được từ hội nghị cấp cao ASEAN lần này, so với những quan tâm được ưu tiên tại thời điểm này, cũng như hướng tới tương lai trung bình và dài hạn?

TS. Nguyễn Thành Trung: Đó chính là ASEAN có thể thúc đẩy được vai trò trung tâm của mình trong việc giải quyết các vấn đề khu vực. Để làm được điểu này, ASEAN phải trở thành một cộng đồng gắn kết. Đó cũng là điều mà Việt Nam mong đợi các quốc gia ASEAN có thể đạt được trong việc xây dựng một kế hoạch cụ thể cho Cộng đồng ASEAN 2025.

TS. Nguyễn Khắc Giang: Theo tôi, ASEAN vẫn là thể chế đa phương quan trọng bậc nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việc tăng cường sức mạnh nội khối ASEAN cũng sẽ là quan tâm của Hà Nội trong dài hạn, nhằm hạn chế ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của cạnh tranh Mỹ – Trung. Trong ngắn hạn, diễn đàn ASEAN luôn là nơi để Việt Nam nêu lên những lo ngại về an ninh, đặc biệt là biển Đông. Indonesia không phải là một bên tranh chấp, tuy nhiên, với vai trò của mình cũng như ảnh hưởng từ tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, Việt Nam có thể kỳ vọng thúc đẩy câu chuyện an ninh biển Đông trong chương trình nghị sự và trong các phiên thảo luận liên quan của hội nghị.

2023-05-10T040904Z_1466522762_RC2CV0AGNE53_RTRMADP_3_ASEAN-INDONESIA.JPG
Lãnh đạo của 10 nước ASEAN chụp ảnh lưu niệm hôm 10/5/2023. Ảnh: Akbar Nugroho Gumay/Pool via REUTERS

An ninh và chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam sẽ có tiến bộ gì?

RFA: Cụ thể hơn, một số khía cạnh như tăng cường và hợp tác an ninh ở Biển Đông Nam Á, Biển Đông sẽ có thể được Việt Nam tận dụng, khai thác ra sao ở hội nghị cấp cao này, kể cả một số vấn đề nội khối (như chẳng hạn Indonesia có biên giới trên biển được cho là có “chồng chéo”, “chồng lấn” với Việt Nam, trong lúc họ cũng có những tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông)? An ninh, chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông qua hội nghị cấp cao lần này có thể đạt tiến bộ gì không và ra sao?

TS. Nguyễn Thành Trung: Theo tôi, các vấn đề mang tính đa phương luôn sẽ giải quyết khó hơn các vấn đề song phương. Chúng ta cũng biết tháng 12/2022, Việt Nam và Indonesia đã hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn giữa hai nước sau 12 năm. Song phương chỉ giữa hai nước mà còn tới thời gian như vậy thì tôi cho rằng không dễ dàng cho chúng ta thấy tiến bộ ở các hội nghị đa phương. Do đó, tôi không nghĩ rằng hội nghị cấp cao ASEAN 42 có thể mang lại nhiều tiến bộ và thuận lợi cho Việt Nam để đưa ra các vấn đề liên quan đến biển Đông.

TS. Nguyễn Khắc Giang: Việt Nam và Indonesia hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế vào cuối năm ngoái, tạo cơ sở để hai nước thống nhất một “mặt trận” chung đấu tranh với tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Tuy nhiên, do chương trình nghị sự lần này tập trung vào vấn đề nội khối, biển Đông có lẽ sẽ không phải là chủ đề được quan tâm nhiều. Tuy vậy, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tiếp tục nêu rõ quan điểm của mình về biển Đông, đồng thời thúc đẩy một quan điểm nội khối thống nhất khi thảo luận vấn đề xây dựng Tuyên bố ứng xử các bên trên biển Đông (DOC) với Trung Quốc.

RFA: Về khía cạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, y tế, môi trường, năng lượng, đặc biệt là hợp tác hỗ trợ tiến bộ về cải cách thể chế, nâng cao năng lực quản trị, trong đó có đẩy mạnh các tiến trình dân chủ hóa, dân chủ pháp trị hay nhà nước pháp quyền và tự do thị trường, thì cấp cao này có thể có khả năng ít nhiều đáp ứng gì về nhu cầu cho các nước thành viên, và trong đó có Việt Nam hay không?

TS. Nguyễn Thành Trung: Tôi cho rằng ASEAN sẽ đề cập nhiều hơn các vấn đề về hồi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của chiến sự Ukraine, và căng thẳng Mỹ-Trung trong khu vực hơn là đẩy mạnh về các tiến trình dân chủ hoá. Tập trung sẽ vào việc làm thế nào để đưa Cộng đồng ASEAN gần với hiện thực hơn vào năm 2025.

TS. Nguyễn Khắc Giang: Nguyên tắc cơ bản của ASEAN là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, nên những vấn đề về hợp tác hay thúc đẩy cải cách thể chế và dân chủ hóa là rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Bản thân các nước ASEAN đều gặp vấn đề riêng về dân chủ và có thể chế chính trị vô cùng đa dạng và phần lớn là phi dân chủ, nên dù ASEAN có nêu ra các vấn đề về dân chủ (như tuyên bố nhân quyền ASEAN), đây cũng không phải là ưu tiên. ASEAN không phải là một hình mẫu về liên minh dân chủ như Liên minh Châu Âu, và có lẽ sẽ không bao giờ trở thành như vậy. Ngay như cuộc khủng hoảng ở Myanmar, xuất phát từ một cuộc đảo chính quân sự lật đổ một chính quyền dân sự được bầu lên, ASEAN vẫn đang loay hoay tìm phương án giải quyết.

Có tiếp cận gì mới và kỳ vọng gì về hợp tác và cải thiện nhân quyền?

RFA: Về cải thiện nhân quyền thì có thể trông đợi gì về hợp tác, quan tâm nội khối hay không qua cấp cao này, hay phải đợi tới một vài cấp cao khác? Quan điểm riêng của ông thế nào về năng lực của ASEAN trong việc giúp các nước thành viên cải thiện và nâng cao vẫn đề đảm bảo nhân quyền, dân chủ ở nội khối này, mặc dù ASEAN có thể có quy định nội bộ nào đó mà có thể bị một số quốc gia thành viên có thể có quan ngại, mà có thể viện đến để tránh áp lực, chẳng hạn như Myanmar, Lào, Campuchia hay như một số nhà quan sát nói, đặc biệt là Việt Nam, với Việt Nam gần đây các bảng xếp hạng từ Reporters Without Border, cho tới PEN America chẳng hạn, đều cho thấy sự quan ngại về tình trạng được cho là “xấu đi” khá đáng quan ngại qua việc chính quyền được cho là tăng cường trấn áp các giới trong đó có giới phản biện độc lập, các thành viên xã hội dân sự, những người viết, các nhà báo và những nhà hoạt động ôn hòa khác? Ý kiến trên quan điểm riêng của ông về vấn đề này thế nào?

TS. Nguyễn Thành Trung: Tôi cho rằng ASEAN vẫn trung thành với quan điểm của họ là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Nguyên tắc này được nhiều nhà phân tích cho là điểm yếu của ASEAN, nhưng cũng có ý kiến cho rằng chính việc không can thiệp nội bộ của nhau khiến cho các quốc gia trong khối duy trì được sự đoàn kết của mình, và giữ họ ở lại trong khối. Do đó, tôi cho rằng ASEAN sẽ tránh đề cập tới vấn đề nhân quyền hay dân chủ. Ngoài ra, các quốc gia trong khối hầu như cũng đều có vấn đề này vấn đề kia nên họ không thể nào “lên giọng” với quốc gia khác được.

TS. Nguyễn Khắc Giang: Tương tự như trên đã đề cập, tôi không cho rằng nhân quyền là mối quan tâm chính của các nước ASEAN, vốn không phải là tập các nước dân chủ kiểu như EU và có những nguyên tắc rõ ràng về dân chủ và nhân quyền. Nguyên tắc chính của ASEAN là không can thiệp, và chúng ta thấy rõ điều này ngay cả khi xuất hiện các cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Myanmar vào năm 2018 (khủng hoảng người Rohingya) và sau năm 2021 sau cuộc chính biến của quân đội nước này. Vì thế, sẽ khó kỳ vọng ASEAN sẽ cải thiện được gì nhiều tình hình dân chủ hay nhân quyền của các nước thành viên.

RFA: Xin chân thành cảm ơn hai ông đã trả lời cuộc phỏng vấn này.

Tiến sỹ Nguyễn Thành Trung.jpegTiến sĩ Nguyễn Thành Trung hiện là giảng viên chuyên ngành Quan hệ Quốc tế và Chính trị học so sánh tại Đại học Fulbright Việt Nam. Trước đây, ông từng là Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), ĐH KHXH-NV, ĐHQG-HCM. Ông Nguyễn Thành Trung từng du học sau đại học cả ở Trung Quốc, Mỹ và Hong Kong, và thành thạo tiếng Anh và Trung.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang.jpeg

Tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang là Nghiên cứu viên khách mời tại Chương trình Nghiên cứu Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore, ông nhận bằng Tiến sĩ về Khoa học Chính trị tại Đại học Victoria ở Wellington, New Zealand. Ông cũng từng là trưởng nhóm nghiên cứu chính trị tại Viện NC Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Related posts